Những 'báu vật' gắn với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (P1): Tấm bản đồ Bảo vật quốc gia
Giữa hàng ngàn hiện vật nhuốm màu thời gian đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, có một báu vật khiến ai đi qua cũng phải dừng lại chiêm ngưỡng, đó là tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong không gian trang nghiêm và lắng đọng của khu trưng bày hiện vật về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, có cả ngàn hiện vật gắn liền với gần 3 thập kỷ đấu tranh gian khổ của dân tộc, được gìn giữ cẩn trọng như những mảnh ký ức không thể phai mờ.
Lần tìm theo từng dấu mốc lịch sử: từ chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, đến chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, cho đến đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, mỗi người tới đây đều như được hòa mình vào giai đoạn khốc liệt - "30 năm đấu tranh giành trọn vẹn non sông".

Khu trưng bày hiện vật lịch sử giai đoạn 1954-1974 được đông đảo du khách quan tâm.
Câu chuyện của một Bảo vật quốc gia
Giữa hàng trăm những bức ảnh đen trắng, giữa cả ngàn hiện vật đã hoen gỉ màu thời gian, có một báu vật khiến ai ai đi qua cũng phải dừng lại chiêm ngưỡng, đó là tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là tấm bản đồ quân sự thông thường, mà đây là chính là hiện vật mang tầm vóc chiến lược, là kết tinh của trí tuệ, lòng quả cảm và khát vọng thống nhất đất nước của cả một dân tộc.
Có một vị trí riêng trang trọng, tấm bản đồ nằm lại ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam như một chứng tích sống động, gợi nhắc lại thời khắc cam go nhưng đầy quyết đoán khi Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lên kế hoạch cho trận đánh cuối cùng. Mà đó chính là trận đánh lịch sử đã khép lại cuộc chiến tranh xâm lược, mở ra kỷ nguyên độc lập, hòa bình cho dân tộc Việt Nam.

Sau Chiến thắng Tây Nguyên và đặc biệt sau Chiến thắng Huế - Đà Nẵng, tình hình chiến trường miền Nam thay đổi nhanh chóng theo hướng có lợi cho Quân Giải phóng. Trong tình thế khẩn trương, nắm bắt thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đã thực hiện bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh trong thời gian từ ngày 15-4 đến ngày 22-4-1975 tại Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh (đóng tại Tà Thiết, Lộc Ninh, Tây Ninh, nay thuộc tỉnh Bình Phước).
Bản đồ hình chữ nhật, can 12 mảnh, trên cùng có hàng chữ hoa "Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh" được viết nghiêm trang như một lời thề sắt đá.

Dòng chữ hoa "Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh".
Viết trong cuốn hồi ký "Đại thắng mùa Xuân", Đại tướng Văn Tiến Dũng bộc bạch: "Đánh vào Sài Gòn như thế nào cho nhanh, chắc thắng, làm sụp đổ cả chế độ phản động… Nhưng phải đánh vào Sài Gòn như thế nào để thành phố ít bị tàn phá nhất, giải phóng được mấy triệu đồng bào không dẫn tới chỗ làm cho đồng bào bị thiệt hại nhiều về tính mạng, mất mát nhiều tài sản và cuộc sống mau trở lại bình thường". Lời tâm huyết ấy của Đại tướng làm sáng lên tinh thần nhân văn, nhân đạo giữa trận chiến khốc liệt lúc bấy giờ.
Mỗi nét vẽ, mỗi mũi tên hiện lên trên tấm bản đồ đều là kết quả của quá trình cân nhắc, chỉnh lý và trao đổi kỹ lưỡng giữa Bộ chỉ huy Chiến dịch với Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị. Cho đến ngày 22/4/1975 – chỉ ba ngày trước khi chiến dịch bắt đầu, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Chiến dịch và đồng chí Phạm Hùng - Chính ủy Chiến dịch cùng ký lên bản đồ, chính thức phê duyệt kế hoạch cuối cùng.

Chữ ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Chiến dịch và đồng chí Phạm Hùng Chính ủy Chiến dịch.
Bản đồ "Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh" có thể hình dung như thế này: mũi vẽ màu đỏ trên đó thể hiện hướng tiến công của các quân, binh chủng, các đơn vị vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Hướng Bắc, Quân đoàn 1 có nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Phú Lợi, tiêu diệt sư đoàn 5 ngụy; tiếp đó đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy.
Hướng Đông Nam, Quân đoàn 2 có nhiệm vụ đánh chiếm Bà Rịa, căn cứ Nước Trong, Long Bình; chặn đường rút chạy của địch trên sông Lòng Tàu; sau đó phát triển vào nội thành cùng Quân đoàn 4 đánh chiếm Dinh Độc Lập.
Hướng Tây Bắc, Quân đoàn 3 có nhiệm vụ đánh chiếm Đồng Dù, tiêu diệt sư đoàn 25 ngụy; đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và cùng Quân đoàn 1 đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy.
Hướng Đông, Quân đoàn 4 có nhiệm vụ tiêu diệt sở chỉ huy Bộ tư lệnh quân đoàn 3 và Sư đoàn 18 ngụy ở Biên Hòa; sau đó thọc sâu vào nội thành đánh chiếm Dinh Độc Lập.
Hướng Tây Nam, Đoàn 232 có nhiệm vụ tiêu diệt sư đoàn 25 ngụy, cắt đường số 4, sau đó đánh thọc sâu chiếm Biệt khu Thủ đô ngụy, Tổng nha cảnh sát.
Ở vùng ven thành phố, các đơn vị đặc công và lực lượng vũ trang tại chỗ có nhiệm vụ đánh và giữ các cầu quan trọng; dẫn đường cho các binh chủng chủ lực đánh chiếm các mục tiêu ở nội thành, phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền cơ sở.

