Nhức nhối buôn lậu trên biển
Chưa lúc nào cuộc chiến chống buôn lậu trên biển Tây Nam trở nên khốc liệt như lúc này. Dù chính quyền địa phương, ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp, thậm chí cán bộ - chiến sĩ của lực lượng cảnh sát biển đã ngã xuống khi làm nhiệm vụ tuần tra, truy bắt đối tượng phạm tội, song nạn buôn lậu trên biển Tây Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, số vụ vi phạm phát hiện năm sau luôn tăng cao so với năm trước…
Ngày càng tinh vi, manh động
Theo Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng này đã phát hiện, xử lý 20 tàu buôn lậu/107 đối tượng, xử phạt 1,4 tỷ đồng, bán phát mại hàng tịch thu, nộp ngân sách hơn 90 tỷ đồng; đa số hàng lậu được phát hiện, bắt giữ trên vùng biển Tây Nam.
Từ năm 2016 đến nay, số vụ buôn lậu do đơn vị này và các cơ quan liên quan phối hợp bắt giữ năm sau luôn cao hơn năm trước. Đáng chú ý, hàng lậu phần lớn là xăng dầu, mỗi lô hàng bị bắt có giá trị lớn, từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Đơn cử, ngày 3-3, qua tuần tra tại khu vực vùng biển Đông Nam đảo Hòn Khoai (tỉnh Cà Mau), lực lượng Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện tàu BV-96868TS vận chuyển lậu hơn 467.000 lít dầu DO. Qua phát mại hàng tịch thu, Vùng Cảnh sát biển 4 đã nộp ngân sách hơn 5,6 tỷ đồng.
Khai với lực lượng chức năng, các đối tượng cho biết đã mua số dầu trên với giá thấp hơn giá thị trường ở Việt Nam 39%, nếu trót lọt sẽ “bỏ túi” khoản 2 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, do lợi nhuận từ hoạt động buôn lậu rất lớn nên nạn buôn lậu, nhất là buôn lậu xăng dầu trên biển, ngày càng phức tạp, biến tướng.
Thượng tá Nguyễn Thế Anh, Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm các tỉnh thành phía Nam (Đoàn 3) - Bộ đội Biên phòng, cho biết nạn buôn lậu xăng dầu trên biển bắt đầu ồ ạt trong khoảng 3 - 4 năm gần đây, khi giá xăng dầu trong nước tăng cao.
Trong đó, nóng nhất là vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, TPHCM… Theo Thượng tá Anh, công tác phòng chống buôn lậu trên biển của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn, do đầu nậu, đối tượng mua bán hàng lậu có nhiều thủ đoạn, chiêu thức hoạt động tinh vi.
Hiện nay, phần lớn đối tượng buôn lậu không đóng mới phương tiện mà lợi dụng chính sách cho vay vốn theo Nghị định 67 để cải hoán, đóng tàu trá hình. Quá trình vận chuyển hàng lậu, khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bọn chúng sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người” vì phương tiện có giá trị thấp.
Đối với các tàu lớn, đối tượng buôn lậu trang bị thiết bị vệ tinh để quan sát, theo dõi - tránh né từ xa, khi di chuyển có tàu cản địa theo cùng.
Ngoài ra, “trên các tàu này, đối tượng buôn lậu giăng lắp kẽm gai kín lan can tàu hòng ngăn chặn lực lượng chức năng tiếp cận, thậm chí chúng trang bị cả súng để chống đối, tấn công lại”, Thượng tá Nguyễn Thế Anh cho hay.
Thực tế trong quá trình làm nhiệm vụ chống buôn lậu trên biển, không ít cán bộ của các lực lượng chức năng đã ngã xuống. Trường hợp Thượng úy Phạm Văn Huy (Bộ tư lệnh Cảnh sát biển) hy sinh khi bắt tàu chở xăng dầu lậu vào ngày 20-6-2015 là một điển hình.
