Nhức nhối nạn khai thác trái phép đất lớp mặt ở huyện Tân Hồng

Nhiều diện tích đất ruộng trên địa bàn một số xã của huyện Tân Hồng bị đào đất lớp mặt bán cho những người có nhu cầu san lấp, làm gạch trong và ngoài địa phương. Sau khi lấy đất đã tạo thành ao lớn để sử dụng vào mục đích nuôi cá tra. Việc khai thác đất lớp mặt trái phép diễn ra khá 'nhộn nhịp' trong thời gian dài mà chưa bị ngành chức năng xử lý kịp thời.

Các phương tiện ngang nhiên hoạt động khai thác, vận chuyển đất lớp mặt trái phép tại ấp Đuôi Tôm, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng

Các phương tiện ngang nhiên hoạt động khai thác, vận chuyển đất lớp mặt trái phép tại ấp Đuôi Tôm, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng

Theo một số chuyên gia ngành TN&MT, việc người dân khai thác đất nông nghiệp (lớp đất mặt) bán cho các cơ sở sản xuất kinh doanh gạch đất nung, vật liệu xây dựng mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép là hành vi hủy hoại đất (hình vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định) theo quy định tại Điều 3 Luật đất đai năm 2013 (trừ trường hợp khai thác đất lớp mặt nhằm cải tạo đồng ruộng theo quy định tại Điều 154 Luật đất đai năm 2013); là hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ chung của sử dụng đất tại Điều 170 Luật đất đai năm 2013.

Vượt gần 80 cây số, chúng tôi có mặt tại địa phận ấp Tân Bảnh, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, chứng kiến nhiều kobe, xe ben, phương tiện thủy trọng tải lớn... đào đất lớp mặt, vận chuyển ra bãi tập kết theo cặp tuyến kênh, rồi đưa đất xuống ghe sắt, sà lan vận chuyển ra khỏi địa phương. Việc khai thác, vận chuyển đất lớp mặt khá “nhộn nhịp” nhưng chưa bị ngành chức năng xử lý kịp thời, gây bức xúc trong người dân địa phương.

Dọc theo tuyến dân cư Tân Phước – Tân Thành A (thuộc địa phận xã Tân Phước), một số thửa ruộng đã được đào lấy lớp đất mặt và tạo thành những cái ao lớn, với độ sâu dao động khoảng 2 – 4m. Các ao này cũng gần với bãi tập kết đất ven sông. Tại bãi tập kết đất nằm cặp tuyến dân cư Tân Phước - Tân Thành A, xe kobe đang múc đất tập kết sẵn xuống sà lan, phát hiện có người lạ mặt, một thanh niên xuất hiện với ánh mắt dò xét, biểu hiện lạ thường, từ đó chúng tôi quyết định tác nghiệp nhanh, rồi rút khỏi hiện trường.

Một điểm tập kết đất từ việc khai thác đất trái phép tại xã Tân Phước, huyện Tân Hồng

Một điểm tập kết đất từ việc khai thác đất trái phép tại xã Tân Phước, huyện Tân Hồng

Một người dân sống ở tuyến dân cư Tân Phước - Tân Thành A, huyện Tân Hồng cho biết, tình trạng người dân nơi khác đến mua và vận chuyển lớp đất mặt đi nơi khác bán đã diễn ra lâu rồi, nhưng “nhộn nhịp” nhất là từ đầu năm 2019 đến nay. Mỗi công đất lúa bán với giá gần 100 triệu đồng, họ mua và đào lấy lớp đất mặt để bán cho cơ sở sản xuất gạch. Khi đã tận dụng và bán hết phần đất sét trên mặt ruộng, các thửa ruộng này trở thành ao và được bán lại cho người nuôi cá tra cũng không kém bao nhiêu với số tiền mua đất trước đó.

Ngoài xã Tân Phước, chúng tôi tiếp tục hành trình và tận mắt chứng kiến việc khai thác lớp đất mặt trái phép rồi vận chuyển đi nơi khác diễn ra với quy mô rầm rộ tại ấp Đuôi Tôm, xã biên giới Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng. Tại đây cũng có các điểm tập kết đất với đầy đủ các phương tiện (xe ben, kobe, sà lan) đang khai thác, vận chuyển đất công khai nhưng chưa bị xử lý. Khi chúng tôi tác nghiệp, có một người dân ra hiệu như thúc giục chúng tôi nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Quan sát gần đó có nhóm thanh niên dường như đang theo dõi chúng tôi và chiếc kobe đang múc đất xuống sà lan cũng bất ngờ tạm ngưng.

