Những am thờ vọng liệt sĩ giữa đất thiêng Thành cổ
Hầu như mỗi nhà dân đều có ít nhất một am thờ vọng liệt sĩ. Đây là cách tri ân liệt sĩ độc đáo của người dân thị xã Quảng Trị. Ngày 30, mồng 1, rồi 14, rằm hằng tháng khói nhang ấm áp trên từng bát hương trong mỗi am thờ.
50 năm trước, tại đất thiêng này đã diễn ra cuộc chiến đấu anh dũng 81 ngày đêm (28/6-16/9/1972) của Quân giải phóng để bảo vệ thị xã Quảng Trị và Thành cổ. Hàng nghìn chiến sĩ tuổi mới mười tám, đôi mươi đã anh dũng hy sinh để giành độc lập cho Tổ quốc. Xuất phát từ lòng biết ơn sâu sắc, từ ngày quê hương, đất nước mới giải phóng, mỗi nhà dân ở thị xã đều lập ít nhất một am thờ vọng các Anh hùng, liệt sĩ.
Thị xã nhỏ bé này đã phải gánh chịu hơn 300 nghìn tấn bom đạn các loại của quân đội đế quốc Mỹ và chính quyền miền nam cũ. Các báo phương Tây bình luận, sức công phá của bom đạn Mỹ ném xuống thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm tương đương 7 quả bom nguyên tử, loại Mỹ ném xuống thành phố Hirosima và Nagasaki của Nhật Bản. Hàng nghìn chiến sĩ đã kiên quyết chiến đấu, anh dũng hy sinh, xương máu của các anh đã quyện vào đất thiêng Thành cổ. Báo Quân đội nhân dân ra số 9/8/1972 viết: “ Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”.
Chị Đỗ Thị Vinh, năm nay 54 tuổi ở khu phố 1, phường 2, thị xã Quảng Trị, có nhà gần bờ nam sông Thạch Hãn, cho biết, từ năm 2005 đến 2016, trong thời gian 10 năm, gia đình chị 5 lần phát hiện 23 hài cốt liệt sĩ trong những lúc đào đất sản xuất và đào móng trụ làm nhà.
Rồi mỗi đêm chị Vinh lại nằm mơ thấy nhiều chiến sĩ Giải phóng quân đang ở trong nhà chị. Vì ba là Liệt sĩ nên chị cứ nghĩ ba chị về thăm con, cháu. Nhưng càng đêm, giấc mơ lại hiện về hối thúc chị sớm đưa các anh lên nghĩa trang liệt sĩ, trên ấy đồng đội của các anh rất nhiều. Giấc mơ lặp lại nhiều lần cùng nội dung khiến gia đình chị tin đó là sự thật.
Chị bàn với chồng rồi nhờ thêm anh em quyết định đào xuống lòng đất phía bên trái ngôi nhà mình đang ở, theo hướng giấc mơ chỉ bảo. Sau 3 ngày đào khoảnh đất rộng, phát hiện 9 hài cốt liệt sĩ nằm cách nhau mỗi người gần 1m, kèm theo các di vật như dép cao-su, bi đông, cuốc, xẻng. Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xác định vị trí phát hiện 9 hài cốt liệt sĩ nguyên là chiếc hầm chữ A, nơi các chiến sĩ đã trú ẩn trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ.
Kết thúc đợt tìm kiếm, cất bốc, gia đình anh chị cùng chính quyền địa phương làm lễ đưa tiễn 9 liệt sĩ về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Quảng Trị vào ngày 26/4/2005, rồi tổ chức cúng 3 ngày cho các anh.
