Những bản làng lên sao OCOP
BHG - Những bản, làng văn hóa du lịch nổi tiếng được du khách gần xa biết đến nhiều trên bản đồ du lịch Hà Giang là một phần “linh hồn” ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh. Sức hút bởi nét riêng đậm bản sắc văn hóa dân tộc của những bản làng như: Lô Lô Chải, (Đồng Văn), Nặm Đăm (Quản Bạ), thôn Tha (thành phố Hà Giang)... ngày càng được nâng cao vị thế khi đạt tiêu chuẩn OCOP, tạo nên sức hút và giá trị cả một vùng đất. Với vốn văn hóa đa dạng của 19 dân tộc cùng các giá trị được bảo tồn nguyên vẹn theo thời gian, ngày càng nhiều làng văn hóa du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP trên mảnh đất Hà Giang được định hướng phát triển bền vững.
Trong kế hoạch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xây dựng “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” trên địa bàn tỉnh năm 2023 có 16 làng hoàn thành công nhận lần đầu và công nhận lại. Tuy nhiên, qua rà soát mới chỉ có 2 làng cơ bản hoàn thành các tiêu chí và đang xây dựng hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; sau khi đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên sẽ lập hồ sơ đề nghị công nhận “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” gồm: Thôn Bản Lạn, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) và thôn Tha, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang). Có thể thấy, để đáp ứng các tiêu chí đánh giá của Chương trình OCOP cần nhiều nỗ lực từ các cấp và người dân các địa phương.
Từ năm 2022, Làng văn hóa du lịch cộng đồng Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) trở thành một trong những làng văn hóa du lịch đầu tiên trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn OCOP 2 sao cấp tỉnh với 12 tiêu chí đều đạt chuẩn. Nằm dưới chân núi Rồng với Cột cờ Quốc gia Lũng Cú phấp phới tung bay, làng Lô Lô Chải là nơi sinh sống của người dân tộc Lô Lô đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với điểm cực Bắc của đất nước. Nét văn hóa dân tộc được bảo tồn, những nếp nhà trình tường mái ngói âm dương thực sự trở thành một “thỏi nam châm” thu hút du khách. Từ thôn nghèo nơi biên cương, Lô Lô Chải giờ đây là điểm đến nổi tiếng bậc nhất trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) được mọi người biết đến là nơi cả làng làm du lịch. Toàn thôn 60 hộ người dân tộc Dao đã xây dựng bản làng yên bình dưới chân Cổng trời Quản Bạ thành điểm đến mang dấu ấn rất riêng. Hiện nay, Nặm Đăm có 26 hộ làm du lịch cộng đồng mang giá trị kiến trúc văn hóa bản địa phục vụ du khách. Đến Nặm Đăm tham quan, nghỉ dưỡng cũng chính là tới một không gian thôn bản thanh bình và đậm đà bản sắc. Với các tiêu chí đạt chuẩn, nơi đây được du khách ưa thích chọn làm nơi ngủ nghỉ, nhờ đó Làng văn hóa du lịch thôn Nặm Đăm với các tiêu chí OCOP vinh dự được nhận giải thưởng Asean dành cho mô hình lưu trú kết hợp với giới thiệu, trải nghiệm và bảo tồn di sản trên Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Thôn Tha, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ công nhận OCOP lần hai. Những nếp nhà sàn mái cọ, nằm bên cánh đồng lúa của người Tày đã làm nên nét riêng làng cổ còn lưu giữ giữa không gian phố thị sôi động, hiện đại được khách nước ngoài đặc biệt ưa thích.
Phát triển du lịch bền vững gắn với du lịch xanh, du lịch sinh thái, đa dạng bản sắc, văn hóa chính là hướng đi đúng đắn để thu hút và níu chân du khách. Các thôn bản với kiến trúc văn hóa bản địa đặc sắc mang trong mình nhiều giá trị tiềm năng, phát triển và khai thác dịch vụ du lịch là một bộ phận quan trong tạo nên thương hiệu du lịch Hà Giang. Khai thác tốt có định hướng phát huy, bảo tồn giá trị nguyên bản và phát triển dựa trên các tiêu trí sản phẩm du lịch OCOP là hướng đi khẳng định một nền công nghiệp du lịch bền vững tạo ra giá trị cho người dân.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202401/nhung-ban-lang-len-sao-ocop-76e70f7/