Một người dân tại ấp Đuôi Tôm, xã Tân Hộ Cơ cho biết, việc khai thác đất lớp mặt ở đây chưa được ngành chức năng cấp giấy phép, chắc chắn là sai quy định nhưng vẫn khai thác ầm ầm mà chưa bị xử lý. Một người vận chuyển ma túy có trọng lượng chưa đến 1gram cũng không qua mắt được ngành hữu quan, còn khai thác đất lớp mặt rầm rộ, phương tiện chình ình ra trước mắt, nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý.

Theo một lãnh đạo của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Tân Hồng, việc khai thác lớp đất mặt là hình thức khai thác khoáng sản, tổ chức hoặc cá nhân muốn khai thác, lấy đất đi nơi khác phải được UBND tỉnh Đồng Tháp cấp phép. Hiện nay, việc khai thác và vận chuyển lớp đất mặt tại xã Tân Phước và Tân Hộ Cơ là hình thức khai thác và vận chuyển khoáng sản trái phép. Bởi các diện tích đất ruộng ở đây không thuộc các dự án triển khai, đến nay cũng không có một cá nhân hay tổ chức nào được ngành chức năng tỉnh cấp phép cho khai thác.

Phương tiện thủy có trọng tải lớn đang vận chuyển đất lớp mặt tại khu vực thủy phận tại ấp Tân Bảnh, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng

Phương tiện thủy có trọng tải lớn đang vận chuyển đất lớp mặt tại khu vực thủy phận tại ấp Tân Bảnh, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng

Trường hợp ông Võ Hữu Hiền ngụ phường An Lạc, TX.Hồng Ngự được UBND tỉnh Đồng Tháp có chủ trương thống nhất cho chuyển phần đất dư sau khi đào ao nuôi cá trên phần đất có diện tích hơn 43.300m2 tọa lạc tại xã Tân Hộ Cơ đi nơi khác, nhưng ông Hiền phải thực hiện các thủ tục theo quy định (nộp các loại thuế, phí tài nguyên và môi trường...) và đến nay ông Hiền vẫn chưa thực hiện. Vì vậy, qua kiểm tra nếu ông Hiền chưa được cấp giấy phép mà khai thác, vận chuyển lớp đất mặt đi nơi khác sẽ bị xử lý theo quy định.

Lãnh đạo của Phòng TN&MT huyện Tân Hồng cho biết thêm, từ đầu năm 2019 đến cuối tháng 5/2019, địa phương vẫn chưa phát hiện trường hợp nào vận chuyển đất lớp mặt ra khỏi địa bàn huyện. Vị lãnh đạo này nói: “Đoàn Kiểm tra huyện canh bắt thì các đối tượng khai thác, vận chuyển đất trái phép rình lại. Chúng tôi đã triển khai lực lượng nhưng chưa bắt được trường hợp nào vi phạm. UBND huyện Tân Hồng chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm, không để cho các đối tượng này tồn tại vì ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và phá vỡ quy hoạch đất đai tại địa phương.

Theo văn bản hướng dẫn nghĩa vụ tài chính của Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp, đối với trường hợp của ông Võ Hữu Hiền ngụ phường An Lạc, TX.Hồng Ngự về khai thác đất tại huyện Tân Hồng, nếu ông Hiền muốn chuyển phần đất dư ra khỏi công trình để làm gạch thì tổng số thuế và phí bảo vệ môi trường ông phải nộp là 25.100 đồng/m3 đất khai thác. Đối với việc vận chuyển 1m3 đất đi nơi khác để san lấp thì chỉ nộp thuế và phí bảo vệ môi trường 7.950 đồng. Như vậy, với giá bán đất cho các sà lan lên đến hàng chục ngàn đồng/m3 đất để làm gạch thì người khai thác thu được lợi nhuận khá (sau khi đã trừ chi phí), nên đã xuất hiện tình trạng đua nhau “xẻ thịt” đất lúa ở một số địa phương thuộc huyện biên giới Tân Hồng.

Ông Phan Công Hổ - Trưởng Phòng TN&MT huyện Tân Hồng cho biết, vào ngày 13/6/2019, đoàn kiểm tra liên ngành huyện bắt quả tang một vụ khai thác, vận chuyển trái phép đất lớp mặt thuộc địa bàn ấp Đuôi Tôm, xã Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng) do đối tượng Tùng Y làm chủ. Ngành chức năng huyện đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ các phương tiện có liên quan để xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

HỒNG NGỰ

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/phap-luat/nhuc-nhoi-nan-khai-thac-trai-phep-dat-lop-mat-o-huyen-tan-hong-85000.aspx