Những 'anh nuôi' trên tàu Trường Sa 21
Nấu ăn là công việc không hề đơn giản với nhiều người, nhất là trong điều kiện chông chênh giữa bốn bề sóng vỗ. Thế nhưng, những 'anh nuôi' trên tàu Trường Sa 21 vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn, đều đặn cung cấp cho đoàn công tác những bữa ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng trong suốt hải trình dài.
Chông chênh bếp ăn giữa biển
Trong hải trình dài ngày trên tàu Trường Sa 21 (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 và các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, chúng tôi đã phần nào chứng kiến sự vất vả của những “anh nuôi” trên tàu. Mùa biển động, con tàu Trường Sa 21 với trọng tải trên 2 ngàn tấn trở nên nhỏ bé giữa biển khơi mênh mông.
Trong 2 ngày đầu tiên, hầu hết thành viên của đoàn công tác luôn trong tình trạng say sóng. Thế nhưng, đều đặn mỗi ngày 3 bữa, thậm chí 4 bữa, các “anh nuôi” vẫn thức khuya, dậy sớm để chuẩn bị những bữa ăn tươm tất, đầy đủ dinh dưỡng.
Mới 4 giờ sáng, khi mọi người còn đang say giấc thì khu vực bếp ăn trên tàu đã sáng đèn. Ngày làm việc của các “anh nuôi” bắt đầu. Mỗi người một việc, nhanh tay chuẩn bị nguyên liệu chế biến thức ăn. Trong không gian bếp chật hẹp, đôi lúc tiếng xoong nồi, bát đĩa va vào nhau leng keng do gặp phải sóng to, gió lớn. Thế nhưng, đến giờ ăn thì tất cả đều đã sẵn sàng, tinh tươm, sạch sẽ.
Với Hạ sĩ Phạm Hồng Sơn, dù đây chỉ mới là chuyến công tác đầu tiên và được tham gia vào tổ phục vụ trên tàu nhưng không vì thế mà anh xa lạ với công việc bếp núc.
Hạ sĩ Sơn cho biết: “Việc nấu ăn trên tàu trong điều kiện sóng gió, tàu chông chênh, nhất là những lúc sóng lớn rất khó khăn, vất vả. Bên cạnh phải đảm bảo thức ăn không bị đổ khi gặp sóng lớn thì các thành viên trong tổ cũng phải đối mặt với nguy hiểm trong không gian bếp chật hẹp, có thể bị bỏng bất cứ lúc nào. Nhưng việc đảm bảo cơm chín, nước sôi cũng như cung cấp cho mọi người những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là niềm vui lớn nhất của anh em trong tổ phục vụ”.
Với thâm niên công tác trong lực lượng hơn 20 năm, Thiếu tá chuyên nghiệp Lê Đăng Huy-Bếp trưởng Tổ phục vụ tàu Trường Sa 21-chia sẻ: Cuối năm, trên biển thường xuyên xuất hiện bão khiến sóng to, gió lớn. Việc nấu ăn trên tàu trong điều kiện tàu rung lắc mạnh là trở ngại lớn nhất. Chúng tôi vừa phải hoàn thành nhiệm vụ cung cấp cho đoàn công tác những bữa cơm ngon, đầy đủ dinh dưỡng, vừa phải đảm bảo an toàn vì nước sôi, dầu nóng có thể đổ ra bất cứ lúc nào khi gặp sóng lớn.
Thiếu tá Huy kể: “Trong hơn 20 năm công tác, bản thân tôi không nhớ đã tham gia bao nhiêu chuyến công tác trên biển và phải đối mặt với bao nhiêu trận bão. Nhưng việc nấu ăn trong điều kiện sóng cao trên 6-7 m là chuyện thường tình. Cá biệt, có chuyến gặp bão mạnh, sóng cao gần chục mét, tàu chao đảo dữ dội khiến nồi thức ăn đang sôi trên bếp lật nhào. Các vật dụng trong bếp như chén đĩa, xoong nồi… rơi loảng xoảng. Thậm chí có anh em bị thức ăn nóng rơi dính vào người gây bỏng, cũng có người bị sóng “vật” phải về khoang để nghỉ ngơi lấy sức.
Dù khó khăn, vất vả là thế nhưng tất cả anh em trong tổ đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công của các chuyến công tác trên biển”.
Tất cả vì sức khỏe của đoàn công tác
Dù tổ bếp chỉ có 4 thành viên nhưng phải đảm bảo phục vụ bữa ăn cho gần 50 người của đoàn công tác trên tàu Trường Sa 21. Tuy khối lượng công việc lớn nhưng ai cũng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo tất cả thành viên của đoàn có những bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng và sức khỏe.
Theo Thiếu tá Huy, mỗi chuyến đi biển kéo dài từ nửa tháng đến vài tháng. Vì vậy, trước khi ra khơi, anh em tổ bếp phải tính toán thực đơn kỹ lưỡng để chuẩn bị nguyên liệu, thực phẩm đầy đủ. Mục tiêu đặt ra là thực đơn tất cả bữa ăn phải được chế biến đa dạng với đầy đủ rau xanh, thịt, cá... để mọi người không bị ngán.
“Do điều kiện xa đất liền, chúng tôi phải tính toán hợp lý thực đơn, sao cho vừa phục vụ đủ cho đoàn công tác, vừa đảm bảo tiết kiệm. Bởi để có được những giọt nước ngọt, những bữa cơm có rau tươi, đầy đủ thịt, cá giữa biển khơi không phải là điều dễ dàng.
Do đó, anh em phân chia mỗi người một việc, phụ trách một công đoạn và phối hợp nhịp nhàng để đoàn công tác luôn có bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, góp phần đảm bảo sức khỏe cho từng thành viên đến khi kết thúc chuyến hải trình”-Thiếu tá Huy thông tin.
Trong điều kiện sóng to, gió lớn, nhiều thành viên bị say sóng không ăn được cơm, thậm chí bỏ bữa thì sự quan tâm của tổ phục vụ như tiếp thêm động lực để họ vượt qua chính mình. Ông Nguyễn Văn Tình-Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) cho biết: Chuyến thăm, chúc Tết các nhà giàn DK1 và các lực lượng làm nhiệm vụ ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc là một trải nghiệm khó quên đối với ông. Đây là lần đầu tiên ông được đặt chân đến các nhà giàn DK1 và cũng là chuyến đi biển dài ngày nhất từ trước đến nay.
“Do tuổi đã cao nên sức khỏe không đảm bảo, nhất là những ngày sóng to, gió lớn, tôi hầu như không thể ngồi để đến phòng ăn dùng bữa. Những lúc như vậy, các thành viên trong tổ phục vụ thay nhau đến hỏi thăm, động viên, rồi đưa cơm nắm, muối đậu hay cháo, lương khô đến tận phòng phục vụ. Chính nhờ sự quan tâm, động viên kịp thời nên sức khỏe tôi ổn định hơn và có trải nghiệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình nơi đầu sóng, ngọn gió”-ông Tình cảm động nói.
Còn anh Lê Minh Tuấn-Phóng viên Đài Phát thanh-Truyền hình Lai Châu thì bày tỏ: “Tôi rất khâm phục các anh. Dù tàu lúc nào cũng dập dềnh, chao đảo nhưng đoàn vẫn có những bữa ăn ngon. Đặc biệt, không chỉ chuẩn bị tươm tất từng bữa ăn cho đoàn mà các anh còn phục vụ tận tình, chu đáo đến từng phòng cho từng người bị sóng “vật” mà không ai than vãn điều gì”.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nhung-anh-nuoi-tren-tau-truong-sa-21-post310304.html