Những 'bàn tay vàng' y khoa: 'Bà tiên' của thanh âm
Với những đóng góp to lớn trong sử dụng âm ngữ trị liệu để phát triển kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung đã giúp thay đổi cuộc đời cho trẻ tự kỷ, trẻ điếc bẩm sinh
Thầy thuốc Nhân dân - PGS-TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TP HCM, nguyên Giám đốc Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TP HCM, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nguyên Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam - là người đóng góp rất nhiều cho ngành y tế, đặc biệt trong điều trị cho trẻ khuyết tật.
Ba mảnh ghép thay đổi đời người
Hiện nay, tại Phòng khám Đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, BV Nhi Đồng 1 (TP HCM) áp dụng mô hình đặc biệt - âm ngữ trị liệu - để điều trị can thiệp, phát triển kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp cho trẻ tự kỷ. Thống kê của BV Nhi Đồng 1 cho thấy sau 3 năm được can thiệp âm ngữ trị liệu, có tới 98% trẻ đủ tiêu chuẩn để vào học các trường dành cho trẻ khỏe mạnh. BS Nguyễn Thị Ngọc Dung là một trong những người tạo ra phép mầu đó cho trẻ tự kỷ. Bà dành tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết để thay đổi cuộc đời các em bằng mô hình đặc biệt này.
BS Dung cũng chính là người áp dụng âm ngữ trị liệu để điều trị thành công cho trẻ điếc bẩm sinh. Y học hiện đại đem đến cho những trẻ này cơ hội thoát khỏi các thiệt thòi của một người khuyết tật, nhưng để làm được cần 3 mảnh ghép. Trong đó, mảnh ghép trung tâm là cấy điện ốc tai, một kỹ thuật được BS Dung biến thành thường quy ở BV Tai Mũi Họng TP HCM những năm bà làm giám đốc. Kỹ thuật cao này giúp những em điếc bẩm sinh có thể nghe lại được như người bình thường.
Khoa Thanh học - Âm ngữ trị liệu đầu tiên của Việt Nam khánh thành năm 2002 tại BV Tai Mũi Họng TP HCM là mảnh ghép số 3, một giấc mơ nhen nhóm trong bà sau một lần tu nghiệp ở Pháp. Âm ngữ trị liệu giúp nhiều người bệnh tật, bị tai nạn làm ảnh hưởng khả năng nuốt, nói; trẻ tự kỷ, hở hàm ếch, rối loạn âm - lời nói; người sống tự ti nhiều năm vì giọng mái… tìm lại được cuộc sống bình thường.
Năm 2010, khóa đào tạo chuyên viên âm ngữ trị liệu đầu tiên được khai giảng ở Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM). Ngành học mới này càng được thúc đẩy trong những năm bà về làm hiệu trưởng ngôi trường này. Hiện nay, ngành học này đã hiện diện ở một số trường ĐH y khoa trên cả nước với bậc đại học và sau đại học.
Âm ngữ trị liệu còn có một nhiệm vụ quan trọng là hoàn tất chặng đường cấy điện ốc tai. Mới cấy thôi thì âm thanh của cuộc sống vào tai trẻ vẫn là thứ âm thanh vô nghĩa. Cần âm ngữ trị liệu để bù đắp khoảng trống câm lặng mà trẻ đã thua thiệt từ khi mới sinh, trẻ mới dần theo kịp chúng bạn và hòa nhập được.
Mảnh ghép thứ nhất còn thiếu là thính học. Đến tuổi hưu, bà rời cương vị hiệu trưởng nhưng vẫn đi tiếp chặng đường khoa học. "Với vai trò Chủ tịch Hội Y học TP HCM, tôi sẽ cố gắng hỗ trợ các hội thành viên phát triển những gì còn thiếu. Việt Nam chưa có cử nhân và kỹ thuật viên thính học, chưa có ngành đào tạo mà chỉ là một môn trong chương trình học của một số ngành khác. Như vậy chưa đủ" - bà tâm sự.
Những cái bắt tay xuyên biên giới
"PGS Nguyễn Thị Ngọc Dung có mối quan hệ quốc tế rất tốt" - đó là lời nhận định của PGS-TS-BS Phạm Đăng Diệu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đồng nghiệp cũ của bà.
Những năm BS Dung làm hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đồng nghiệp và sinh viên của trường liên tục chứng kiến bà tiếp đoàn nước ngoài, để rồi những kiến thức, kỹ thuật mới được đưa đến học viên, những ký kết hợp tác mới được thực hiện. Song song đó là những đồng nghiệp trẻ được khuyến khích ra nước ngoài học tập. Theo bà, đẩy mạnh quan hệ quốc tế chính là chìa khóa để nền y học nước nhà phát triển mạnh.
Những đóng góp trong quan hệ hợp tác quốc tế của vị nữ bác sĩ đáng kính được các đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao. GS-BS Imre Gerlinger - Trưởng Bộ môn Tai Mũi Họng Trường ĐH Y khoa Pécs (Hungary) - là người từng được BS Dung mời đến Việt Nam hợp tác huấn luyện kỹ năng phẫu thuật. Ông hoàn toàn bất ngờ khi được mời dạy ngay trên những xác hiến được bảo quản rất hiện đại. Ông đánh giá: "Tại nhiều trường y khoa trên thế giới, cơ hội thực hành trên thi hài người hiến vẫn còn thiếu, hầu hết phải làm trên các mô hình plastic mô phỏng. Thực hành trên một thi hài được bảo quản bằng kỹ thuật hiện đại nhất để tươi như người sống thế này quả là mơ ước của nhiều người học ngành y trên thế giới!".
Với trẻ điếc bẩm sinh, BS Dung được ví như "bà tiên" của âm thanh. Còn với giới chuyên môn, bà là người dành trọn đam mê, tài năng cho nghiên cứu khoa học, vì sự nghiệp y khoa nước nhà. "PGS Nguyễn Thị Ngọc Dung luôn là người tràn đầy năng lượng. Không những giỏi chuyên môn, nhạy bén, say mê nghiên cứu, bà còn là một lãnh đạo xuất sắc: không chỉ đứng đầu mà còn có khả năng tập hợp mọi người" - BS Phạm Đăng Diệu nói.
Mong mỏi trẻ khuyết tật có đời sống bình thường
Với quyết tâm tìm mảnh ghép còn lại trong điều trị cho trẻ điếc bẩm sinh, nữ Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thị Ngọc Dung chia sẻ: "Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có chương trình quốc gia nhằm sàng lọc sơ sinh về mặt thính học".
Theo BS Dung, hiện nay, nhiều trẻ điếc bẩm sinh đến khi 3-4 tuổi cha mẹ mới phát hiện. Trong khi đó, cấy điện ốc tai lúc 18 tháng so với lúc 3-4 tuổi rất khác nhau; cấy càng sớm thì việc âm ngữ trị liệu dễ dàng, hiệu quả hơn. "Nếu được sàng lọc sớm, cha mẹ và bác sĩ sẽ có thời gian cho những bước can thiệp từ khi chào đời và chuẩn bị cho ca phẫu thuật. Làm được những điều kể trên, trẻ sẽ sống đời bình thường, lớn lên lao động và đóng góp cho xã hội chứ không còn là một người khuyết tật, thiệt thòi và cần sự trợ giúp của xã hội nữa" - BS Dung bày tỏ.