Như xương rồng trong nắng, gió Phan Rang

Đại úy Phạm Thế Tân, Đội trưởng Đội chống khủng bố là một trong những điển hình của Lữ đoàn Đặc công nước 5, hai lần được bình chọn gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2022, 2023.

Tôi đã từng nghe nói về sự khắc nghiệt của mảnh đất Phan Rang (Ninh Thuận), nhưng trong chuyến công tác tới Lữ đoàn Đặc công nước 5 (Binh chủng Đặc công), tôi mới thấy hết sự “hào phóng” của nắng, gió nơi đây. Không chỉ cảm nhận sự khắc nghiệt của thời tiết, tôi còn hiểu thêm về ý chí, nghị lực vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy trong luyện rèn, thực hiện nhiệm vụ của người lính Đặc công nước. Họ như những cây xương rồng mạnh mẽ vươn lên, và trong số đó, sĩ quan trẻ, Đại úy Phạm Thế Tân, Đội trưởng Đội chống khủng bố là một trong những điển hình của Lữ đoàn Đặc công nước 5, đã hai lần được bình chọn là gương mặt trẻ triển vọng toàn quân vào năm 2022, 2023.

Khó khăn không nản chí

Trong lúc quan sát Phạm Thế Tân và các chiến đấu viên thực hiện những bước chân trần trên cát, tôi bị bất ngờ bởi đôi chân của anh và các đồng đội bởi dường như có... nhiều mắt cá chân hơn bình thường. Đem băn khoăn của mình hỏi Tân thì được biết: Chuyện là, ở vùng đất Phan Rang, có một loại cỏ gai đặc biệt. Khi cỏ già và chết, gai của nó vẫn cứng và nhọn hoắt, thường vùi kín trong cát. Khi huấn luyện kỹ thuật đi, tiếp cận mục tiêu, để bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ, người lính đặc công không được mang giày, dép. Tùy từng tình huống, địa hình, địa vật mà họ phải bước nhẹ bằng mũi bàn chân. Nếu gặp loại cỏ gai cứng nhọn kia, người lính đặc công sẽ như giẫm vào hàng chục mũi chông ngạnh sắc như lưỡi câu, dù có đau buốt đến đâu cũng phải nghiến răng chịu đựng để hoàn thành bài tập…

 Đại úy Phạm Thế Tân, Đội trưởng Đội chống khủng bố, Lữ đoàn Đặc công nước 5 (Binh chủng Đặc công). Ảnh: NVCC

Đại úy Phạm Thế Tân, Đội trưởng Đội chống khủng bố, Lữ đoàn Đặc công nước 5 (Binh chủng Đặc công). Ảnh: NVCC

Bị gai cỏ đâm nhiều lần, gót chân và phía dưới ngón chân cái ở cả hai bàn chân trở nên chai lỳ, khô cứng. Lính đặc công "khoe" có bốn mắt cá trên một bàn chân là vì thế! Giống các đồng đội, bàn chân của Phạm Thế Tân cũng sớm “sở hữu” thêm những “mắt cá” không phải của tạo hóa.

Ra đến thao trường, chứng kiến các anh luyện tập, chúng tôi mới có dịp hiểu rõ hơn về đặc thù nhiệm vụ của lực lượng này. Ở cái nơi “gió như phan, nắng như rang” này, các chiến sĩ đặc công lại kiên cường đến lạ. “Nhiều lúc phải nằm im mặc cho côn trùng “liên hoan, ca hát” đấy đồng chí ạ!", Phạm Thế Tân nói vui với tôi khi vừa hoàn thành xong buổi tập của mình. Anh kể, khi đã bước vào huấn luyện kỹ thuật vùi mình dưới cát, da thịt các chiến đấu viên bị vô số côn trùng tấn công. Có loại đốt như kim châm, có loại gây bỏng rát, có loại gây ngứa rất khó chịu, nhưng vì yêu cầu khắt khe trong rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật đặc công mà các anh phải bất động, mặc cho lũ côn trùng tự do "hoành hành".

