Nhức nhối xe hợp đồng trá hình: Tự do diễu phố, lập 'bến cóc'

Với số lượng xe gấp cả chục lần xe khách tuyến cố định, xe hợp đồng trá hình đang làm mưa, làm gió trên thị trường vận tải. Không phải vào bến và chịu sự quản lý của bất kỳ đơn vị nào, loại xe này ngang nhiên chạy khắp hang cùng, ngõ hẻm trong nội thành để 'vợt' khách. Điều này khiến hệ thống vận tải vỡ trận, gây ùn tắc và tiềm ẩn tai nạn, trong khi lực lượng chức năng dường như bất lực.

Lập “bến cóc” giữa nội thành

Trong giới xe hợp đồng trá hình, nhiều người biết thương hiệu xe limousine của Cty TNHH X.E Việt Nam. DN này có tới 4 văn phòng chính tại Hà Nội (số 43 Nguyễn Quốc Trị, số 4 Thọ Tháp, số 71 phố Trần Nhân Tông, số 74 phố Vọng) vừa nơi hành khách tập trung, vừa tập kết hàng hóa.

Giữa tháng 7, PV Tiền Phong có mặt tại văn phòng 43 Nguyễn Quốc Trị (Cầu Giấy). Dù là ngày trong tuần, song hoạt động ở đây diễn ra rất nhộn nhịp. Từ sáng sớm hàng chục hành khách đã đứng kín chỗ trước cửa văn phòng; hàng hóa cũng được xếp la liệt trên vỉa hè chờ chuyển lên xe.

Phố Nguyễn Quốc Trị (Hà Nội) được các nhà xe hợp đồng trá hình biến thành “bến cóc” để đưa đón, khách.

Phố Nguyễn Quốc Trị (Hà Nội) được các nhà xe hợp đồng trá hình biến thành “bến cóc” để đưa đón, khách.

Một nhân viên X.E Việt Nam cho biết, ở đây có các chuyến Hà Nội - Ninh Bình, Hà Nội - Thái Bình, Hà Nội - Phú Thọ… với tần suất khoảng 1 giờ/chuyến, bắt đầu từ 5h30 đến 19h30 nên khách xuất hiện bất cứ thời điểm nào cũng có xe.

Ngoài X.E Việt Nam, tại khu vực này, còn có sự xuất hiện của hàng loạt xe hợp đồng trá hình khác, như Hải Phòng Travel, Hoàng Phương Limousine, Hải Hà Limousine, Tràng An Limousine.... Qua quan sát, xe của các hãng này đều dán phù hiệu “xe hợp đồng” ở trước cửa bên phải nhưng mỗi nhà xe đều có văn phòng riêng. Với mật độ dày đặc, khu vực này luôn có cả chục chiếc limousine dừng đỗ. Xe này vừa xuất “bến”, lập tức có xe khác thế chỗ khiến lòng đường Nguyễn Quốc Trị kéo dài đến đường Tú Mỡ gần như bị “nuốt” trọn.

Qua nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy có đến hàng trăm văn phòng nhà xe hợp đồng trá hình được lập nên trở thành điểm đón, bắt khách ngay trên các tuyến phố ở Hà Nội. Các “bến cóc” này nằm sát và cạnh tranh ngang ngửa với các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm… Điển hình như tuyến Hà Nội - Hải Phòng, phải kể đến thương hiệu như Hải Phòng Travel (địa chỉ 45 Nguyễn Quốc Trị, số 79 Cổ Linh); xe Nguyễn Gia Limousine (số 154 Ngọc Trì; số 57 Lưu Quang Vũ…).

Tuyến Hà Nội - Quảng Ninh có sự góp mặt của các hãng như Hạ Long Travel (Phố Vọng, 43 Tú Mỡ); Phúc Xuyên (55 Dương Đình Nghệ, 85A Nguyễn Trãi, Thượng Đình; 463 Trần Khát Chân).

Các xe hợp đồng trá hình còn biến cổng công viên, rạp xiếc… thành bến cóc của riêng mình. Ngay tại Rạp xiếc Trung ương (số 67-69 Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng) hay công viên Cầu Giấy lúc nào cũng có sự xuất hiện của hàng chục nhà xe Bình An, Hà Hải, X.E Việt Nam, Quang Anh, Duy Khang…

Đặc biệt, một nhà xe nổi tiếng với số lượng xe lớn mang thương hiệu Phiệt Học, chuyên tuyến Hà Nội - Thái Bình còn mở hàng loạt văn phòng ngay trên các tuyến đường có mật độ phương tiện đông đúc, như Giáp Bát, đường Mỹ Đình, Nguyễn Xiển, đường Phạm Văn Đồng, Trương Công Giai (cổng công viên Cầu Giấy)… Với tần suất khoảng 1 tiếng/chuyến, từ 5 giờ đến 22 giờ, mỗi văn phòng của nhà xe này được ví như những “bến xe riêng” giữa trung tâm Hà Nội.

Tại TP HCM, gõ cụm từ “xe Limousine TPHCM đi Vũng Tàu” vào công cụ tìm kiếm Google, hành khách sẽ được cung cấp thông tin hàng chục tên nhà xe đang hoạt động ở trung tâm TPHCM. Trong đó, khu vực đường Nguyễn Thái Bình (quận 1) là nhộn nhịp hơn cả vì có nhiều văn phòng các nhà xe “đình đám” như Hoa Mai, Toàn Thắng, Huy Hoàng,… cùng một số đơn vị du lịch - lữ hành khác.

