Những bà mẹ bỏ việc về quê... kèm con học

Xu hướng những người mẹ bỏ việc ở thành phố lớn để về quê kèm cặp con cái học tập đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc.

Nhiều bà mẹ Trung Quốc nghỉ việc ở nhà kèm con học.

Nhiều bà mẹ Trung Quốc nghỉ việc ở nhà kèm con học.

Dù sẵn sàng hy sinh sự nghiệp vì thành công của con cái, họ đang phải trả giá đắt vì mối quan hệ gia đình rạn nứt.

Sự hy sinh thầm lặng

Mùa hè năm 2021, chị Qi Weiwei, nhà nghiên cứu khoa học xã hội, có chuyến đi thực tế tại một ngôi làng ở quận Dongzhi, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Tại đây, chị Qi gặp một bà mẹ ở độ tuổi 30 có chồng đang làm việc tại Bắc Kinh.

Người mẹ này từng làm việc ở một thành phố lớn nhưng quyết định nghỉ việc, trở về quê và dành toàn bộ thời gian cho 2 cô con gái đang đi học. Ba mẹ con sống đạm bạc. Hơn một nửa thu nhập của gia đình đổ vào tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt.

Khi tiếp xúc với nhiều phụ nữ tại Dongzhi, chị Qi nhận thấy hành động của người phụ nữ nọ là chuyện tương đối phổ biến trong các gia đình nông thôn.

Chị Qi kể: Một người mẹ khác làm việc cùng chồng ở Thượng Hải trong khi con cái họ ở quê học tiểu học. Đứa trẻ không chịu làm bài tập dù ông bà nói đến rát cổ. Vì vậy, giáo viên đã gọi điện cho người mẹ và yêu cầu cô trở về quản con.

Ở quê ít việc nên người phụ nữ làm thêm ở một cửa hàng bán sữa. Những người phụ nữ này được gọi chung là bà mẹ “peidu”.

Trong tiếng Trung Quốc, “peidu” có nghĩa là “kèm cặp học tập”, chỉ những người mẹ từ bỏ công việc để dành toàn bộ thời gian quản lý con. Sự hy sinh vì mục tiêu duy nhất là con cái đạt điểm cao, trúng tuyển trường đại học chất lượng và thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Hiện tượng “peidu” khá phổ biến tại Trung Quốc trong một thập kỷ trở lại đây. Năm 2001, Trung Quốc ban hành chính sách sáp nhập trường học nông thôn khiến nhiều trường phải đóng cửa.

Số lượng trường tiểu học nông thôn trên toàn quốc giảm từ 440.000 xuống còn 155.000 vào năm 2012. Các nguồn lực giáo dục tập trung nhiều hơn ở trung tâm các tỉnh trong khi các trường tiểu học, trung học ở làng xã, thị trấn nhanh chóng biến mất.

Mặc dù, điều này giúp thế hệ trẻ nhận thức rõ ràng hơn tầm quan trọng của giáo dục, các gia đình không thể chuyển hộ khẩu đến thành phố lớn, nơi họ làm việc.

Do đó, họ để con cái học tập ở tỉnh nhà và nhờ ông bà chăm sóc. Tuy nhiên, vì tuổi cao sức yếu nên ông bà không thể quản lý cháu chặt chẽ, đòi hỏi bố hoặc mẹ phải hy sinh công việc để kèm cặp con. Trong hầu hết trường hợp, người trở về là phụ nữ.

Qua khảo sát, chị Qi nhận thấy, đa số các bà mẹ thường bỏ việc đến khi con học hết năm ba ở trường THCS bởi đây là giai đoạn hướng nghiệp và chuẩn bị thi vào trường THPT.

Hầu hết, phụ huynh Trung Quốc lo lắng nếu con cái không được rèn giũa cẩn thận, chúng sẽ trượt cấp ba và phải học trường nghề. Do đó, họ dành hết tâm sức kèm cặp con cái đến hết THCS, đảm bảo cho các cháu vào THPT và sau đó là đại học.

Thông thường, một ngày của những bà mẹ “peidu” sẽ diễn ra trong căn hộ nhỏ, được thuê gần trường học của con cái với một lịch trình bận rộn. Buổi sáng, họ dậy sớm chuẩn bị đồ ăn rồi đưa con đi học. Đến giờ tan trường, họ đón con, theo dõi biểu cảm của con sau một ngày dài và giữ con ở bên cạnh mọi lúc.

