Những bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế

Có 11 bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải tiêm vắc-xin; 10 bệnh phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm.

11 bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải sử dụng vắc-xin

Bộ Y tế vừa có thông tư ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.

Theo đó, Bộ Y tế quy định danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng bắt buộc phải sử dụng vắc-xin và lịch tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, cụ thể:

Bệnh viêm gan virus B: Tiêm vắc-xin viêm gan B đơn giá cho trẻ trong vòng 24 giờ sau khi sinh.

Tiêm vắc-xin phối hợp có chứa thành phần viêm gan B cho trẻ 3 lần. Tiêm lần 1 khi trẻ đủ 2 tháng tuổi. Tiêm lần 2: ít nhất 1 tháng sau lần 1. Tiêm lần 3 ít nhất 1 tháng sau lần 2.

Bệnh lao: Tiêm vắc-xin lao một lần cho trẻ trong vòng 1 tháng sau khi sinh.

Bệnh bạch hầu: Tiêm vắc-xin phối hợp có chứa thành phần bạch hầu cho trẻ. Tiêm lần 1 khi trẻ đủ 2 tháng tuổi. Tiêm lần 2 ít nhất 1 tháng sau lần 1. Tiêm lần 3 ít nhất 1 tháng sau lần 2 và tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại cho trẻ khi đủ 7 tuổi vắc-xin phối hợp có chứa thành phần bạch hầu giảm liều.

Bệnh ho gà: Tiêm lần 1 vắc-xin phối hợp có chứa thành phần ho gà khi trẻ đủ 2 tháng tuổi. Tiêm lần 2 ít nhất 1 tháng sau lần 1. Tiêm lần 3 ít nhất 1 tháng sau lần 2. Tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

11 bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải tiêm vắc-xin.

11 bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải tiêm vắc-xin.

Bệnh uốn ván: Tiêm vắc-xin phối hợp có chứa thành phần uốn ván cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến khi trẻ đủ 7 tuổi. Bao gồm 3 lần tiêm chính và 2 lần tiêm nhắc.

Tiêm vắc-xin có chứa thành phần uốn ván cho phụ nữ có thai: Đối với người chưa tiêm, chưa tiêm đủ 3 lần vắc-xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản, hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc-xin:

Tiêm lần 1 tiêm sớm khi có thai; tiêm lần 2 ít nhất 1 tháng sau lần 1; tiêm lần 3 khi kỳ có thai lần sau và ít nhất 6 tháng sau lần 2; tiêm lần 4 khi kỳ có thai lần sau và ít nhất 1 năm sau lần 3; tiêm lần 5 khi kỳ có thai lần sau và ít nhất 1 năm sau lần 4.

Đối với người đã tiêm đủ 3 lần vắc-xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản: Tiêm lần 1 tiêm sớm khi có thai; Tiêm lần 2 ít nhất 1 tháng sau lần 1; tiêm lần 3 khi kỳ có thai lần sau và ít nhất 1 năm sau lần 2.

Đối với người đã tiêm đủ 3 lần vắc-xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản và 1 liều nhắc lại: Tiêm lần 1 cần tiêm sớm khi có thai; tiêm lần 2 khi kỳ có thai lần sau và ít nhất 1 năm sau lần 1.

Đối với người đã tiêm đủ 3 lần vắc-xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản và 2 liều nhắc lại: Tiêm sớm 1 lần khi có thai.

Trong tất cả các tình huống, từ lần 2 trở lên tiêm trước ngày dự kiến sinh tối thiểu 2 tuần.

Bệnh bại liệt: Cho trẻ uống vắc-xin bại liệt, bắt đầu từ khi đủ 2 tháng tuổi. Tiêm vắc-xin bại liệt cho trẻ khi đủ 5 và 9 tháng tuổi.

Bệnh do Haemophilus influenzae týp b: Tiêm vắc-xin Haemophilus influenzae týp b đơn giá hoặc vắc-xin phối hợp có chứa thành phần Haemophilus influenzae týp b cho trẻ 3 lần.

Bệnh sởi: Tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi vắc-xin có chứa thành phần sởi.Tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi vắc-xin phối hợp có chứa thành phần sởi.

Bệnh viêm não Nhật Bản B: Chia làm 3 lần tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản B.

Bệnh rubella: Tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi vắc-xin phối hợp có chứa thành phần rubella.

Bệnh tiêu chảy do virus Rota: Cho trẻ uống vắc-xin Rota bắt đầu khi đủ 02 tháng tuổi.

Bộ Y tế lưu ý khoảng cách giữa các lần tiêm chủng mỗi một tháng được tính ít nhất là 28 ngày. Liều cơ bản là các liều tiêm trước khi đủ 1 tuổi.

Nếu chưa tiêm chủng đúng lịch hoặc chưa tiêm chủng đủ liều thì tiêm bù càng sớm càng tốt sau đó nhưng phải bảo đảm phù hợp với đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và nhà sản xuất.

Việc tiêm chủng chiến dịch hoặc tiêm chủng bổ sung được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong từng trường hợp cụ thể.

Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch

Về danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch, cụ thể:

Danh mục bệnh truyền nhiễm và vắc-xin, sinh phẩm y tế phải sử dụng bắt buộc.

Danh mục bệnh truyền nhiễm và vắc-xin, sinh phẩm y tế phải sử dụng bắt buộc.

Theo Bộ Y tế, việc xác định đối tượng phải sử dụng vắc-xin sinh phẩm y tế bắt buộc đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch thuộc danh mục quy định tại khoản 1 điều này do Sở Y tế trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định hoặc theo chỉ đạo của Bộ Y tế trên cơ sở tình hình dịch bệnh, điều kiện cung ứng vắc-xin, sinh phẩm y tế, nguồn lực của địa phương.

Về phạm vi sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, Bộ Y tế nêu rõ vắc-xin thuộc danh mục quy định được triển khai trên toàn quốc cho trẻ em, phụ nữ có thai trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Việc xác định phạm vi sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế phải sử dụng bắt buộc do Sở Y tế trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định hoặc theo chỉ đạo của Bộ Y tế trên cơ sở tình hình dịch bệnh, điều kiện cung ứng vắc-xin, sinh phẩm y tế, nguồn lực của địa phương.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2024, thay thế Thông tư số 38 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-benh-truyen-nhiem-bat-buoc-phai-su-dung-vac-xin-sinh-pham-y-te-a668492.html