Các chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công nước 5 (Binh chủng Đặc công) trong một giờ huấn luyện. Ảnh: NVCC

Các chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công nước 5 (Binh chủng Đặc công) trong một giờ huấn luyện. Ảnh: NVCC

Câu chuyện càng dài, những điều bất ngờ đặc biệt về Bộ đội Đặc công qua Đại úy Phạm Thế Tân càng sáng tỏ. Những chuyện lạ trong huấn luyện, mới nghe cứ thấy vui vui, nhưng trong tôi lại dâng trào bao cảm xúc, cảm phục anh và đồng đội.

Khi diễn tập tổng hợp, Tân và đồng đội thường thực hiện mang vác ba lô 30kg trên vai với các loại vũ khí, trang bị đặc chủng. Những đôi chân trần qua nhiều ngày vượt núi, băng rừng trong nắng rát, mưa rào trở nên phồng rộp, đau điếng. Có đồng chí bị bong nguyên mảng gót chân… phải tự khâu lại mảng da bong để tiếp tục hoàn thành hành trình của mình. Việc trầy xước, bong da hay chấn thương là chuyện thường ngày mà các anh phải đối mặt.

Trên bờ đã vậy, khi xuống biển, các chiến đấu viên phải đối mặt với những thử thách hoàn toàn khác. Việc luyện rèn sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai ở nhiều địa hình, độ sâu khác nhau, đối mặt với nhiều loài vật nguy hiểm đến tính mạng là một thử thách buộc họ phải vượt qua. Sóng to, gió lớn, mưa mù, cả ngày dài thả trôi trên biển, bóc từng lớp da, cảm giác bản thân chỉ như chiếc lá. Tiếp cận mục tiêu trong đêm tối, dưới chân là những mỏm đá sắc nhọn, bên cạnh là vách đá dựng đứng, trơn trượt, cộng với tác động của sóng, gió nếu không thực hiện đúng kỹ thuật, các chiến đấu viên rất dễ bị chấn thương, nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, càng tiếp cận gần đảo thì những thử thách đó càng khó khăn hơn.

Bộ đội Đặc công đã quen với sóng to, gió lớn, mưa mù hay cả ngày dài thả trôi trên biển mênh mông... Ảnh: NVCC

Bộ đội Đặc công đã quen với sóng to, gió lớn, mưa mù hay cả ngày dài thả trôi trên biển mênh mông... Ảnh: NVCC

Chứng kiến sự khắc nghiệt của môi trường, khổ luyện và ý chí kiên cường của các chiến đấu viên, tôi không khỏi ái ngại: “Tại sao trong nhiều sự lựa chọn nhẹ nhàng hơn, anh lại chọn con đường binh nghiệp, chọn chuyên ngành đặc công nước?”. Đại úy Phạm Thế Tân cười hiền khô, ánh mắt đầy tự hào: “Từ thời học sinh, qua sách, báo, phim, ảnh, tôi đã yêu mến, khâm phục, ngưỡng mộ cách đánh “xuất quỷ nhập thần”, những chiến công hiển hách của Bộ đội Đặc công. Những điều đặc biệt của Bộ đội Đặc công đã làm tôi đam mê”.

Khổ luyện để bản lĩnh và trưởng thành hơn

Lữ đoàn Đặc công nước 5 có nhiệm vụ tác chiến trên hướng biển, đảo, nhiệm vụ A2, chống khủng bố, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn… và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác. Do môi trường và điều kiện tác chiến đặc thù của Đặc công nước chủ yếu là tiến công các mục tiêu trên sông, trên biển, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Đặc công nước phải có trình độ kỹ thuật, chiến thuật thuần thục, điêu luyện và sức khỏe bền bỉ, dẻo dai. Đó là ngâm mình dưới sình lầy, vùi mình dưới cát, “tàng hình” trước nhiều thiết bị quan sát hiện đại, vượt qua nhiều chướng ngại vật, vật cản của đối phương, tiến đánh nhiều mục tiêu quan trọng, nằm sâu trong hậu cứ của địch; đó là lặn, là bơi, thả trôi nhiều giờ liên tục trên biển; đổ bộ đường không, đổ treo, leo trèo nhà cao tầng...

“Chúng tôi đã quen với việc ngày nắng tập trên cát bỏng rát, chạy bộ hơn 40km, ngày lạnh ngâm mình dưới nước hơn 20 giờ, bơi hàng chục ki-lô-mét, thức trắng đêm xuyên rừng... Bất kể đêm, ngày, chúng tôi luôn sẵn sàng trực chiến và thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh”, Đại úy Phạm Thế Tân chia sẻ.

