Nghệ thuật tuồng đã có mặt tại xã Thạch Lỗi (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) từ rất lâu và nổi tiếng trong vùng. Tuy nhiên, trong thời kỳ chiến tranh kháng chiến, dân cư di tản khiến hoạt động biểu diễn văn nghệ tại đây đã bị ngừng lại. Vào năm 1960, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã cử người đến xã nhằm hỗ trợ khôi phục nghệ thuật hát tuồng của cộng đồng dân cư tại địa phương này.
Đến nay, đội tuồng có tổng cộng 25 thành viên, chủ yếu là các bậc lão niên. Người trẻ nhất cũng đã trên 50 tuổi, còn người già nhất đã ngoài 80.
Đều đặn hàng tuần, đội tuồng Thạch Lỗi vẫn tụ họp với nhau để cùng tập luyện các vở tuồng, để sẵn sàng tham gia biểu diễn mỗi khi địa phương tổ chức các sự kiện quan trọng hoặc khi có cơ hội giao lưu với những nơi khác.
Hiện nay đội tuồng xã Thạch Lỗi được ban quản lý đình Thạch Lỗi hỗ trợ về địa điểm tập luyện. Những khi đội tuồng tập luyện tại sân đình, không khí tại sân đình trở nên rất sôi động và náo nhiệt.
Các diễn viên và nhạc công tại đây đều có hiểu biết sâu sắc và biểu diễn thành thạo nghệ thuật hát tuồng. Các kỹ năng của nghệ thuật hát tuồng như nói hường, nói lối, hát khách, hát tẩu, hát nam, hát xướng, điệu lý, nghệ thuật hóa trang… được nghệ nhân nơi đây biểu diễn một cách tự nhiên như đã in sâu vào tiềm thức.
“Chúng tôi rất muốn giữ gìn bản sắc truyền thống, bản sắc riêng của địa phương. Hiện UBND xã đã ký quyết cho chúng tôi trở thành câu lạc bộ, đồng quan tâm hỗ trợ, khích lệ để chúng tôi có thêm động lực để duy trì và phát triển câu lạc bộ”, ông Nguyễn Nhuận (Phó Chủ nhiệm CLB tuồng Thạch Lỗi) vui mừng chia sẻ.
Nhờ sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ để bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa nghệ thuật tuồng cổ tại quê hương; đội tuồng Thạch Lỗi đã nhận được nhiều giải thưởng tại các hội thi lớn. Đặc biệt, vào ngày 29/5, Câu lạc bộ tuồng xã Thạch Lỗi đã nhận được giải thưởng Đào Tấn tại hạng mục “Các đoàn nghệ thuật bán chuyên xuất sắc”. Đây là giải thưởng được trao cho những cá nhân và tập thể đã có những đóng góp xuất sắc và đáng chú ý trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, mang tính sáng tạo liên tục và bao trùm trên nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của quốc gia.
Thế nhưng đến nay, các nghệ nhân nơi đây vẫn đau đáu về việc truyền nghề cho lớp trẻ. Hiện tại, đội tuồng của xã đa phần là người trung niên và người già, thiếu đi sự góp mặt của các thành viên trẻ.
"Cách đây khoảng chục năm, đội tuồng được các Trường Tiểu học, THCS Thạch Lỗi mời dạy hát tuồng cho học sinh. Tuy nhiên, việc đó chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian", Phó Chủ nhiệm CLB tuồng Thạch Lỗi cho biết.
Theo ông Nhuận, thời gian đó việc học tuồng được tổ chức song song với việc học của các học sinh. Tuy nhiên, sau khi các lớp học không còn được tổ chức nữa; học sinh không được trau dồi, biểu diễn thường xuyên cũng quên nhiều, cộng với việc tiếp xúc với những loại hình văn hóa giải trí sôi động, hấp dẫn khác nên đã không còn mặn mà với nghệ thuật hát tuồng tại quê hương.
Nghệ thuật tuồng có đặc điểm đặc sắc là một loại sân khấu tổng thể, nơi các yếu tố ca hát và vũ nhạc được phát triển một cách hài hòa trong nghệ thuật biểu diễn. Nó kết hợp yếu tố của sân khấu cổ điển và hiện đại, mang trong mình giá trị nghệ thuật, văn hóa và tinh thần đặc trưng của dân tộc. Việc duy trì câu lạc bộ tuồng xã Thạch Lỗi không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn, mà nó còn là sợi dây kết nối giữa giới trẻ và các giá trị nghệ thuật của dân tộc.