Những bí ẩn khó tin về 'ngôi làng phù thủy hô mưa gọi gió' ở Thái Bình
Hiện giờ, người làng vẫn còn lưu truyền các phép thuật lạ kỳ như ẩn hình, hô mưa gọi gió...
Dư luận nói chung cứ nghe thấy hai chữ “phù thủy” là lắc đầu lè lưỡi hoặc tìm cách lảng xa. Vì hai tiếng ấy thường mang gợi đến điều gì đó ghê gớm, ma quái, dị thường. Thế nhưng, người dân xã Song Lãng dường như lại tự hào khi được coi là ngôi làng phù thủy duy nhất ở miền Bắc, cũng có thể là duy nhất trong cả nước. Việc luyện âm binh, ma tướng hay bùa chú được thực hiện rầm rộ trong thời gian dài. Hiện giờ, người làng vẫn còn lưu truyền các phép thuật lạ kỳ như ẩn hình, hô mưa gọi gió...
Câu chuyện của ông sư cả
Anh Phạm Văn Giang (cán bộ văn hóa xã Song Lãng, Vũ Thư, Thái Bình) dẫn chúng tôi đến gặp ông cụ Liễn để tìm hiểu về “văn hóa của địa phương”, tức là thuật phù thủy. Cả cuộc đời gần 70 tuổi của mình, có lẽ ông Liễn đã tắm mình trong thuật phù thủy và bùa chú.
Hiện giờ, ông Liễn đang giữ vị trí sư cả trong hội Thọ Đàn gồm 7 vị cao niên đức độ được phân công để thực hiện các nghi thức bí truyền. Tiếp xúc và trò chuyện với vị sư cả này, phóng viên dường như được vén một bức màn đen kịt mịt mùng để nhìn sâu hơn vào thế giới đầy những điều bí mật của giới phù thủy.
Ông Liễn hói quá nửa đầu, phần tóc lơ thơ còn lại được trải ngược về phía sau. Hàm răng xỉn màu do chè thuốc, con mắt nhìn như thể xoáy sâu vào nội tâm người đối diện. Đặc biệt, giọng nói của ông khào khào, âm thanh phát ra qua kẽ răng khiến tiếng của ông lúc nào cũng giống như tiếng người ta đọc bùa chú trầm thấp.
Ông kể nhiều về vùng đất Song Lãng, nơi Thánh tổ Đỗ Đô đã khai sinh nên phái phù thủy Hoàng Giang khoảng 1000 năm trước. Ông cũng nói rằng thuật phù thủy không có gì xấu, sư tổ truyền lại các phép sát phỉ, sát lỉ, sát sa chủ yếu là để trị bệnh, trị thủy, cầu an, cầu mưa…
Vị sư cả cho biết: “Ví dụ như bùa xua đuổi chuột thì lấy cây hoắc hương đốt ở bốn góc ruộng. Trở về nhà lấy một chiếc đũa con, đến chỗ góc ruộng bẻ chiếc đũa làm đôi, xếp hình chữ thập, dùng chân dẫm lên chữ thập đó. Đem hai đoạn đũa này đến góc ruộng khác và làm như vậy, khi làm phải đọc thần chú thì chuột sẽ không dám đến. Hoặc, một phép nổi tiếng là phép ẩn hình.
Theo đó, khoảng canh ba đêm mùng một Tết Nguyên Đán, người luyện lấy một nắm đậu đen, hướng về sao Bắc Đẩu đọc thần chú 49 lần và không quên rèn luyện thêm trong các tháng. Luyện xong, dùng hạt đậu nấu chín phơi khô, khi gặp nguy nan có thể ngậm hạt đậu vào miệng, đọc thần chú sẽ được thoát nạn vì lúc đó không ai có thể nhìn thấy hình hài của người làm phép nữa”.
Thần chú chủ yếu bằng tiếng Phạn, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Ngoài phù và chú, để thực hiện nghi thức tâm linh, còn phải sử dụng đến các kiểu bắt quyết khác nhau. Ông cụ Liễn biểu diễn cho phóng viên xem các loại kết quyết bằng hai bàn tay hoặc hai bàn chân và giảng giải: “Ngoài các quyết của Phật giáo, các thầy phù thủy ở Song Lãng còn sử dụng đến các quyết của Thái Thượng lão quân. Các quyết này có giá trị như một lệnh mạnh mẽ để phù và chú được thực hiện. Có khi các thầy còn thờ cả tướng trời như… Triệu Công Minh, Tề Thiên Đại Thánh, Na Tra… để gia tăng sức mạnh của bùa chú”.
Phép luyện âm binh và hậu quả đáng sợ
Lân la dò hỏi mãi, ông cụ Liễn cũng bật mí rằng trước đây, các thầy phù thủy ở Song Lãng cũng từng đua nhau nuôi âm binh để phục vụ cho hoạt động “nghề nghiệp”. Theo đó, đối với những vị thầy xưa, âm binh là phương tiện nhanh chóng và đắc lực nhất để thực hiện công việc. Âm binh làm việc theo lệnh của thầy, giúp đỡ, phá phách người dương và chống cả người âm.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, binh được cúng lễ đàng hoàng như lính được tướng khao thưởng ngày xưa. Lễ vật cúng binh từ đơn giản là muối gạo, bỏng nổ, cháo hoa cho đến long trọng với đủ thịt, cá, trái cây, rau quả… Ông Liễn kể: “Có thời, các thầy đua nhau nuôi âm binh. Muốn luyện âm binh phải đi tìm những nơi nghĩa địa, chiến trường xưa, vùng đất từng bị ôn dịch chết nhiều… nơi đó mới có nhiều vong lang thang, dễ cho thầy chiêu mộ. Binh gia có rất nhiều loại.
