Những ám ảnh ở Hàn Quốc - kinh đô thẩm mỹ thế giới
Hàn Quốc được ví là thiên đường phẫu thuật thẩm mỹ, với hơn 4.000 phòng khám thực hiện 250.000 ca phẫu thuật thẩm mỹ mỗi năm.
Theo Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ quốc tế, tỷ lệ người phẫu thuật thẩm mỹ trên tổng số dân ở Hàn Quốc cao nhất thế giới, với khoảng 13/1.000.
Áp lực trở nên xinh đẹp
“Tôi chỉ muốn xinh hơn”, cô gái trẻ tên G cho biết. Là một phụ nữ 20 tuổi sống ở Seoul, Hàn Quốc và làm việc trong ngành truyền hình, G đã quyết định thay đổi khuôn mặt vì lý do cá nhân và nghề nghiệp. Cô quyết định phẫu thuật thẩm mỹ để nâng mũi. Hài lòng với kết quả của cuộc phẫu thuật đó, vài năm sau, cô tiếp tục thực hiện một quy trình thẩm mỹ khác để tạo mí mắt.
“Tôi đã có được sự tự tin về ngoại hình của mình mà trước đó tôi vẫn có những mặc cảm nhất định. Tôi cũng cảm thấy tính cách của mình bắt đầu thay đổi. Tôi thấy mình trở nên hướng ngoại hơn sau khi phẫu thuật”, G cho biết.
Phẫu thuật thẩm mỹ lần đầu tiên đi vào văn hóa chính thống của Hàn Quốc sau Chiến tranh Triều Tiên vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960. Khi các bác sĩ quân đội Mỹ thực hiện phẫu thuật cắt mắt 2 mí để chỉnh sửa đôi mắt phương Đông của những người dân sở tại và sử dụng phẫu thuật tái tạo để cải thiện tình hình của những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.
Năm 1974, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã phê duyệt phẫu thuật thẩm mỹ là một hoạt động y tế, mang lại sự hợp pháp hóa về mặt pháp lý và xã hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Đến nay, phẫu thuật thẩm mỹ đã trở nên phổ biến trong văn hóa đô thị Hàn Quốc. Phẫu thuật thẩm mỹ được xem chỉ hơn trang điểm một chút nên việc mọi người từ thanh thiếu niên đến người già tìm kiếm các giải pháp chống lão hóa đã trở nên bình thường. Theo khảo sát, Mỹ là nước thực hiện số ca phẫu thuật thẩm mỹ nhiều nhất. Song, Hàn Quốc mới thực hiện nhiều ca phẫu thuật thẩm mỹ nhất tính theo đầu người.
Việc các học sinh trung học nhận được món quà tốt nghiệp là phẫu thuật thẩm mỹ không phải là hiếm. Một món quà tốt nghiệp trung học điển hình cho một thiếu niên Hàn Quốc chính là gói thẩm mỹ nâng mũi hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
Tại Hàn Quốc, có rất nhiều ứng dụng trên YouTube và blog có sẵn để giúp mọi người chọn phòng khám và thiết kế lại hình thể phù hợp với họ. Không chỉ có tác động lớn đến phụ nữ, ngày càng nhiều đàn ông nước này sử dụng phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi ngoại hình. Khách hàng phẫu thuật thẩm mỹ quốc tế của Hàn Quốc cũng đã mở rộng đáng kể.
Nhiều người cho rằng, phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn Quốc ngày càng liên quan nhiều đến đến thế giới làm việc. Tại đây, nhiều người tìm mọi cách để cải thiện vẻ bề ngoài nhằm thúc đẩy triển vọng việc làm của họ trong một thị trường việc làm cạnh tranh. Có một thực tế phổ biến là các nhà tuyển dụng thường yêu cầu đính kèm ảnh trong sơ yếu lý lịch như một cách để loại bớt các ứng viên.
“Ở Hàn Quốc, một người phụ nữ có khả năng là không đủ. Bạn cũng phải đẹp”, bà Sharon Hejiin Lee - một Phó giáo sư tại khoa phân tích văn hóa xã hội tại Đại học New York - giải thích với The Atlantic. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế Hàn Quốc năm 1997, cạnh tranh việc làm đã dẫn đến sự bùng nổ các ca phẫu thuật thẩm mỹ khi mọi người cố gắng để có được một chân trong thị trường việc làm bằng mọi cách họ có thể.
Không ít hệ quả tiêu cực
Ashley Kim nhớ lại việc gia đình cô ngay từ khi cô còn nhỏ đã không ngớt lời chê bai về ngoại hình của cô và liên tục khuyên cô đi phẫu thuật thẩm mỹ. “Ví dụ, họ liên tục nói, sao không đi làm mắt đi, hay sẽ không ai sẽ cưới mày với một cái mũi như thế hoặc họ nói rằng mày phải trông đẹp như thế này mới kiếm được việc làm”, Kim kể.