Thất thu thuế, hệ lụy tiêu cực kéo theo
Xăng dầu lậu sau khi di chuyển trót lọt từ các nước trong khu vực qua hải phận Việt Nam, một số đầu nậu cấp dưới sẽ bán trực tiếp cho ngư dân đánh bắt trên biển.
Đối với những đầu nậu lớn, đầu nậu đồng thời là doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thì sẽ chuyển xăng dầu vào đất liền. Để mang lại khoản lợi lớn từ hoạt động buôn lậu, các đầu nậu này không từ bất cứ một thủ đoạn nào. “Lợi dụng chính sách nhập khẩu tự khai báo, đầu nậu mua lượng nhỏ xăng dầu để lấy hóa đơn hợp thức hóa lượng lớn xăng dầu nhập lậu.
Quá trình bán ra thị trường, đầu nậu còn trốn thuế, không xuất hóa đơn khi sử dụng phiếu xuất kho - vận chuyển nội bộ. Chưa hết, có đầu nậu còn pha chế, trộn lẫn thêm nhiều hóa chất, dung môi như solmix, Pluto Condentsate… vào xăng dầu nhập lậu để bán”, Thượng tá Nguyễn Thế Anh thông tin.
Nạn buôn lậu, nhập lậu xăng dầu trên biển vào đất liền không chỉ gây mất an ninh trật tự, Nhà nước thất thu thuế, mà còn kéo theo nhiều hậu quả khác: dễ dẫn đến cháy nổ, khách hàng mua phải xăng dầu kém chất lượng. Hậu quả của nạn buôn lậu trên biển đáng lo ngại vậy, song công tác phòng chống, ngăn chặn hiện nay chưa mang lại hiệu quả cao.
Tại hội nghị phòng chống buôn lậu mới đây do Bộ đội Biên phòng tổ chức tại TPHCM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Thị Minh Phụng nhìn nhận, nhiều nơi, nhiều lúc, sự phối hợp, vào cuộc ngăn chặn, chống buôn lậu của các cơ quan liên quan chưa thật sự quyết liệt, thậm chí có dấu hiệu tiếp tay, làm lơ.
Từ thực tế này, bà Phụng kiến nghị cần phải kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để nạn buôn lậu diễn biến phức tạp.
Còn theo Thượng tá Nguyễn Thế Anh, do lợi nhuận thu được từ hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển rất lớn, không thua kém ma túy, nên các đối tượng mạnh tay đầu tư tàu công suất lớn.
Do vậy, Thượng tá Nguyễn Thế Anh kiến nghị Nhà nước cần đầu tư, trang bị thêm phương tiện hiện đại để nâng cao hiệu quả trong công tác trấn áp, truy bắt, xử lý nạn buôn lậu trên biển.
Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn cho rằng, một trong nguyên nhân khiến công tác phòng chống buôn lậu trên biển thời gian qua chưa đạt hiệu quả là do mức chế tài còn quá thấp, trong khi lợi nhuận thu được của đối tượng buôn lậu quá cao.
Theo ông Sơn, cần áp dụng hình thức phạt bổ sung (tịch thu phương tiện) đối với hành vi mua bán, vận chuyển, sang mạn xăng dầu nhập lậu, không có nguồn gốc hợp pháp trên biển (có trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên).
Thượng tá Nguyễn Thế Anh cho rằng, muốn chống nạn buôn lậu trên biển hiệu quả thì phải xử lý tận gốc đầu nậu. Xác định đây là giải pháp trọng tâm, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với đơn vị liên quan tập trung làm tốt công tác điều tra cơ bản, theo dõi từ xa, thành lập chuyên án, nắm kỹ hoạt động chân rết của các đầu nậu để có chế tài mạnh, xử lý hình sự chứ không chỉ xử phạt hành chính, nhằm tăng tính răn đe.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhuc-nhoi-buon-lau-tren-bien-553495.html