Có bốn ứng cử viên cho dự án tàu ngầm P75I thế hệ tiếp theo của Hải quân Ấn Độ. Hiện họ đang đệ trình đề xuất thiết kế lên Chính phủ Ấn Độ, vì vậy mọi thỏa thuận sẽ phụ thuộc vào các vấn đề cân nhắc chính trị và công nghiệp cũng như các yêu cầu của hải quân.
Bốn ứng cử viên là Barracuda từ Pháp, S-80 Plus từ Tây Ban Nha, DSME-3000 từ Hàn Quốc và thiết kế Amur từ Nga. Đức cũng từng là một đối thủ gớm mặt nhưng gần đây đã nói rằng họ đã rút lui khỏi cuộc đua. Tất cả các ứng cử viên đều có giá trị riêng của họ và đây có thể là một lựa chọn khó khăn cho lực lượng Hải quân Ấn Độ.
Các yêu cầu chi tiết của Hải quân Ấn Độ chưa được chia sẻ. Nhưng dựa trên các báo cáo và phân tích về khả năng hiện tại bao gồm các khoản đầu tư và trọng tâm mối đe dọa thì các chuyên gia đã đoán ra một số yêu cầu chính của Hải quân Ấn Độ.
Đầu tiên là tàu ngầm P75I sẽ có AIP (nguồn điện độc lập ). Thứ hai là có các ống VLS để phóng tên lửa chống hạm Brahmos. Tóm lại, P75I sẽ phải lớn hơn nhiều so với các tàu ngầm thông thường trước đây của hải quân Ấn Độ.
Cả AIP và VLS sẽ tạo ra những thách thức và quyết định khó khăn. Giống như tất cả các dự án tàu ngầm lớn sẽ phải đánh đổi, Ấn Độ đã phát triển pin nhiên liệu AIP của riêng mình và họ đang có kế hoạch nâng cấp để nó có thể phù hợp với tàu ngầm lớp Kalvari được mua từ Pháp.
Đây cũng là một lựa chọn hợp lý cho P75I, đặc biệt là từ quan điểm của ngành công nghiệp bản địa. Tuy nhiên, Hải quân Ấn Độ có thể rất quan tâm đến AIP đã có sẵn với các thiết kế. Việc kết hợp AIP địa phương sẽ làm tăng rủi ro phát triển và làm tắt các cơ hội tiếp cận các hệ thống AIP tốt hơn.
Hệ thống VLS sẽ là một thử thách vì tất cả các thiết kế đang ứng tuyển đều là những loại tàu ngầm tương đối nhỏ. Không rõ hợp đồng sẽ phụ thuộc vào VLS như thế nào hoặc liệu các phương án tên lửa thay thế có được xem xét hay không.
Đầu tiên là tàu ngầm lớp Barracuda của Pháp, tập đoàn Hải quân của Pháp được cho là đang cung cấp phiên bản động cơ diesel-điện cho tàu ngầm hạt nhân Barracuda. Phiên bản hạt nhân đã được biên chế cho Hải quân Pháp là Lớp Suffren. Lớp Barracuda có nhiều nét tương đồng với Lớp Kalvari hiện đang được chế tạo ở Ấn Độ, vì vậy Barracuda được coi là một đối thủ nặng ký.
Có lẽ lợi thế thiết kế lớn nhất của Barracuda là kích thước của nó. Đường kính thân tàu khoảng 8,5 mét là đường kính lớn nhất trong số các đối thủ cạnh tranh. Điều này sẽ làm cho việc lắp một VLS gặp ít thách thức hơn ngay cả với tên lửa Brahmos “to xác”.
Các tính năng đáng chú ý khác của thiết kế kiểu Pháp có thể bao gồm bánh lái hình chữ X và một máy bơm phản lực. Đặc điểm thứ hai này cũng có thể được quan tâm trong các dự án tàu ngầm hạt nhân của Ấn Độ.