Vì thế mà, giỏi võ, giỏi leo dây, trèo tường, nhảy dù ở độ cao gần 1.000m, đổ treo, thả trôi nhiều giờ trên biển, ngụy trang khéo léo, rèn luyện sức chịu đựng trước những điều kiện thời tiết khắc nghiệt… là những điều tôi được “thực mục sở thị” về Phạm Thế Tân. Anh có khả năng chạy liên tục trên quãng đường vài chục ki-lô-mét trong thời gian ngắn; thực hiện hàng trăm lần đổ bộ an toàn từ trên không xuống mục tiêu. Anh có kỹ năng tác chiến nhanh như chim cắt, leo tường thẳng đứng cao hàng chục mét, leo ống nước, dây chống sét, nhà giàn, vận động trên nóc nhà, tàu thuyền, bến cảng… không một tiếng động và còn là một thiện xạ đáng gờm. Không chỉ vậy, Phạm Thế Tân còn nổi tiếng nhờ khả năng bơi không biết mệt. Giữa đêm bịt bùng, trong điều kiện sóng gió ầm ầm nhưng Phạm Thế Tân vẫn lừng lững như “thanh thép nguội” can trường rồi bất ngờ tấn công mục tiêu…

Môi trường và điều kiện tác chiến đặc thù của Đặc công nước chủ yếu là tiến công các mục tiêu trên sông, trên biển đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Đặc công nước phải có trình độ kỹ thuật, chiến thuật thuần thục, điêu luyện và sức khỏe bền bỉ, dẻo dai. Ảnh: NVCC

Môi trường và điều kiện tác chiến đặc thù của Đặc công nước chủ yếu là tiến công các mục tiêu trên sông, trên biển đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Đặc công nước phải có trình độ kỹ thuật, chiến thuật thuần thục, điêu luyện và sức khỏe bền bỉ, dẻo dai. Ảnh: NVCC

Khiêm tốn cho rằng không chỉ mình mà nhiều đồng đội khác cũng có thể bơi hàng chục cây số như thế, Đại úy Phạm Thế Tân chia sẻ thêm: “Huấn luyện, diễn tập dài ngày trên biển là một nội dung rất vất vả và khó khăn về nhiều mặt. Trước khi được tham gia, chúng tôi phải trải qua thời gian dài luyện tập trên đất liền nhiều nội dung như: Rèn luyện khả năng chịu đựng sóng gió, rèn luyện tiền đình, các kỹ thuật bơi cá chép, kỹ thuật bơi dài, bơi xa trong mọi điều kiện thời tiết,… Khó khăn, vất vả nhất vẫn là kỹ thuật bơi thả bắt mục tiêu với cự ly lên đến hàng chục ki-lô-mét, ngâm mình hàng giờ dưới nước biển và rong kéo theo khối lượng vũ khí trang bị, thuốc nổ cả trăm ki-lô-gam, trong điều kiện đêm tối chỉ một màu đen đặc… Nếu như không làm thật tốt công tác bảo đảm an toàn trong huấn luyện sẽ khó tránh khỏi những rủi ro”.

Những tháng ngày trên giảng đường Trường Sĩ quan Đặc công, lăn lộn trên thao trường, bãi tập, những đợt diễn tập khắc nghiệt khi về Lữ đoàn Đặc công nước 5 công tác đã tôi luyện chàng trai Phạm Thế Tân thành một sĩ quan đặc công rắn rỏi. Gương mặt ánh lên niềm tự hào, Đại úy Phạm Thế Tân tâm sự về con đường gian nan anh đã trải qua: “Chiến đấu viên chống khủng bố phải “thuộc làu” các nghiệp vụ cần có của lực lượng Đặc công nước, như kình ngư dưới biển, am hiểu luồng lạch, thuần thục về kỹ thuật, điêu luyện, tinh nhuệ về kỹ năng chiến đấu; quyết đoán, can trường; có thể lực tốt, sức chịu đựng cao, giỏi võ thuật, giỏi tác chiến độc lập trên mọi địa hình, môi trường; sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị đặc chủng, các phương tiện kỹ thuật hiện đại”.

