Những ánh sao trên biển. Bài 1: Giữ trọn lời thề với biển
Trong khi một số người rời biển để tìm cuộc sống yên ả, an nhàn, nhiều đảng viên, ngư dân từng khoác áo lính trên địa bàn tỉnh vẫn giữ trọn lời thề bám biển. Họ được ví là ánh sao soi đường cho thế hệ sau, trở thành nhân tố tích cực để dựng xây các tổ tự quản tàu thuyền an toàn trên biển.
Giữ biển bằng cả trái tim
Khu vực biên giới biển của tỉnh có 73 thôn, khu phố của 9 xã, 2 thị trấn thuộc 4 huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện Đảo Cồn Cỏ. Nhiều đời nay, phần lớn người dân nơi đây gắn bó máu thịt với biển. Theo thống kê của UBND tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 7.100 ngư dân đang lao động trên 2.312 tàu, thuyền. Trong số họ, nhiều người là đảng viên, ngư dân từng đi bộ đội, có người đã “tóc bạc, da mồi” nhưng vẫn miệt mài với những chuyến vươn khơi.
Trước đây, không ít lần đảng viên Nguyễn Văn Khoa, sinh năm 1967, trú tại khu phố An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh từng nghĩ đến việc rời xa tàu đánh cá. Thế nhưng, nghỉ ngơi ít ngày, ông lại nhớ biển, rồi quyết định quay lại. Ông Khoa sinh ra, lớn lên trong gia đình có 3 đời bám biển. Lời thề gắn bó, thuận hòa với biển của ông, cha đến nay vẫn được ông giữ gìn. Gần 40 năm buồn vui bên biển nên ông không dễ dàng “chia tay”. Những năm gần đây, thấy nhiều người không còn mặn mà với nghề biển, ông Khoa lo lắng. “Nếu ngư dân rời biển, rời tàu thì ai sẽ đồng hành với lực lượng chức năng gìn giữ biển, đảo? Là đảng viên, phó bí thư chi bộ, khu phố trưởng và cũng từng là một người lính hải quân, tôi muốn góp tiếng nói, hành động trong việc giữ gìn biển, đảo”, ông Khoa trải lòng.
Cũng từng là người lính có 2 năm góp sức bảo vệ Trường Sa, ông Hồ Văn Thu, sinh năm 1968, trú tại Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh đã quyết định trở về với biển sau khi xuất ngũ. Ngày về, thấy một số người đóng máy, bán tàu, ông rất trăn trở. Không thể đứng nhìn, người lính một thời cầm súng bảo vệ Trường Sa tự nhủ mình phải làm một điều gì đó. Ông Thu kể: “Tôi đã tìm gặp 8 cựu chiến binh là chủ tàu ở khu phố. Chúng tôi bàn với nhau vận động con, cháu và các ngư dân khác không bỏ biển. Từng bám biển, giữ biển, chúng tôi hiểu vị trí quan trọng của ngư dân trong công cuộc giữ gìn chủ quyền giữa trùng khơi”.
Ngoài ông Thu, ông Khoa, ở những miền quê chân sóng trên địa bàn tỉnh, có nhiều đảng viên, ngư dân từng khoác áo lính đã và đang bám biển, giữ biển bằng cả trái tim. Là con, cháu của ngư dân, phần lớn họ đều mang trong mình lời thề với biển. Khi bước chân vào môi trường quân đội, tham gia các buổi sinh hoạt chi bộ và từng đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu cho biển quê hương, quyết tâm cống hiến trong họ càng lên cao. Đó là lý do thôi thúc không ít người bỏ qua những cơ hội thay đổi cuộc đời để ở lại với nghề biển vốn vất vả, hiểm nguy.
Chung câu quân hành
Khác với trước kia, phần lớn thanh niên ở vùng biển lớn lên theo ông, cha ra biển, hiện nay khi nhiều cánh cửa việc làm mở ra, số lượng các bạn trẻ theo nghề biển không còn nhiều. Trong bối cảnh nhiều cánh cửa việc làm mở ra hiện nay, số lượng các bạn trẻ theo nghề biển không còn nhiều. Trái ngược với số đông, một số thanh niên vẫn quyết định lao vào sóng gió. Hầu hết họ là các đảng viên, con em của những ngư dân nặng lòng với biển. Đặc biệt, không ít người trưởng thành trong môi trường quân đội như ông, cha mình.
Theo lời giới thiệu của các đảng viên ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, chúng tôi tìm gặp ngư dân trẻ Nguyễn Văn Thiện, sinh năm 1998. Năm 18 tuổi, Thiện tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự bởi từ lâu đã yêu màu áo lính của ông và cha. Mỗi lần theo tàu vươn khơi, cậu rất ấm lòng khi thấy cha mình mang chiếc áo bộ đội sờn bạc như để lưu giữ ký ức đẹp nhất của cuộc đời. Chính màu áo ấy đã thôi thúc chàng trai trẻ vinh dự được kết nạp Đảng trong môi trường quân đội chọn nghề biển sau ngày rời quân ngũ. Thiện khẳng định: “Em muốn tiếp nối ông, cha. Em tin nếu mình yêu và tử tế với nghề thì biển sẽ không phụ người”.