Bản đồ "Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh" với các hướng tiên quân thể hiện bằng mũi tên đỏ.
Sau đại thắng, tấm bản đồ được Đại tướng Văn Tiến Dũng lưu giữ từ năm 1975, cho đến năm 1990, Đại tướng đã trao tặng cho Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) vào đúng dịp kỷ niệm 15 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 01/10/2012, Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia và được trưng bày trang trọng, để lớp lớp con cháu luôn cảm nhận được hào khí của mùa Xuân năm đó.
Thực tế chiến trường khẳng định đây là một kế hoạch chiến đấu tuyệt vời, vừa giữ được thương vong tối thiểu của cả hai bên, vừa tránh hủy hoại một thành phố lớn từng được ví như "hòn ngọc Viễn Đông".
Lời nhắn gửi từ một tấm bản đồ
Nửa thế kỷ đã trôi qua, tấm bản đồ vẫn còn nguyên giá trị, mang theo hơi thở của mùa Xuân năm ấy, mang theo tiếng thì thầm của quá khứ và lời nhắn nhủ tới tương lai. Đây quả thực là một báu vật biết "kể" câu chuyện lịch sử, giúp hậu thế nhìn rõ linh hồn của cả một chiến dịch, thấy được ý chí hội tụ của bao trí tuệ và trái tim yêu nước.
Trên nền giấy cũ kỹ ấy, từng đường hành tiến công, từng ký hiệu tác chiến như còn rung lên sức sống của niềm tin, của khát vọng hòa bình, của lời thề độc lập. Chính điều đó đã gợi cho hậu thế vô vàn xúc cảm đặc biệt.
Lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy tấm bản đồ, hai bạn trẻ Trần Công Quốc Trung và Nguyễn Ngọc Anh (sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội) cảm thấy thực sự choáng ngợp. Niềm tự hào và cảm phục dâng trào, Quốc Trung chia sẻ: "Mặc dù em đã nghe kể về tấm bản đồ này từ rất lâu rồi, nhưng tới hôm nay mới được tận mắt nhìn ngắm một cách trọn vẹn. Khi theo dõi các hướng tiến công được vạch rõ trên bản đồ, em như đang sống trong khoảnh khắc lịch sử ấy. Từng nét vẽ, từng dòng chữ, từng ký hiệu đều như đang kể lại câu chuyện của mùa Xuân 1975".
Còn với Ngọc Anh, những gì em đọc trong sách, những thước phim em từng xem, giờ đây hiện ra thật sống động trên tấm bản đồ: "Em thực sự xúc động. Tấm bản đồ này quả là một báu vật vô giá. Chúng em không sống trong thời chiến, nhưng qua tấm bản đồ, đã phần nào hiểu được cái giá của độc lập, của tự do".

Các bạn trẻ đứng hồi lâu bên tấm bản đồ để nhìn ngắm Bảo vật quốc gia.
Theo một cách nào đó, tấm bản đồ chính là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại. Tình yêu nước giờ đây không phải là điều gì quá xa vời. Nếu ai đó đặt câu hỏi: "Làm thế nào để khơi dậy tình yêu nước giữa thời đại này?", thì có lẽ, hãy mời họ đến đứng lặng vài phút trước tấm bản đồ kỳ diêu. Và rồi hiểu ra rằng mạch nguồn yêu nước vẫn luôn âm thầm chảy trong tim mỗi chúng ta, nếu ta biết lắng nghe quá khứ và sống xứng đáng với những hi sinh xương máu của cha anh.
Thế nhưng, nếu tấm bản đồ tại Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của quyết tâm chiến lược cấp cao, thì trong một căn nhà lá đơn sơ của một người phụ nữ Nam Bộ lại có một tấm bản đồ khác – mộc mạc hơn, nhỏ bé hơn, nhưng cũng góp phần mở cánh cửa vào Sài Gòn những ngày tháng Tư lịch sử. Đó là tấm bản đồ vẽ tay của má Sáu Ngẫu…
Đón đọc phần 2: Chuyện tấm bản đồ vẽ tay của má Sáu Ngẫu.