Nhiệm vụ của chiến đấu viên chống khủng bố không chỉ tập trung tiêu diệt, đánh bắt lực lượng khủng bố mà còn phải bảo đảm an toàn tính mạng con tin nói riêng, tính mạng người dân ở khu vực mục tiêu nói chung. Ngoài yếu tố thể lực tốt thì kỹ năng sinh tồn, khả năng độc lập tác chiến, nhanh nhạy trong xử lý những tình huống bất ngờ luôn là yếu tố quyết định đến hoàn thành nhiệm vụ của người lính Đặc công. “Trong thực tế chiến đấu có thiên hình vạn trạng những bất ngờ không lường trước được, chính vì thế, muốn bản lĩnh và trưởng thành hơn, mỗi chiến đấu viên phải miệt mài khổ luyện...” - Phạm Thế Tân bật mí.

Ghi nhận sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Đại úy Phạm Thế Tân, Thường vụ Đảng ủy Binh chủng Đặc công đã tin tưởng giao trọng trách cho anh là Đội trưởng Đội Chống khủng bố. Ngoài ra, Tân còn là Phó bí thư chi bộ, Trưởng nhóm giao lưu học hỏi võ thuật Câu lạc bộ sĩ quan trẻ của Lữ đoàn và là một cầu thủ bóng đá cừ khôi...

Phạm Thế Tân trên bục nhận Huy chương Vàng môn Võ chiến đấu tay không tại Hội thao Thể thao Quốc phòng năm 2024. Ảnh: NVCC

Phạm Thế Tân trên bục nhận Huy chương Vàng môn Võ chiến đấu tay không tại Hội thao Thể thao Quốc phòng năm 2024. Ảnh: NVCC

“Cây sáng kiến”, “tay đấm tốc độ” toàn quân

Ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một đội trưởng, Đại úy Phạm Thế Tân luôn đau đáu nghiên cứu, tìm tòi, nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện; tiết kiệm công sức và đặc biệt là bảo đảm an toàn cho đồng đội. Đó là động lực, là cốt lõi của những sáng kiến có giá trị thực tiễn cao đã được áp dụng hiệu quả của Phạm Thế Tân.

Một nhiệm vụ đặc biệt của các chiến sĩ Đặc công nước chống khủng bố là việc bơi tiếp cận, xâm nhập các mục tiêu trên biển, đảo - đó cũng là kỹ thuật vô cùng khó khăn, nguy hiểm, nhất là khi luồng lạch, dòng chảy biến động phức tạp và trong việc lấy vũ khí trang bị để xử lý tình huống khẩn cấp. Tân đã ngày đêm trăn trở về giải pháp bảo đảm an toàn, tiện lợi khi thực hiện kỹ thuật này. Bởi vậy, khi biết sáng kiến “Thiết bị leo trèo nhà giàn” (năm 2023) của Phạm Thế Tân được áp dụng hiệu quả giữa trùng khơi, tôi đã rất bất ngờ với khả năng sáng tạo của anh. Sáng kiến đoạt giải A cấp Binh chủng và dự thi cấp toàn quân này là một thành công lớn trong hành trình đưa các giải pháp bảo đảm an toàn cho chiến sĩ trực tiếp tham gia, là động lực quan trọng cho những “phát kiến” tiếp theo của chàng sĩ quan trẻ.

Trước đó, năm 2022, “Bộ thiết bị bảo đảm an toàn đổ treo” cũng được Phạm Thế Tân chế tạo khi thực tế trực tiếp tham gia các buổi huấn luyện thực hành đổ treo từ máy bay xuống tiếp đất ở khoảng cách 30-40m, bảo đảm an toàn cho người và vũ khí trang bị mang theo. Sáng kiến này đoạt giải Nhì trong Hội thi sáng kiến cải tiến mô hình học cụ huấn luyện do Lữ đoàn Đặc công nước 5 tổ chức và giải Ba cấp Binh chủng. Năm 2021, khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện giải thoát con tin trên nhà cao tầng, giải cứu người trong hỏa hoạn, việc vận chuyển thương binh, dẫn giải con tin gặp nhiều khó khăn khi các lối ra ở cầu thang bị chặn bởi lực lượng khủng bố hoặc các đám cháy lớn, Phạm Thế Tân đã nảy ra sáng kiến chế tạo “Đai mang thương binh” với cấu tạo gọn nhẹ, tiện cơ động, thời gian triển khai nhanh, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người khi thực hiện nhiệm vụ. Sáng kiến được lãnh đạo, chỉ huy Binh chủng công nhận, biểu dương trong Phong trào Tuổi trẻ Sáng tạo.