Trên những chuyến tàu khởi đầu bằng số hiệu QT, không khó để bắt gặp 2 thế hệ trong một gia đình cùng khoác màu áo lính. Ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh, câu chuyện của đảng viên trẻ Bùi Đình Khôi được nhiều người nhắc đến. Đã 7 năm cầm lái tàu QT-90709-TS, anh Khôi luôn cảm thấy vững dạ, yên tâm khi có sự đồng hành của người cha 63 tuổi, cũng từng khoác chiếc áo lính. Ít ai biết, chính tình yêu biển và quyết tâm bám biển, góp sức bảo vệ chủ quyền quê hương của cha đã thôi thúc Khôi bỏ công việc ổn định ở thành phố lớn, cất tấm bằng cao đẳng để học làm thuyền trưởng, rồi gắn bó với nghề. Anh Khôi nói chắc nịch: “Nếu được quay lại quá khứ, tôi vẫn sẽ quyết định trở về để bám biển cùng cha”.
Đến những miền quê vùng chân sóng trên địa bàn tỉnh, không khó để bắt gặp câu chuyện cha con “2 cùng” hoặc “3 cùng” – cùng khoác màu áo lính, cùng là đảng viên và cùng bám biển. Nhắc đến họ, mọi người thường nhớ ngay tới những câu thơ của Tố Hữu: “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí, chung câu quân hành”. Chỉ khác là họ sống giữa thời bình và “câu quân hành” đã, đang vang lên giữa trùng khơi, thôi thúc nhiều người tìm đến hoặc trở về với biển.
“Hạt nhân” đoàn kết
Theo thông tin từ UBND tỉnh, hiện nay, trên địa bàn có 122 mô hình được xây dựng từ phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo. Trong số đó, 45 tổ tự quản tàu thuyền an toàn ở vùng biển đã và đang hoạt động rất hiệu quả. Chính các đảng viên, ngư dân từng đi bộ đội đã đi trước nêu gương và góp công lớn vào việc thành lập các tổ tự quản tàu thuyền an toàn.
Trước đây, phần lớn ngư dân bám biển theo kiểu “mạnh ai nấy lo”. Vì thế, họ thường đơn độc và dễ bị tổn thương trước sóng gió. Thực tế ấy thôi thúc các đảng viên, ngư dân từng khoác áo lính nghĩ đến việc liên kết lại với nhau. Đó chính là bước đi sơ khai, tạo nền móng cho sự ra đời của các tổ tự quản tàu thuyền an toàn. Đảng viên Phan Đình Kham, Tổ trưởng Tổ tự quản tàu thuyền an toàn Thôn 5, xã Gio Hải, huyện Gio Linh cho biết: “Trước khi Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ ra đời, tổ của chúng tôi hoạt động tự phát, mang nhiều tên gọi khác nhau. Từ khi có Chỉ thị 01, tổ mới có tên gọi chính thức, hoạt động quy cũ, nền nếp. Chúng tôi rất mừng khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành, đơn vị liên quan, đặc biệt là bộ đội biên phòng”.
Ít ai biết, để có các tổ tự quản tàu thuyền an toàn, cùng với cán bộ địa phương và lực lượng bộ đội biên phòng, các đảng viên, ngư dân cựu chiến binh đã gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động. Họ lấy dẫn chứng về các tổ, đội hợp tác sản xuất trên biển tuy mới sơ khai hình thành nhưng đã phát huy hiệu quả. Để bà con yên tâm, thành viên trong đoàn chia sẻ nguyên tắc “2 tự”, “4 cùng” trong hoạt động của tổ tự quản tàu thuyền an toàn. Theo đó, “2 tự” là tự nguyện và tự quyết định, còn “4 cùng” là cùng ngư trường, cùng ngành nghề, cùng địa phương và cùng họ hàng thân thích. Bỏ không ít công sức nên đảng viên, ngư dân từng tham gia quân ngũ rất vui khi thấy các tổ tự quản tàu thuyền an toàn hình thành ngày càng nhiều.
Sự ra đời, đi vào hoạt động hiệu quả của các tổ tự quản tàu thuyền an toàn đã giúp ngư dân trong tỉnh thêm vững dạ vươn khơi. Từ đây, ngoài các đảng viên, ngư dân là cựu chiến binh, ngày có càng nhiều người dân mang trong mình lời thề với biển. Không dừng lại ở đó, họ còn động viên con cháu nỗ lực để đứng vào hàng ngũ của Đảng, thực hiện nghĩa vụ công dân và cùng cha ông bám biển, vươn khơi.
Trương Quang Hiệp
Bài 2: Những “cột mốc sống” giữa trùng khơi