Những bài học từ tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong tác phẩm 'Sửa đổi lối làm việc'
Là người sáng lập và lãnh đạo Đảng ta, Hồ Chí Minh luôn chăm lo công tác xây dựng Đảng. Ngay từ năm 1947, Người đã viết 'Sửa đổi lối làm việc'- tác phẩm lý luận và thực tiễn cơ bản về công tác xây dựng Đảng, tới nay vẫn còn nguyên giá trị.
Là tác phẩm hết sức cơ bản sâu sắc, ngắn gọn, Hồ Chí Minh đã đề cập những vấn đề lớn có tính chiến lược về xây dựng Đảng với những nội dung của VI phần gồm: Phần I - Phê bình và sửa chữa; Phần II - Mấy điều kinh nghiệm; Phần III - Tư cách và đạo đức cách mạng; Phần IV - Vấn đề cán bộ; Phần V - Cách lãnh đạo; Phần VI - Chống thói ba hoa là những vấn đề cốt lõi đối với Đảng cầm quyền.
Trong 6 vấn đề lớn ấy, Hồ Chí Minh tập trung dành sự phân tích, nhấn mạnh một số điểm hết sức cốt lõi như những bài học kinh nghiệm, đã thể hiện tầm tư tưởng lớn của Người về công tác xây dựng Đảng mà ngày nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn với Đảng ta. Cuốn sách đề cập nhiều vấn đề rộng lớn, sâu sắc cụ thể công tác xây dựng Đảng, song có thể rút ra mấy điểm chính sau:
Bài 1: Sự cần thiết phê bình và sửa chữa
Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, nhiều cán bộ, đảng viên do nhiều lý do mà xao nhãng việc học tập, phê bình, tự phê bình. Người cho rằng “Đó là một khuyết điểm rất to” khác nào người thầy thuốc chỉ đi chữa bệnh người khác mà bệnh nặng trong mình thì quên chữa... “Từ nay chúng ta cần phải thiết thực học tập, sửa chữa các khuyết điểm. Vì tẩy sạch khuyết điểm, công việc mới có thể tiến bộ”(1).
Không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của phê bình, tự phê bình mà Hồ Chí Minh rất chú ý giáo dục cán bộ, đảng viên cách thức phê bình sao cho đúng, có hiệu quả. Người nhấn mạnh: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì thế phê bình mình và cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai đâm thọc... Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên bị phê bình mà nản chí hoặc oán ghét” (2).
Nhấn mạnh tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình, Hồ Chí Minh chỉ rõ “Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết lãnh đạo Nhân dân giành lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang.
Nhưng nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn thì thành tích của Đảng ta còn to lớn hơn nữa.
Cán bộ và đảng viên làm việc không đúng, không khéo thì còn nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích ít.
Do đó là tất nhiên, vì vậy ngay từ bây giờ các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa… Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy hiểm đến tính mệnh.” (3)
Cùng với việc nhấn mạnh sự cần thiết không thể thiếu được của công tác xây dựng Đảng là phê bình, tự phê bình, Hồ Chí Minh nhấn mạnh một số nội dung trọng yếu của việc phê bình. Đó là phê bình cách sửa đổi lối làm việc, bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh nói và viết ba hoa không thiết thực. Người chỉ rõ nguyên nhân của các bệnh ấy là bệnh chủ quan và nguyên nhân của bệnh chủ quan là bệnh “kém lý luận hoặc khinh lý luận hoặc lý luận suông”(4) Người chỉ rõ “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công tác thực tế. Không có lý luận thì lúng túng cũng như nhắm mắt mà đi… Đó là kém lý luận trong bệnh chủ quan”(5). Hồ Chí Minh chỉ rõ mọi cán bộ, đảng viên phải có lý luận mới trở thành người cán bộ hoàn toàn. Nhưng Người đặc biệt nhấn mạnh lý luận phải gắn với thực tiễn, lý luận mà không gắn với thực tiễn là lý luận suông. Người yêu cầu “mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế, phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận, lý luận suông… lý luận phải đem ra thực hành, thực hành phải nhằm theo lý luận… lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng để đem lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích”(6).
Cùng với những vấn đề trên, Hồ Chí Minh chỉ rõ cần phê bình bệnh hẹp hòi trong sửa đổi lối làm việc, trong công tác lãnh đạo của Đảng.
Người cho rằng bệnh hẹp hòi rất nguy hiểm mà nhiều cán bộ, đảng viên còn mắc phải. Bệnh hẹp hòi khiến cho trong Đảng thì ngăn trở sự thống nhất, đoàn kết. Ngoài Đảng thì phá hoại sự đoàn kết toàn dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ bệnh hẹp hòi đã đẻ ra các thứ bệnh nguy hiểm khác như chủ quan, bản vị, địa phương chủ nghĩa, chủ nghĩa cá nhân, tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa…
Người chỉ rõ “Vì ham danh vọng và địa vị, cho nên khi phụ trách một bộ phận nào thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa ai thì tìm cách đẩy ra… Đó là một thứ bệnh hẹp hòi trái hẳn với nguyên tắc tập trung và thống nhất của Đảng… Bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh hẹp hòi, mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ, mà địch bên trong đáng sợ hơn. Vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó… Mỗi cán bộ, đảng viên mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt, được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng” (7).
Tuy nhiên, Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải tăng cường công tác kiểm tra phê bình và tự phê bình, có như vậy mới tránh việc phê bình hình thức, qua loa, né tránh vô bổ...
Có thể nói Hồ Chí Minh coi phê bình, tự phê bình là một tư tưởng lớn xây dựng Đảng. Bởi vì con người ai cũng có mặt tốt, mặt xấu, mặt tốt hay mặt xấu phải được chỉ ra để phát huy mặt tốt, sửa chữa mặt xấu. Người từng chỉ ra rằng mặt xấu là kẻ thù bên trong con người ta. Nếu kẻ thù bên trong không kịp thời đấu tranh sửa chữa thì nó là đồng minh với kẻ thù bên ngoài phá hại ta từ bên trong.
Tuy nhiên đây là vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp và tế nhị. Bởi lẽ như Hồ Chí Minh đã chỉ ra nó được ngụy trang, che đậy, khống chế bởi chủ nghĩa cá nhân. Bệnh ham địa vị, ham tiền bạc, ham danh vọng… làm cho người ta né tránh, từ đó dẫn đến những hệ lụy khó lường. Thực tế do xa rời tự phê bình và phê bình đúng đắn, sa vào chủ nghĩa cá nhân thì, không ít cán bộ, đảng viên bị sa ngã.
PGS, TS Trần Quang Nhiếp
Nguyên Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản
--------------------------------------(1) Sửa đổi Lối làm việc – NXB Sự thật năm 1959. Tr22(2) Sđd.tr23(3) Sđd.tr24(4), (5) Sđd.tr25(6) Sđd.tr26,27(7) Sđd.tr28,31