Theo chuyên gia nghiên cứu, thực tế một số bà mẹ quản lý con nghiêm khắc vì sợ con cái chểnh mảng ở trường. Những đứa trẻ phải đối mặt với nhiều áp lực, cảm thấy không có tự do nên cãi lời mẹ khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên căng thẳng.

Những mối quan hệ rạn nứt

Một số bà mẹ “peidu” quản lý con cái vô cùng gắt gao. Ví dụ, cô ấy ước lượng thời gian đi từ trường về nhà là 20 phút. Nếu con cái không trở về nhà sau thời gian ấy, bà mẹ lập tức gọi điện cho giáo viên - chị Qi, chuyên gia nghiên cứu khoa học xã hội cho biết.

Không chỉ học sinh, những bà mẹ “peidu” cũng có nỗi khổ tâm riêng. Khi trò chuyện với họ, chị Qi dễ dàng nhận thấy sự lo lắng, mệt mỏi. Những bà mẹ nói về sự cô độc trong cuộc sống hàng ngày như xa nhà, tương tác xã hội hạn chế.

Họ chủ yếu trò chuyện với những người mẹ khác cùng cảnh ngộ. Hầu hết, họ không có việc làm hoặc giờ làm việc trái ngược với dân văn phòng nên khó hòa nhập.

Theo Qi, những bà mẹ “peidu” bị kẹt giữa tư tưởng của vùng nông thôn và thành thị. Họ làm việc tại thành phố, nơi có trình độ dân trí cao, nên nhận thức rõ giá trị của giáo dục. Tuy nhiên, họ vẫn mang truyền thống đặt con cái lên hàng đầu nên chấp nhận nghỉ việc để hy sinh cho thành công của thế hệ sau.

Các bà mẹ cũng cảm thấy áp lực từ xã hội và con cái. Nếu không giáo dục con, họ sẽ bị gia đình, hàng xóm gièm pha. Hoặc khi thấy bạn bè được bố mẹ đưa đến trường, con cái họ sẽ cảm thấy ghen tị và muốn được mẹ đi cùng.

Bên cạnh đó, những bà mẹ “peidu” cũng phải nhận kỳ vọng lớn từ nhà trường. Giáo viên luôn nhấn mạnh tầm quan trọng khi học sinh có cha mẹ ở gần quan tâm, chăm sóc.

Hiện nay, ngày càng nhiều gia đình chú trọng việc học tập của con cái từ rất sớm. Trước đây, các bà mẹ kèm cặp con từ năm 3 THPT nhưng bây giờ là từ năm 3 THCS.

Một số chuẩn bị cho con cái từ tiểu học. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các chuyên gia giáo dục, sự kèm cặp này không mấy cải thiện kết quả. Chỉ một số ít học sinh được cha mẹ kèm cặp đạt điểm cao và vượt qua kỳ thi đại học.

Một phần lý do đến từ việc nguồn lực giáo dục tại các vùng nông thôn tương đối hạn chế. Nhiều học sinh chỉ nhận điểm trung bình, thậm chí trượt đại học, dù cha mẹ đã hy sinh lớn lao.

Trong khi một số phụ huynh thành công phải trả giá đắt. Chị Qi từng gặp một người phụ nữ có con gái trúng tuyển trường đại học tốt. Tuy nhiên, mối quan hệ của họ trở nên rất căng thẳng từ khi con gái học cấp 2. Dù vậy, bà mẹ vẫn cho rằng “peidu” rất quan trọng và những nỗ lực của gia đình là xứng đáng.

Giờ đây, bà mẹ đang tập trung kèm con trai học năm nhất THCS.

“Nếu tôi không sát sao, các con sẽ trách tôi khi chúng bị điểm kém và không vào được trường đại học tốt. Tôi sẽ cố gắng hết mình, dù kết quả có ra sao, nhưng ít nhất lương tâm tôi cũng được thanh thản”, người mẹ chia sẻ.

Theo Sixth Tone

Tú Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhung-ba-me-bo-viec-ve-que-kem-con-hoc-q2OWL7r7R.html