Kim cho biết cô lo lắng về bản chất vô hạn của việc cải thiện bản thân. “Bạn đã sửa một phần trên khuôn mặt của mình và khi nhìn vào phần còn sẽ thấy có gì đó không ổn. Vì vậy, bạn tiếp tục lao vào thẩm mỹ với hy vọng khuôn mặt sẽ cân đối nhưng không bao giờ thấy là đủ”, cô gái trẻ nói.
Trước tình hình này, tại Hàn Quốc thời gian qua cũng đã có những phản ứng dữ dội chống lại những kỳ vọng về sắc đẹp. Công ty tàu điện ngầm Seoul đã công bố kế hoạch cấm quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ tại các ga tàu điện ngầm của thành phố để đáp lại những lời chỉ trích chống lại số lượng lớn quảng cáo khuyến khích các thủ thuật thẩm mỹ. Và phong trào Escape the Corset, được tiên phong bởi nhiếp ảnh gia Jeon Bora nhằm tôn vinh những người phụ nữ bất chấp các chuẩn mực làm đẹp thông thường, cũng đang tạo ra một không gian mới để phụ nữ tự do nói về áp lực phải làm đẹp ở Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, ở thiên đường thẩm mỹ này cũng xảy ra vô số tai nạn đáng tiếc từ phẫu thuật thẩm mỹ. Điển hình như vụ Bonnie Evita Law, 34 tuổi qua đời trong khi được thực hiện các thủ thuật hút mỡ và nâng ngực tại một thẩm mỹ viện ở nước này. Cô Bonnie Evita Law là cháu gái của tỉ phú quá cố Law Ting-pong - người sáng lập hãng quần áo Bossini.
Theo các thông tin được công bố, để chào đón sinh nhật lần thứ 35 của mình, cô Bonnie Evita Law quyết định “chơi lớn” bằng cách đi “đại tu” nhiều bộ phận trên cơ thể. Trong quá trình tìm kiếm nơi làm phẫu thuật, nạn nhân đã quen nhân viên tư vấn Shim Bok-hwa - người tự quảng cáo là có 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ.
Qua trao đổi trên internet, Shim mời Law bay đến một thẩm mỹ viện ở Gangnam, Seoul và quảng cáo rằng đây là một cơ sở uy tín, có các bác sỹ giỏi. Tin tưởng vào lời hứa hẹn này, cô Law đến Hàn Quốc và tiến hành phẫu thuật căng da mặt. Ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ. Vài ngày sau, cô tiếp tục thực hiện thủ thuật hút mỡ ở cánh tay và xương chậu trên, lấy luôn mỡ đó để nâng ngực và tiêm botox trên cả 2 bắp chân.
Tuy nhiên, lần này, mọi việc không suôn sẻ như vậy. Khi đang được phẫu thuật, cô Law bất ngờ rơi vào tình trạng hôn mê và đã qua đời sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Cảnh sát Hàn Quốc cho hay, cái chết của cô Law có thể liên quan đến một loại thuốc gây mê mà các bác sĩ đã sử dụng cho cô trong quá trình phẫu thuật.
Cảnh sát cũng cho rằng cơ sở thẩm mỹ đã không yêu cầu cô Law ký giấy đồng ý chính thức (cam kết) cho cuộc phẫu thuật. Ngoài ra, các thủ tục đã được các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ không có bằng cấp tiến hành mà không có sự hiện diện của bác sĩ gây mê. Về phía công ty môi giới, theo điều tra sơ bộ của cảnh sát, công ty này đã không có các giấy đăng ký liên quan và hoạt động bất hợp pháp.
Năm 2004, câu chuyện của Han Mi Ok được cả thế giới biết tới sau khi đài SBS chiếu một phóng sự về cô, về hành trình tự hủy hoại khuôn mặt và cả cuộc đời của bà vì đam mê “dao kéo”. Han Mi Ok trước đây từng là nữ ca sĩ kiêm người mẫu được chú ý trong làng giải trí Hàn Quốc.
Trò chuyện trong các show truyền hình, Han Mi Ok thừa nhận, bà bị ám ảnh bởi vẻ bề ngoài, thích ngắm mình trong gương, thích mọi người ca ngợi mình đẹp. Khi bị chê, bà sẽ vô cùng buồn rầu và tìm cách mọi cách để khắc phục, mà giải pháp cuối cùng mà bà nghĩ ra chính là “dao kéo”. Có điều, Han Mi Ok chẳng bao giờ hài lòng với kết quả đạt được.
Đẹp đâu không thấy, thứ mà mọi người nhìn thấy rõ ràng nhất là gương mặt của Han Mi Ok ngày càng biến dạng và phù nề; gương mặt của bà trở nên đáng sợ đến mức ai nhìn cũng phải hoảng hồn. Đến lúc đó, bệnh viện mà bà thường làm phẫu thuật trước đó từ chối không thực hiện thẩm mỹ cho bà nữa. Trong một cuộc phỏng vấn, Han Mi Ok chia sẻ bà đã trải qua 17 cuộc phẫu thuật thẩm mỹ lớn nhỏ…