Xuất phát từ lòng biết ơn sâu sắc các Anh hùng, liệt sĩ, gia đình anh chị đã lập am thờ vọng các anh. Chiếc am được xem như ngôi nhà ấm áp mời các anh “ghé lại nghỉ ngơi” sau những chuyến hành quân xa, gian khổ. Đến nay gia đình anh chị đã lập 3 cái am thờ vọng các anh. Trước những chiếc am là bộ bàn bằng đá có 6 ghế cùng bình trà, chén uống nước, gói thuốc lá Điện Biên… để các anh có chỗ ngồi chuyện trò. Thay mặt gia đình, chị Vinh ngày nào cũng thắp hương tại các am cho các anh. Trong mỗi chiếc am được bày biện nhiều hoa quả như chuối, bơ, cam…
Hằng năm, gia đình anh chị lấy ngày 26/4 dương lịch là ngày đầu tiên phát hiện 9 liệt sĩ để giỗ các anh. Trước khi giỗ, anh chị cùng các con lên nghĩa trang liệt sĩ thắp hương chung rồi thắp riêng 23 mộ liệt sĩ được gia đình phát hiện, mời các anh về nhà anh chị hưởng lễ vật lòng thành của gia đình cung tiến.
Chị Vinh cho biết, trong 23 liệt sĩ, có một người quê ở Từ Liêm, Hà Nội, tên Hoàng Công Hiền, đã được gia đình liệt sĩ đưa về Hà Nội thờ tự sau khi xét nghiệm ADN. Có một người quê ở Quảng Bình tên Văn Hạnh cũng được gia đình xác nhận, nhưng chưa đưa anh về quê hương.
Cách tri ân liệt sĩ rất riêng của người dân thị xã Quảng Trị
Đã nửa thế kỷ trôi qua, mỗi lần người dân thị xã đào đắp, xây dựng các công trình công cộng và nhà ở gần như là mỗi lần gặp hài cốt liệt sĩ. Như thể là đạo lý luôn nhắc nhở người dân, trong từng nhát cuốc, thớ đất được đào lên họ không bao giờ thờ ơ với các hiện vật như hạt cúc áo Tô Châu, đôi dép cao-su, ngòi bút máy, tấm ảnh kỷ niệm. Công việc hằng ngày dẫu có gấp gáp bao nhiêu, họ vẫn cố gắng đào thêm vài tấc đất, cố công tìm kiếm với hy vọng các anh đang nằm lại nơi này.
Cứ mỗi lần phát hiện được hài cốt liệt sĩ, các gia đình và cơ quan chức năng lo đám tang cho các anh rồi đưa về an táng nghĩa trang liệt sĩ. Dẫu không linh đình, nhưng cũng không bỏ sót nghi lễ nào. Trách nhiệm với người ra đi vì đất nước luôn được người dân thị xã Quảng Trị thể hiện bằng những việc làm cao cả và cảm động như vậy. Rồi người dân tự nguyện lập am thờ vọng các Anh hùng, liệt sĩ đặt trước mỗi ngôi nhà rất trang nghiêm và thành kính.
Nhà nào ở thị xã Quảng Trị ít nhất cũng có một am thờ vọng liệt sĩ. Đây là cách tri ân liệt sĩ độc đáo của người dân thị xã Quảng Trị. Ngày 30, mồng 1, rồi 14, rằm hằng tháng khói nhang ấm áp trên từng bát hương trong mỗi am thờ.
Không ít gia đình có diện tích đất hẹp, lọt giữa những con hẻm nhỏ nhưng vẫn dành lại một vài mét đất trồng hoa để có những bông hoa đẹp, cắt tỉa gọn gàng, cắm vào bình hoa đặt lên am thờ vọng rồi thắp nén nhang tưởng nhớ Anh hùng, liệt sĩ.
Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Trị Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, thị xã hôm nay đã hồi sinh nhưng trong mỗi tấc đất nơi này đều thấm đẫm máu, xương của các Anh hùng, liệt sĩ. Am thờ vọng được người dân dựng lên để thờ liệt sĩ gửi gắm lòng thành kính của người dân thị xã Quảng Trị mong các anh luôn được ấm lòng nơi chín suối. Nghĩa cử tri ân cao đẹp này xuất phát từ tâm nguyện của mỗi người dân của thị xã.