ĐBQH đề nghị cần có quy định bảo vệ nhà giáo

Ngày 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

ĐB Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) phản ánh, trong bối cảnh hiện nay khi quyền của phụ huynh và học sinh đang được đề cao, dường như quyền của nhà giáo đang bị xem nhẹ, đặc biệt là quyền để bảo vệ nhân phẩm và danh dự của mình, cụ thể hơn là quyền bảo vệ nhân phẩm và danh dự trên không gian mạng.

Bà Hà đề nghị, quy định những việc tổ chức cá nhân không được làm đối với nhà giáo để nhấn mạnh và tạo hành lang pháp lý vững chắc, toàn diện, nhằm bảo vệ nhà giáo.

“Tổ chức, cá nhân không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo. Quy định này không vướng với các quy định về phát ngôn hay có bất cứ yếu tố nào để bênh vực nhà giáo mà thực chất sẽ bảo vệ hình ảnh nhà giáo. Quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo nhất là trong bối cảnh các mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh mẽ như hiện nay”-bà Hà nói.

Ông Thái Văn Thành phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Ông Thái Văn Thành phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An cho hay, về chế độ làm việc của nhà giáo do tính chất đặc thù trong lao động sư phạm của nhà giáo đòi hỏi phải có hành lang pháp lý đầy đủ về chế độ làm việc. Do đó cần quy định thời gian soạn bài, chấm bài của nhà giáo cần được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong năm, trong tuần.

Trong khi đó, ĐB Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) nêu rằng, quy định của dự thảo Luật chưa có tiêu chí cụ thể để thu hút người có trình độ cao, người có tài năng làm nhà giáo. Do đó, cần xây dựng chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính đặc biệt để đào tạo người có trình độ cao trở thành nhà giáo. Tăng mức phụ cấp thu hút lên gấp hai lần lương cơ bản đối nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn trong thời gian đầu.

ĐB Đỗ Huy Khánh (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, thực chất việc học thêm là một nhu cầu cần thiết của xã hội. Tuy nhiên, dư luận xã hội hiện nay đang có hai luồng dư luận: Một là cấm, hai là quản lý.

“Nhiều công nhân tăng ca buổi chiều không đón con được nên rất muốn gửi con của họ cho thầy cô giáo mang về nhà để quản lý và đến tận tối mới đón con về. Do đó, trong dự án Luật cần có cơ chế quản lý về việc dạy thêm, học thêm”-ông Khánh bày tỏ.

Theo ĐB Chamaleá Thị Thủy (Đoàn Ninh Thuận), cần nhìn nhận một cách thấu đáo về vấn đề dạy thêm, học thêm để quy định sao cho thật cụ thể và phù hợp. Bởi trong thực tế việc dạy thêm là nhu cầu có thật của giáo viên và của học sinh, nhất là ở các đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển, các cháu càng được gia đình đầu tư học tập và nhằm nâng cao hơn ngoài kiến thức cơ bản chúng ở lớp học.

“Nhu cầu tìm đến các thầy cô giáo giỏi để được học thêm là luôn có thật. Do đó, nếu như cho rằng việc tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên để giải quyết vấn đề học thêm thì vẫn còn chủ quan và chưa thật sự phù hợp với thực tế cuộc sống”-bà Thủy nói.

Ông Nguyễn Kim Sơn giải trình (Ảnh: Quang Vinh)

Ông Nguyễn Kim Sơn giải trình (Ảnh: Quang Vinh)

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói: “Chúng tôi có chủ trương không cấm dạy thêm, nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn, tức là cấm một số hành vi của giáo viên ép phải học thêm”.

Quang Vinh, Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dbqh-de-nghi-can-co-quy-dinh-bao-ve-nha-giao-10294867.html