'Nhức nhối' người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm gian dối
VCCI đề nghị dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật quảng cáo quy định người có tầm ảnh hưởng khi nêu cảm nhận về sản phẩm, dịch vụ phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ về quá trình sử dụng.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (dự thảo Luật).
Cá nhân quảng cáo trên mạng xã hội không đủ năng lực kiểm nghiệm tính năng sản phẩm
Dự thảo Luật quy định các cá nhân hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội phải chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung quảng cáo liên quan đến tính năng, công dụng, tác dụng của sản phẩm.
Theo VCCI, có thể quy định này nhằm bổ sung trách nhiệm cá nhân thực hiện quảng cáo trên mạng. Tuy nhiên, cần được xem xét lại vì theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh là chủ thể chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.
Còn cá nhân quảng cáo trên mạng chỉ là người chuyển tải thông điệp của nhãn hàng. Họ dùng tài liệu, thông tin DN cung cấp để tạo ra các sản phẩm quảng cáo và chuyển tải đến người tiêu dùng (NTD).
Các cá nhân này không có đủ điều kiện, năng lực để kiểm chứng độ chính xác trong các thông tin được cung cấp.
Ví dụ, một sản phẩm được quảng cáo có tính năng ngăn tia UV thì DN mới là chủ thể có trách nhiệm đảm bảo sản phẩm có khả năng này.
Người tiêu dùng chủ chốt (KOC) không thể có năng lực, chi phí thực hiện các bài kiểm nghiệm tính năng này trước khi nhận quảng cáo.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận có tình trạng người có tầm ảnh hưởng (KOLs), KOC quảng cáo không đúng về tính năng, công dụng sản phẩm, gây nhầm lẫn cho NTD như quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng nói như có tác dụng chữa khỏi bệnh.
Việc quy định trách nhiệm pháp lý của các cá nhân quảng cáo trên mạng xã hội là cần thiết. Nhưng cần phân hóa trách nhiệm cụ thể giữa các chủ thể liên quan.
Chẳng hạn, các nhãn hàng sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm gồm cả công dụng, tính năng sản phẩm. Nội dung, thông tin, tài liệu cung cấp cho KOLs, KOC.
Các KOLs, KOC có trách nhiệm đảm bảo sự phù hợp với các nội dung đã được DN cung cấp.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng, người hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo không chính xác theo tài liệu, thông tin người quảng cáo cung cấp.
Hoặc không đầy đủ theo các tài liệu này đến mức gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng, tác dụng của sản phẩm cho người tiếp nhận quảng cáo.
Muốn ngăn chặn người nổi tiếng quảng cáo gian dối nhưng...
Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định người có tầm ảnh hưởng khi nêu cảm nhận về sản phẩm, dịch vụ phải có bằng chứng về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
VCCI cho rằng quy định này chưa rõ ràng vì không có hướng dẫn cụ thể về bằng chứng.
Chẳng hạn, cần lưu trữ tài liệu nào thì được coi là bằng chứng (ví dụ người có tầm ảnh hưởng cảm nhận đã dùng sản phẩm 30 ngày có cần phải quay lại video việc sử dụng mỗi ngày không)….
Nhìn chung, quy định liên quan bằng chứng rất phức tạp và thường chỉ được sử dụng trong hoạt động tố tụng.
Theo VCCI, có thể cơ quan soạn thảo muốn ngăn chặn tình trạng người nổi tiếng quảng cáo gian dối như nói là có dùng sản phẩm nhưng thực tế không sử dụng. Đây là vấn đề nhức nhối, cần thiết phải có quy định xử lý.
Trường hợp này, quy định nên đi theo hướng yêu cầu người có tầm ảnh hưởng cung cấp thông tin đầy đủ về quá trình sử dụng hàng hóa, dịch vụ (có dùng hay không, ai là người sử dụng, và với tần suất như thế nào…)
Việc cung cấp thông tin phải được gắn với nội dung quảng cáo như ghi ở phần caption hoặc đính kèm đường link chứa tài liệu cung cấp thông tin.
Như vậy, sẽ đảm bảo các KOLs, KOC có trách nhiệm với lời nói, nội dung quảng cáo của mình, từ đó hạn chế tình trạng như trên…
VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng người có tầm ảnh hưởng khi nêu cảm nhận về sản phẩm, dịch vụ, có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ về quá trình sử dụng và phải được gắn với nội dung quảng cáo.
Quảng cáo trên mạng xã hội thông qua người có tầm ảnh hưởng ngày càng phổ biến, đang trở thành một loại hình quảng cáo ưa chuộng của DN.
Để minh bạch hóa hoàn toàn, đảm bảo quyền lợi cho NTD, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định “Trách nhiệm công khai”.
Theo đó, cá nhân quảng cáo trên mạng xã hội phải thông báo công khai về việc thực hiện quảng cáo với NTD khi có mối quan hệ với người quảng cáo như quan hệ tài chính, quan hệ lao động, quan hệ gia đình.
Thông báo bằng ngôn ngữ dễ hiểu, tránh để thông tin ở phần xem thêm (see more) hoặc dẫn người xem đến một trang khác thông qua một đường liên kết (link)
Thông báo trước hoặc tại thời điểm quảng cáo tiếp cận người dùng.
Đồng thời, quy định cá nhân quảng cáo trên mạng xã hội không được quảng cáo về sản phẩm yêu cầu bằng chứng khoa học (ví dụ như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung) trong khi không có bằng chứng.
TÚ UYÊN
Nguồn PLO: https://plo.vn/nhuc-nhoi-nguoi-noi-tieng-quang-cao-san-pham-gian-doi-post790722.html