Liên hệ số điện thoại trên một trang web cung cấp dịch vụ xe limousine, PV đặt vé cho chuyến đi từ TPHCM đi TP Vũng Tàu vào lúc 13 giờ ngày 4/7. Nhân viên trực tổng đài cho biết giá vé rẻ nhất của loại xe này là 190.000 đồng/ghế, ngồi cạnh tài xế và 200.000 đồng/ghế ngồi sau. Sau khi chúng tôi đồng ý, nhân viên yêu cầu cung cấp thông tin họ tên và ngày tháng năm sinh, đồng thời cho biết xe sẽ xuất phát tại địa chỉ số 32 đường Nguyễn Thái Bình, quận 1.

Đây cũng là văn phòng của Cty CP Dịch vụ du lịch quốc tế Bến Thành (Bến Thành Travel). Theo ghi nhận của PV, nhà xe này thực hiện gom khách lẻ qua tổng đài, sau đó hành khách nghiễm nhiên trở thành người sử dụng dịch vụ “xe du lịch”. Bản thân đơn vị này cho những xe limousine của mình di chuyển vào văn phòng để đón - trả khách và hoạt động như xe tuyến cố định.

Thu tiền không xuất vé

Đường Nguyễn Thái Bình, quận 1 (TPHCM) nhộn nhịp với hoạt động đón trả khách của các xe limousine. Ảnh: HH.

Đường Nguyễn Thái Bình, quận 1 (TPHCM) nhộn nhịp với hoạt động đón trả khách của các xe limousine. Ảnh: HH.

PV liên hệ đặt một cuốc xe của hãng X.E Việt Nam. Một nữ nhân viên hãng này hỏi luôn địa chỉ để điều xe trung chuyển qua đón. Khi đến đón trên xe đã có 3 hành khách, do PV ở khu vực Nguyễn Trãi (Hà Đông) nên chiếc xe phải tiếp tục vòng qua đường Tố Hữu, Phùng Khoang, rồi ngoắt sang mạn Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa để “vợt” đủ khách, cuối cùng về đến văn phòng.

Lúc này, chúng tôi được đưa lên chiếc limousine biển số 29xxx…về thành phố Ninh Bình. Trước khi xuất phát, tài xế cầm một tờ giấy in sẵn tên, số điện thoại người đặt rồi gọi tên từng người lên xe. Khách nào lên, tài xế thu tiền hoặc quét mã QR code để chuyển tiền vào số tài khoản cá nhân hiện trên màn hình xe. Khi được hỏi có nhu cầu vé xe, tài xế cho biết, thường không lấy vé. Nhưng nếu có nhu cầu, Cty sẽ xử lý sau.

Sau khi lên xe, chiếc limousine len lỏi giữa dòng phương tiện đông đúc trên đường Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Linh Đàm… rồi rẽ vào đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Khi về đến thành phố Ninh Bình, chiếc xe không chạy vào bến xe khách của thành phố mà vòng đến một ngay tới điểm cách đó cách chừng 1km, ở phố 4 đường Võ Thị Sáu (phường Đông Thành) - nơi đặt “bản doanh” của X.E Việt Nam. Vừa đến nơi, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên bởi đang có tới tầm 30 chiếc xe limousine của hãng này đang trả, xếp khách quây kín; tiếng xe rầm rộ huyên náo cả khu vực. Nếu không có những biệt thự mang phong cách cổ điển hay biển báo khu đô thị ở bên cạnh, ai cũng sẽ nhầm tưởng đây là một bến xe.

Trên một chuyến xe từ TPHCM đi Vũng Tàu, khi PV thắc mắc vì sao không xuất vé, nhân viên nhà xe này cho biết, tài xế sẽ thu tiền khi khách lên xe. Mọi vấn đề sẽ được quản lý bằng thông tin hành khách đã cung cấp kèm số điện thoại khi gọi đến tổng đài.

Lấy lý do đang đi công tác và cần vé để về cơ quan thanh toán, chúng tôi được nhân viên nhà xe in và cấp một phiếu đặt chỗ sau khi nhắc khi lên xe sẽ thanh toán cho tài xế sau.

Chuyến xe chiều 4/7 có tất cả 6 hành khách. Khi đến địa phận thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), tài xế điều khiển xe vào một trạm dừng chân cho hành khách nghỉ ngơi. Sau khi hành khách lên xe, tài xế bắt đầu thu tiền, không cần danh sách cũng không cần xuất vé. Tài xế chỉ cần nhìn vào vị trí ghế ngồi để thu tiền.

Tại thành phố Vũng Tàu, chúng tôi tới chi nhánh nhà xe Huy Hoàng trên đường Nguyễn An Ninh (phường 7, thành phố Vũng Tàu) hỏi mua vé về trung tâm quận 1 (TPHCM). Nhân viên nhà xe báo giá 200.000 đồng/ghế và cũng không xuất vé. Thượng đế nào cần thì nhà xe này cũng cấp cho phiếu đặt chỗ.

Chiếc limousine 9 chỗ chạy quanh thành phố Vũng Tàu để gom khách lẻ. Mất khoảng 30 phút, xe mới đón hết khách và rời thành phố Vũng Tàu chạy về TPHCM.

Ông Nguyễn Kiên Giang, Phó Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TPHCM cho biết, đến tháng 4/2024, trên địa bàn TPHCM có 87 điểm có hoạt động đón, trả khách không đúng quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023. Trong đó, thành phố Thủ Đức nhiều nhất với 25 điểm nằm dọc quốc lộ 13, đường Kha Vạn Cân,…; quận 5 có 20 điểm; quận 10 có 10 điểm, quận 1 có 8 điểm, quận Tân Bình có 7 điểm… Một số địa phương còn lại như Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Phú,… đều có các điểm đón, trả khách sai nơi quy định.

(Còn tiếp)

Dương Hưng - Hữu Huy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhuc-nhoi-xe-hop-dong-tra-hinh-tu-do-dieu-pho-lap-ben-coc-post1659733.tpo