Những bí ẩn đượm màu huyền thoại về cụ Rùa Hồ Gươm

Cụ Rùa Hồ Gươm được xem như 1 linh vật trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bởi thế những câu chuyện về cụ luôn tiềm ẩn nhiều huyền bí nhất.

Bước ra từ truyền thuyết, số phận cụ Rùa Hồ Gươm được dệt thêm những câu chuyện vừa hư, vừa thực. Có những điều giải thích được bằng khoa học, lại có những điều giờ đây vẫn là truyền thuyết. Có một điều lạ, những lần nổi của cụ Rùa Hồ Gươm, không ít người giật mình vì nó gắn với một sự kiện lịch sử, văn hóa quan trọng nào đó. Tuy nhiên, trong vô vàn bí ẩn xoay quanh cụ Rùa Hồ Gươm, câu hỏi 'Cụ Rùa bao nhiêu tuổi' vẫn được nhiều người quan tâm nhất.

Báo Vietnamnet đưa tin, đã từng có nhiều luồng thông tin không nhất quán về tuổi của cụ Rùa Hồ Gươm. Chiếm ưu thế nhất là ý kiến cho rằng Cụ Rùa 700 tuổi, nặng chừng 2 tạ. Tuy nhiên hồi tháng 4/2011, hội đồng chữa trị cho cụ Rùa Hồ Gươm đã tiến hành phân tích ADN và khẳng định, cụ Rùa Hồ Gươm là rùa cái và tuổi thọ có thể hơn 100 năm.

Nguyễn Dậu – một nhà văn vô gia cư từng hơn 10 năm kiếm sống bên Hồ Gươm từng viết trong tập truyện ký “Rùa Hồ Gươm” (xuất bản năm 1991) rằng trong hồ có tới 17 con rùa to. Ông cũng nói rõ: con to nhất sau này bị biến mất, hai con khác bị đánh trọng thương và chết.

Tuy nhiên Phó Giáo sư Hà Đình Đức – người dày công nghiên cứu về rùa Hồ Gươm luôn khẳng định là từng có 4 cụ Rùa và cụ Rùa mới qua đời vào ngày 19/1/2016 chính là cụ cuối cùng. 3 cụ còn lại trước đó thì hai cụ bị chết, tiêu bản một cụ trưng bày ở Đền Ngọc Sơn, còn bộ xương cụ kia hiện vẫn lưu giữ trong kho của Bảo tàng Hà Nội; một cụ khác bị mất năm 1967.

Phó Giáo sư Hà Đình Đức đã nhiều lần trực tiếp thăm khám và chữa bệnh cho cụ Rùa Hồ Gươm.

Phó Giáo sư Hà Đình Đức đã nhiều lần trực tiếp thăm khám và chữa bệnh cho cụ Rùa Hồ Gươm.

Bắt đầu nghiên cứu về cụ Rùa Hồ Gươm từ những năm 1991 đến nay, Phó Giáo sư Hà Đình Đức đã nhiều lần trực tiếp thăm khám và chữa bệnh cho cụ Rùa. Có lẽ không một ai ở Hà Nội lại có điều kiện tiếp xúc nhiều với cụ Rùa như ông. Có lẽ vì thế, mà giữa “nhà rùa học” với cụ Rùa Hồ Gươm lại có một sự giao tiếp thân thiện đến khó tin.

Ông cho biết, mỗi lần khi ra Tháp Rùa hay chèo thuyền trên Hồ Gươm để tìm hiểu, nghiên cứu về thủy văn của Hồ Gươm thì cụ Rùa lại nổi lên như chào đón ông. Có những lúc cụ bơi theo thuyền và bơi rất điệu như cổ vũ khi ông ngồi trên thuyền.

Cũng theo Phó Giáo Hà Đình Đức, cụ Rùa hồ Hoàn Kiếm có linh cảm rất đặc biệt, dường như cụ đoán biết hết thảy mọi việc có liên quan đến bản thân cụ. Theo đó, ngày 26/12/1991, khi Phó Giáo sư Hà Đình Đức được Đài Truyền hình Hà Nội mời ghi hình bài nói chuyện về bảo vệ rùa Hồ Gươm. Đúng 10h sáng hôm đó, cụ Rùa nổi lên và bài phát biểu tối hôm đó của ông đã được phát lên cùng với cảnh quay minh họa cụ nổi một cách sống động.

Nhiều lần cụ Rùa Hồ Gươm nổi trùng hợp với những sự kiện trọng đại của dân tộc.

Nhiều lần cụ Rùa Hồ Gươm nổi trùng hợp với những sự kiện trọng đại của dân tộc.

Ngày 10/3/1992, Sở Giao thông công chính Hà Nội tổ chức cuộc họp bàn phê duyệt phương án nạo vét hồ Hoàn Kiếm tại 14 Phan Đình Phùng. Đúng sáng sớm hôm đó, cụ Rùa hồ Hoàn Kiếm lại nổi và các đại biểu đã được xem những bức ảnh ngay trước giờ khai mạc. Đúng một năm sau, ngày 10/3/1993, tại cuộc họp bàn phê duyệt phương án, cụ Rùa lại nổi lên lần nữa.

Một sự kiện gây xúc động cả nước, đó là vào 0h00 ngày 1/1/2000, khi hàng vạn người dân thủ đô tụ tập quanh Hồ Gươm để cùng thế giới đón chào thiên niên kỷ mới, đúng lúc pháo hoa bắt đầu bắn thì cụ Rùa Hồ Gươm liên tục nổi lên mặt nước. Trong hoàn cảnh đó, không ít người đã rơi nước mắt, theo thông tin từ báo Tiền Phong.

Rõ ràng, huyền thoại về Hồ Gươm vừa hư vừa thực tồn tại suốt hàng ngàn năm qua. Có lẽ, dù thế nào trong tâm khảm người Việt Nam, Hồ Gươm mãi mãi thiêng liêng nhờ vào truyền thuyết gươm thần và cụ Rùa Hồ Gươm mãi là biểu tượng sống động của truyền thuyết ấy.

Theo Hòa Lê/VietQ

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/nhung-bi-an-duom-mau-huyen-thoai-ve-cu-rua-ho-guom/20210128095102833