Thứ hai là thiết kế DSME-3000 của Hàn Quốc, đây là một loại tàu ngầm phi hạt nhân tương đối lớn có khả năng chỉ đứng sau Barracuda. Tàu sử dụng AIP pin nhiên liệu của Đức. Cách bố trí AIP trên phần thân tàu cho thấy rằng sẽ không quá khó khăn nếu hoán đổi nó cho phương án thay thế AIP của Ấn Độ.
Và Hàn Quốc đang dẫn đầu hầu hết các quốc gia trong cuộc đua để lắp công nghệ pin lithium cho tàu ngầm. Điều này hứa hẹn sẽ kéo dài sức chịu đựng của tàu ngầm trong thời gian hoạt động bí mật. Và tất nhiên điểm mạnh này có thể hấp dẫn đối với Hải quân Ấn Độ.
Đặc điểm khác biệt của DSME-3000 là được lắp đặt kèm với một hệ thống VLS chứa sáu hoặc mười ô phóng. Trong biên chế của Hàn Quốc, tàu này dự kiến mang tên lửa Hyunmoo 4-4, gần tương đương với K-15 Sagarika của Ấn Độ nhưng không có chức năng hạt nhân. Mặc dù kích thước và trọng lượng chính xác chưa công bố nhưng tàu có thể chứa các tên lửa Brahmos có kích thước tương tự.
Mang hệ thống VLS trong một tàu ngầm nhỏ như vậy có thể cần một số đánh đổi, chẳng hạn như kho chứa vũ khí phóng ngư lôi sẽ ít hơn thông thường. Nhưng nhìn chung, thiết kế của Hàn Quốc có vẻ cân đối và mang tính ứng dụng cao.
Thứ ba là một thiết kế của Tây Ban Nha - S-80 Plus. Đây là một loại tàu ngầm lớn hơn so với thiết kế lớp Kalvari của Ấn Độ, nhưng nhỏ hơn so với các phiên bản đang cạnh tranh của Hàn Quốc hoặc Pháp.
AIP của S-80 Plus là một hệ thống pin nhiên liệu với bộ định dạng etanol sinh học. Vì vậy, giống như hệ thống của Pháp, nó không cần lưu trữ hydro. Hiện tại các tàu ngầm S-80 Plus của Tây Ban Nha không chạy với AIP nhưng hệ thống này đang được thử nghiệm và sẽ ra khơi trong vài năm tới.
Không rõ liệu Tây Ban Nha có đang đề xuất lắp đặt VLS trên S-80 Plus hay không. Nhưng thiết kế này luôn nhằm mục đích tương thích với các tên lửa hành trình tấn công đất liền được bắn từ các ống phóng ngư lôi.
Cuối cùng là phiên bản Amur của Nga, về cơ bản đấy là phiên bản xuất khẩu của lớp Lada. Nga đã có quan hệ chặt chẽ với Hải quân Ấn Độ và một số tàu ngầm lớp Kilo có liên quan đã được đóng tại Ấn Độ. Tàu Amur chia sẻ một số tính năng giống với tàu Kilo nhưng có cấu hình khác.
Mặc dù có đường kính thân tàu nhỏ nhất trong số các ứng viên (nhỏ hơn 1,5 mét so với Barracuda), nhưng các mô hình thiết kế vẫn xuất hện hệ thống VLS. Tuy nhiên, điều này dường như dành cho các loại vũ khí cỡ Kalibr nhỏ hơn so với tên lửa Brahmos.
Một thách thức khác đối với các thiết kế của Amur có thể là AIP. Nga vẫn chưa phát triển được hệ thống AIP cho lớp Lada của mình. Ấn độ có thể sẽ là chìa khóa cho việc chia sẻ và đầu tư cùng Nga phát triển dự án này.
Khác với Pháp, Nga có thể được coi là có “lợi thế sân nhà” vì mối quan hệ lịch sử bền chặt với Ấn độ. Đã có những thông tin cho rằng Nga coi đây là cơ hội để cùng phát triển thế hệ tàu ngầm phi hạt nhân tiếp theo. Nguồn ảnh: NDH.
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật là tàu ngầm đầu tiên trên thế giới được trang bị công nghệ pin lithium. Nguồn: Mightywar.
Thái Hòa