Những bác sĩ trẻ chọn nơi khó khăn để... trưởng thành

Nhờ sự tận tâm và nhiệt huyết của các bác sĩ trẻ, người dân ở các huyện vùng cao tỉnh Nghệ An ngày càng được tiếp cận những dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng hơn ngay tại địa phương.

Cơ hội để trưởng thành

Đối với các bác sĩ vùng cao, niềm vui trong công việc không chỉ đến từ việc khám chữa bệnh mà còn từ việc người dân dần thay đổi nhận thức về chăm sóc sức khỏe. Người dân không còn dựa vào thầy lang hay cúng bái.

Bác sĩ trẻ người Mông Lỳ Bá Gì (quê huyện Kỳ Sơn) sau khi tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình năm 2015, quyết định trở về quê hương. "Khi gần tốt nghiệp, Bộ Y tế có đoàn công tác đến khảo sát nguyện vọng của các sinh viên. Trong khi các bạn có nhiều mong muốn khác nhau, tôi chỉ có một nguyện vọng về phục vụ quê hương", bác sĩ Gì chia sẻ.

Bác sĩ Lỳ Bá Gì điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Tương Dương.

Bác sĩ Lỳ Bá Gì điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Tương Dương.

Hiện đang công tác tại Khoa Hồi sức Cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện Tương Dương, bác sĩ Lỳ Bá Gì cho biết, người dân miền núi vẫn chưa nhận thức đầy đủ về việc chăm sóc sức khỏe. Nhiều bệnh nhân thường chủ quan và chỉ đến cơ sở y tế khi bệnh đã trở nặng, gây khó khăn trong việc điều trị. Hơn nữa, một số người, đặc biệt là người dân tộc Mông, vẫn nhờ cậy vào thầy mo khi mắc bệnh thay vì đến bệnh viện. Bác sĩ Lỳ Bá Gì không chỉ tập trung khám và điều trị mà còn tận dụng vai trò bác sĩ người đồng bào để tuyên truyền về sự cần thiết của việc đến cơ sở y tế kịp thời và chống mê tín dị đoan.

Ông Vi Xuân Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương cho biết, bác sĩ Gì nhiệt tình, chuyên môn được đào tạo bài bản. "Bệnh viện được hưởng lợi rất nhiều từ các bác sĩ trẻ và nhờ đó giảm được quá tải ở tuyến trên", ông Chiến nói.

"Cơ hội để trưởng thành", đó là chia sẻ của bác sĩ trẻ Vi Thị Đậu, làm việc tại Trạm Y tế xã Tam Hợp (huyện Quỳ Hợp). Dời Trường đại học Y dược Hải Phòng, Đậu chọn về quê làm việc dù còn nhiều sự lựa chọn khác.

Vi Thị Đậu tâm niệm, với bác sĩ mới ra trường, cần một môi trường để vừa làm vừa nâng cao tay nghề. Bạn chia sẻ, quyết định về làm việc tại tuyến huyện là một trong những quyết định đúng đắn nhất của cuộc đời. "Hy vọng khoảng thời gian làm việc tại địa phương, bằng kiến thức và tay nghề khám chữa bệnh, mình có thể thuyết phục người dân nâng cao nhận thức về sức khỏe của họ", bác sĩ Đậu cười nói.

Bác sĩ Trương Thị Hiền thăm khám cho bệnh nhân tại Trạm y tế Trạm Y tế xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp.

Bác sĩ Trương Thị Hiền thăm khám cho bệnh nhân tại Trạm y tế Trạm Y tế xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp.

Với mong muốn trở về quê nhà cống hiến, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Vinh năm 2018, Trương Thị Hiền về nhận công tác tại Trạm Y tế xã Hạ Sơn (đây là xã có 100% là đồng bào dân tộc Thổ). "Làm việc ở vùng khó khăn đúng là... khó khăn thật. Em và đồng nghiệp luôn căng mình với những ca trực 24 giờ, không kể cuối tuần hay ngày lễ", bác sĩ Hiền cho biết.

Áp lực nhất, bất lực nhất là khi không đủ máy móc để điều trị. Những lúc ấy, các bác sĩ phải linh hoạt để xử lý tình huống.

Hơn 5 năm ở đây, bác sĩ gặp không biết bao nhiêu là ca bệnh khó. Khó nhất là bà con không biết nói tiếng Kinh và quan điểm về trị bệnh cũng khác. Vì thế, chị phải từ từ giải thích cho bà con hiểu, phải học thêm tiếng đồng bào. "Phải gần gũi bà con, dần dần bà con sẽ tin tưởng và nghe theo cách điều trị của mình", bác sĩ Hiền nói.

