Những ai được ra đường khi TP.Vinh thực hiện 'ai ở đâu ở yên đó'?
Những ai được ra đường khi TP.Vinh thực hiện "ai ở đâu ở yên đó"? Ngoài lực lượng phòng chống dịch, chỉ một số nhóm người được phép đi lại trong nội thành khi TP.Vinh nâng biện pháp cách ly xã hội trên một mức so với Chỉ thị 16.
Chiều muộn 22/8, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung có quyết định về việc nâng biện pháp cách ly xã hội đối với địa bàn TP. Vinh trên một mức so với Chỉ thị 16. Tinh thần là yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, kiên quyết yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó”. Thời gian thực hiện trước mắt là 7 ngày, bắt đầu từ 0h ngày 23/8.
Phó Chủ tịch UBND TP.Vinh Trần Quang Lâm sáng nay 23/8 thông tin, ngay trong đêm 22/8, cơ quan này tức tốc ban hành kế hoạch về việc thực hiện quyết định của UBND tỉnh Nghệ An. Địa phương quy định rõ những nhóm người được đi lại trong thành phố gồm:
Nhóm 1- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại cơ quan của Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể các cấp:Được đi từ nhà đến địa điểm làm việc, các địa điểm được phân công đến làm việc và ngược lại.
Thủ trưởng đơn vị cấp giấy đi đường cho CBCCNLĐ đơn vị mình theo mẫu kèm theo của Kế hoạch nói trên. Có giải pháp để CBCCVCNLĐ của mình không sử dụng giấy đi đường để đi ra khỏi nhà làm việc khác; lưu ý số lượng giấy sử dụng để đi lại ngày làm việc không quá 20% biên chế.
Nhóm 2 - Người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết yếu: Được đi từ nhà đến địa điểm làm việc, các địa điểm được phân công đến làm việc và ngược lại.
Khi đi đường phải mang theo: Giấy đi đường do Thủ trưởng đơn vị cấp, Giấy tờ tùy thân. Đối với vị trí làm việc tiếp xúc với khách hàng (nhân viên thu ngân, nhân viên giao dịch ngân hàng, shipper, người bán hàng...) thì phải kèm theo giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72h kể từ khi xét nghiệm.
Nhóm 3: Người dân đi mua sắm hàng hóa thiết yếu:Công dân phường, xã nào thì chỉ được mua hàng tại các cửa hàng siêu thị mini, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, cửa hàng bán lẻ đóng trên địa bàn phường, xã đó.
Người dân chỉ được sử dụng Thẻ đi chợ 1 lần tại 1 địa điểm mua bán: siêu thị hoặc các cửa hàng bán lẻ hoặc chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm. Ngoài ra, Thẻ được sử dụng để mua hàng tại các điểm bán hàng do UBND thành phố tổ chức. Giao UBND các phường, xã thông báo cho các địa điểm kinh doanh nói trên thực hiện kiểm soát cắt góc và giao lại Thẻ đã cắt góc cho người dân đến mua hàng.
Đối với các bếp ăn tập thể thì tùy từng trường hợp cụ thể, yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị có văn bản báo cáo UBND phường, xã sở tại để được cấp Thẻ đi chợ hàng ngày.
Nhóm 4: Người giao nhận hàng (shipper):Tất cả các shipper (trừ shipper tự do) thuộc các Doanh nghiệp dịch vụ vận chuyển hàng hóa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp phép kinh doanh.
Khi lưu thông trên đường phải có các loại giấy tờ sau: Giấy báo kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR trong thời hạn 72 giờ kể từ ngày có kết quả xét nghiệm, thẻ hành nghề có xác nhận của chủ Doanh nghiệp và sổ nhật trình giao nhận hàng hóa. Thời gian hoạt động từ 7h đến 18h hàng ngày.