Và còn rất nhiều sáng kiến khác của anh, như: “Thiết bị tạo giả âm thanh kết hợp ánh sáng” (năm 2017, sáng kiến đầu tay được “trình làng” khi Phạm Thế Tân ra trường chưa đầy một năm). “Giá cố định dây tụt chiến thuật” (2018), “Giá súng thao trường” (2019). Từ đó đến nay, mỗi năm, Phạm Thế Tân đều có một đến hai sáng kiến mang lại giá trị thực tiễn cao và được áp dụng rộng rãi trong toàn Binh chủng.

Không chỉ dừng lại ở những sáng kiến vô cùng ý nghĩa, Đại úy Phạm Thế Tân còn sở hữu bảng thành tích ấn tượng về chuyên môn nghiệp vụ. 5 lần tham gia Hội thao Võ chiến đấu tay không toàn quân, anh đã mang về cho Binh chủng 3 Huy chương Vàng (2015, 2022, 2024), 2 Huy chương Đồng (2014, 2023), Huy chương Bạc đồng đội môn Vượt vật cản huấn luyện toàn quân (năm 2019), giải Nhất đồng đội môn Võ chiến đấu tay không (2024). Cũng vì thế mà anh được mệnh danh là “Tay đấm tốc độ” của Quân đội.

Trò chuyện với Trung tá QNCN Hoàng Thanh Chiến, một quân nhân kỳ cựu của đơn vị, tôi được anh hài hước chia sẻ: “Mải mê với nhiều đề tài, sáng kiến, lịch huấn luyện, diễn tập dày đặc và nhiệm vụ đột xuất nhưng riêng “đề tài trăm năm” Phạm Thế Tân (mặc dù đã đăng ký kết hôn) phải hoãn đến hai lần. Cho đến tháng 4-2024, đồng chí Tân mới chuyển từ trạng thái “dự lệnh” thành “động lệnh” với cô giáo cùng quê. Một đám cưới ấm cúng đã được tổ chức trong sự chúc phúc của gia đình cùng lãnh đạo, đồng chí, đồng đội trong đơn vị”.

Phạm Thế Tân (ngồi) cùng đồng đội giành Giải nhất đồng đội môn Võ chiến đấu tay không tại Hội thao Thể thao Quốc phòng năm 2024. Ảnh: NVCC

Phạm Thế Tân (ngồi) cùng đồng đội giành Giải nhất đồng đội môn Võ chiến đấu tay không tại Hội thao Thể thao Quốc phòng năm 2024. Ảnh: NVCC

Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó chính ủy Lữ đoàn Đặc công nước 5 nhận xét: “Đại úy Phạm Thế Tân là một sĩ quan trẻ nhưng tiến bộ nhanh cả về năng lực chỉ huy, kỹ chiến thuật đặc công và đặc biệt là khả năng, nỗ lực, sáng tạo trong khó khăn; đồng chí luôn khiêm tốn, giản dị, ngại nói về mình nhưng có nhiều thành tích trong luyện rèn, thi đấu, hội thao, có nhiều sáng kiến thiết thực phục vụ nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu. Đồng chí Tân luôn tỏa ra nguồn năng lượng tích cực, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo hiệu ứng tốt cho toàn đơn vị, nhất là với thế hệ trẻ”.

Được biết, Phạm Thế Tân đang ấp ủ cho ra đời một sáng kiến rất ý nghĩa và sẽ được công bố cuối năm nay. Điều đó cho thấy khả năng sáng tạo của người lính đặc công nước trong muôn vàn thử thách, luyện rèn, dù khó khăn đến đâu, chỉ cần có ý chí và lòng quyết tâm để vượt qua. Tấm gương của anh làm tôi liên tưởng đến hình ảnh cây xương rồng với sức sống mãnh liệt trên vùng đất quanh năm chỉ có nắng, gió và cát, cho dù trong hoàn cảnh nào, môi trường sống khắc nghiệt ra sao, nó vẫn hiên ngang, kiên cường vươn lên!

BẠCH DƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/nhu-xuong-rong-trong-nang-gio-phan-rang-799352