Thêm nguồn lực cho y tế vùng khó

Để lại sau lưng những cơ hội rộng mở ở thành phố, nhiều bác sĩ trẻ xung phong trở về gắn bó ở vùng sâu, vùng xa. Đối mặt với thiếu thốn về cơ sở vật chất và điều kiện y tế, nhưng các y bác sĩ đã góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho các bệnh viện tại các huyện vùng khó khăn. Từ đó nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, giảm quá tải cho các cơ sở y tế tuyến trên. Chính họ đã trở thành "cầu nối" giúp thu hẹp khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi.

Đại diện Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp cho biết, từ năm 2019 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận 22 dược sĩ và bác sĩ, trong đó có 14 bác sĩ và 2 dược sĩ làm việc tại trung tâm, và 6 bác sĩ công tác tại các trạm y tế xã. Sau khi được tuyển dụng, đội ngũ bác sĩ và dược sĩ đã mang lại những cải thiện đáng kể về chất lượng khám chữa bệnh tại trung tâm và các tuyến cơ sở. Đặc biệt, tại tuyến y tế cơ sở, nhờ sự tham gia của các bác sĩ, chất lượng dịch vụ y tế đã được nâng cao, góp phần chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân địa phương và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Bác sĩ Sầm Thành Tài tư vấn, tuyên truyền và hướng dẫn cho các bệnh nhân tại Trạm y tế Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp.

Bác sĩ Sầm Thành Tài tư vấn, tuyên truyền và hướng dẫn cho các bệnh nhân tại Trạm y tế Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp.

Ông Vi Xuân Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương cho biết, các bác sĩ trẻ khi gia nhập trung tâm không chỉ tham gia vào công việc tại khoa và thực hiện các ca trực chuyên môn, mà còn trực tiếp khám chữa bệnh, hỗ trợ cấp cứu và triển khai các kỹ thuật đã được đào tạo. Họ cũng tham gia vào việc hỗ trợ các bác sĩ tại bệnh viện huyện và cập nhật kiến thức chuyên môn qua các buổi đi buồng bệnh tại khoa.

Việc tuyển dụng và thu hút bác sĩ trẻ đã giúp hoàn thiện hệ thống nhân lực cho các trạm y tế xã. Trong khi trước đây việc tuyển bác sĩ về làm việc tại các xã, huyện và bệnh viện huyện vùng miền núi gặp nhiều khó khăn, hiện nay tình hình đã thuận lợi hơn. Nguyên nhân chính là do ngày càng nhiều con em từ miền núi đã thi đậu vào các trường đại học y khoa và bày tỏ nguyện vọng trở về quê hương công tác.

Thông tin từ Sở Y tế Nghệ An, tỉnh đã triển khai một số chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ và phát triển nguồn nhân lực y tế công lập. Sau gần 10 năm thực hiện các chính sách này, tỉnh này đã tuyển dụng gần 300 bác sĩ để tăng cường cho tuyến y tế cơ sở. Những nỗ lực này đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở và giảm đáng kể tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, bà Nguyễn Thị Hồng Hoa cho biết, thiếu nhân lực y tế, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao tại cơ sở, đang là một thực tế khó khăn và thách thức lớn đối với ngành y tế. Hiện tại, ngành vẫn thiếu khoảng hơn 5.000 nhân sự.

Trước thực trạng này, ngành y tế đã liên kết với 5 trường đại học để đào tạo điều dưỡng và bác sĩ cho các bệnh viện. Đối với các đơn vị tự chủ, bên cạnh các chính sách của tỉnh, ngành y tế cũng khuyến khích sử dụng nguồn lực từ phần tự chủ để hỗ trợ nhân lực y tế trong việc học tập. "Để đảm bảo nguồn lực cho ngành y tế trong dài hạn, chúng tôi đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm và hỗ trợ. Đồng thời, tỉnh cần xem xét và triển khai các chính sách mới thay thế các chính sách cũ để thu hút nhân lực về làm việc," bà Hoa đề xuất.

Theo Sở Y tế Nghệ An, tại các tuyến xã có 360/460 trạm y tế có bác sĩ cơ hữu. Còn lại 100 xã thì có 70 trạm y tế xã đã điều chuyển bác sĩ từ trung tâm y tế về có thời hạn và hợp đồng lại 19 bác sĩ đã nghỉ hưu, còn lại 30 trạm y tế hiện nay không có bác sĩ phải sử dụng y sĩ đa khoa thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh.

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-bac-si-tre-chon-noi-kho-khan-de-truong-thanh-16924090515273975.htm