Những ai đứng sau doanh nghiệp kín tiếng Vina Roma muốn làm dự án thép gần 50.000 tỷ đồng tại Quảng Trị?
Vina Roma có quy mô vốn điều lệ lên tới 6.000 tỷ đồng, được góp vốn bởi 6 pháp nhân và 2 thể nhân.
Theo Cổng thông tin điện tử Quảng Trị, sáng 27/5/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng chủ trì cuộc họp nhằm nghe Công ty Cổ phần thép Vina Roma Quảng Trị báo cáo kết quả nghiên cứu đề xuất dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép Quảng Trị.
Theo đề xuất của nhà đầu tư, sau khi khảo sát nghiên cứu tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, đơn vị đề xuất đầu tư dự án Khu Liên hợp gang thép Quảng Trị với mục tiêu sản xuất thép xây dựng, thép hình và thép tấm cán nóng bằng công nghệ hiện đại của châu Âu. Tổng vốn đầu tư khoảng hơn 47.000 tỷ đồng.
Theo như chúng tôi tìm hiểu, công ty Thép Vina Roma Quảng Trị mới được đăng ký thành lập ngày 13/11/2021, có đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Quý Chiến. Ông Chiến cũng đang là người đại diện theo pháp luật của khá nhiều doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.
Với thâm niên hoạt động chỉ mới nửa năm cùng với việc khá kín tiếng, việc Vina Roma đứng ra đề xuất một dự án "khủng" như vậy khiến nhiều người tò mò về việc ai là chủ đứng sau của doanh nghiệp này.
Dựa trên cơ cấu sở hữu, hiện Vina Roma có 8 chủ sở hữu, trong đó bao gồm 6 pháp nhân và 2 thể nhân. Tuy nhiên không thấy tên ông Nguyễn Quý Chiến - người đại diện theo pháp luật của Vina Roma trong cơ cấu sở hữu này.
Cụ thể, CTCP Đầu tư - Xây dựng Hạ tầng và Khai thác mỏ Tân Việt Bắc (trụ sở tại Hà Nội) hiện đang có tỉ lệ sở hữu cao nhất với 25% vốn điều lệ, tương đương 1.500 tỷ đồng. Theo giới thiệu trên trang web, công ty này được thành lập từ năm 2000 với vốn điều lệ ban đầu là 1.500 tỷ đồng. Đơn vị này hoạt động đa dạng từ lĩnh vực khai thác mỏ, thi công công trình giao thông, thủy lợi, công trình dân dụng, xây dựng phát triển hạ tầng đô thị, vật liệu xây dựng...
Đồng sở hữu 15%, tương đương 900 tỷ đồng là ông Nguyễn Văn Bắc - ông cũng chính là Giám đốc công ty Tân Việt Bắc nói trên, ngoài ra còn có CTCP Tân Phú Xuân (trụ sở tại Hải Dương) và CTCP We Construction (trụ sở tại Bắc Ninh).
Ông Bùi Đức Thuận - người đại diện theo pháp luật của CTCP Tân Phú Xuân và CTCP Cơ khí và Lắp máy Việt Nam (COLAVI) cùng sở hữu 10%, tương đương 600 tỷ đồng. Được biết COLAVI là doanh nghiệp có trụ sở tại Quảng Ninh với vốn điều lệ ban đầu là 822 tỷ đồng. Đặc biệt, COLAVI là nhà đầu tư dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh (công suất 1.500 MW, tổng mức đầu tư 47.480 tỉ đồng), liên danh cùng Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), Tokyo Gas và Marubeni.
CTCP Đông Hải 27-7 và CTCP Tập đoàn Công Hà đều cùng sở hữu tỉ lệ 5%, tương đương 300 tỷ đồng.
Như vậy, hầu hết các doanh nghiệp sở hữu vốn tại Vina Roma đều hoạt động trong lĩnh vực thiết bị vận chuyển, vật liệu xây dựng, dây chuyền công nghiệp, đầu tư dự án,...Còn các cá nhân đều là người liên quan đến các doanh nghiệp đang sở hữu vốn tại Vina Roma. Theo cơ cấu sở hữu nêu trên, Vina Roma có vốn điều lệ tương đương 6.000 tỷ đồng.
Về dự án khu Liên hợp gang thép Quảng Trị do Vina Roma đề xuất, tổng vốn đầu tư của cả dự án dự kiến khoảng 47.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 gần 15.000 tỷ đồng; giai đoạn 2 hơn 9.000 tỷ đồng; Giai đoạn 3 là 23.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo sơ bộ về dự án của Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, ông Phạm Ngọc Minh, vị trí triển khai dự án tại 2 xã Triệu sơn và Triệu Lăng thuộc huyện Triệu Phong (khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị). Diện tích dự kiến cho khoảng 463 ha (cả 3 giai đoạn).
Tiến độ dự án đầu tư dự kiến là 5 năm. Trong đó, các giai đoạn đầu tư dự kiến như sau: Giai đoạn 1: 02 năm 6 tháng kể từ khi được chấp thuận đầu tư; Giai đoạn 2: 02 năm kể từ khi giai đoạn I bắt đầu thi công được 6 tháng; Giai đoạn 3: 02 năm bắt đầu sau khi giai đoạn II hoàn thành được 01 năm.