Tùy theo khả năng tu luyện và phương tiện sử dụng mà thầy chiêu mộ loại âm binh nào. Phổ biến nhất vẫn là binh Đại càn, binh chiến sĩ, binh ngũ hổ… ghê gớm hơn thì có binh rừng, binh tà A-rặc… Mỗi loại binh có câu chú luyện riêng”.
Được biết, các thầy dùng âm binh vào rất nhiều việc khác nhau. Trong chữa trị bệnh tà ma, âm binh giúp thầy bắt tà, khảo tà, có khi thầy nhập âm binh vào xác bệnh nhân để đánh nhau với con tà bên trong xác. Vậy là thể xác thành chiến trường. Người bệnh gào thét không dứt… Nhà cửa bất ổn, buôn bán ế ẩm, thầy cho âm binh đến giữ nhà, kêu gọi khách giúp chủ nhà buôn may bán đắt.
Ngày xưa, âm binh được thầy luyện tài đến mức có thể dời nhà cửa, tát ruộng, phơi lúa… làm nhiêu việc như người sống. Người dân tại xã Song Lãng thậm chí còn truyền tai nhau rằng, khi có “chiến sự”, âm binh được trục liên tục để bảo vệ thầy, đánh kẻ khắc đạo, làm thám thính. Có những trận trời long đất lở, âm binh hai thầy đánh nhau trong đêm, người trong vùng nghe như bão tố mưa dông, tiếng la hét, gươm giáo khua loảng xoảng, thoảng trong gió có cả mùi tanh hôi.
Mặc dù sử dụng âm binh có nhiều tác dụng to lớn trong việc thi pháp phù thủy, tuy nhiên các thầy cũng rất cân nhắc và hạn chế dùng phép này. Ông cụ Liễn nhấn mạnh: “Tu luyện binh gia là đang sử dụng con dao hai lưỡi không biết lúc nào bị đứt tay. Thông thường, sau khi sử dụng một thời gian, các thầy làm phép cầu siêu cho chư vị để họ đi đầu thai hoặc về cõi khác tốt hơn.
Các thầy lạm dụng âm binh nhiều, đến một ngày nào đó không còn đủ sức điều khiển hoặc đã hết thời, âm binh quay lại vật chết hoặc hành xác điên khùng, muốn sống chẳng được, muốn chết không xong”.
Ông Liễn nhớ rất rõ một trường hợp cụ thể đã bị âm binh cắn trả: “Ông H. là thầy nổi tiếng cao tay. Trong các thầy thời bấy giờ, ông ấy được đánh giá là xuất sắc đấy. Ông H. nuôi âm binh rất nhiều, thường tổ chức khao quân lớn sau mỗi “trận đánh”, cả làng đều biết. Thế nhưng, ông ấy không giữ được giới luật, lại lạm dụng âm binh quá nhiều.
Có khi còn sai khiến âm binh đi phá làng phá xóm và tạo ra mâu thuẫn hiềm khích giữa các thầy. Vì thế, ông ấy bị quan tướng “vật” ngay ở gốc đa đầu làng. Giữa ban ngày, ông H. bị “đẩy” ngã vật vào gốc đa, máu chảy lênh láng, mắt trắng dã, miệng la oai oái. Đưa về nhà, ông ấy cứ vật lên vật xuống.
Người nhà bảo đưa đi bệnh viện, nhưng ông ấy nhất định không chịu đi. Vài hôm sau, ông ấy chết. Sau đấy, các thầy khiếp quá nên giải tán dần âm binh quan tướng. Đến giờ này, chỉ còn vài thầy dám nuôi âm binh, nhưng cũng chỉ sử dụng vào mục đích tốt đẹp mà thôi”.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường (Viện Tôn giáo, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội) cho rằng: “Với việc yểm bùa âm binh, nếu như chúng ta dùng vào mục đích tốt và trong sáng như chấn trạch nhà cửa, bốc bát hương… thì đấy là điều tốt. Tuy nhiên, tôi muốn khuyến cáo là việc trấn yểm trùng tang là không nên bởi như thế sẽ nảy sinh nhiều điều không tốt cho chính gia chủ cũng như thầy pháp. Nếu việc yểm bùa âm binh dùng vào mục đích vật chất, lợi dụng cho những điều xấu thì chính những thầy pháp sẽ trở thành nạn nhân. Tôi cũng biết một anh bạn – một thầy pháp trẻ nhưng rất giỏi. Trong những lần anh ấy làm việc yểm bùa âm binh, anh ấy đã phạm vào một số điều cấm kỵ nên anh ấy đã gặp phải tai nạn giao thông. Điều tôi muốn nhấn mạnh là dù có hay không chuyện yểm bùa âm binh thì việc mình sống có nhân cách, tu tâm, dưỡng tính sẽ tự khắc tạo phúc, tạo sự bình an trong chính tâm hồn bạn và gia đình bạn”.