Những bí mật bên trong một chiếc máy bay tại Nội Bài

Khi xem những người thợ ở VAECO (Nội Bài, Hà Nội) tháo tung các bộ phận của máy bay để bảo dưỡng, sửa chữa, nhiều điều còn ít người biết được hé lộ.

Xưởng hangar lớn tại Nội Bài của Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay (VAECO). Nơi đây không chỉ chuyên bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu máy bay cho Vietnam Airlines mà còn cho nhiều hãng như Korean Air, Japan Airlines, Singapore Airlines, Bamboo Airways, VietJet Air...

VAECO có trang bị đầy đủ thiết bị MRO, kiểm tra NDT, hệ thống test máy tính máy bay, xưởng động cơ... đội ngũ kỹ thuật viên hàng không đạt chuẩn EASA, cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho các hãng hàng không trong khu vực. Nhiều kỹ sư đã đạt chứng chỉ EASA Part-66, cho phép làm việc quốc tế.

Các loại máy bay như Airbus A320, A321 (CEO & NEO), A330, A350, Boeing B787, ATR72... đều thường xuyên "chui" vào xưởng để đội ngũ kỹ thuật viên tháo tung các bộ phận, xử lý.

Trong ảnh, kỹ thuật đang bảo dưỡng thay động cơ cho một chiếc Airbus A321. Công việc của các anh là kiểm tra rò rỉ dầu, nhiên liệu; đo các thông số hoạt động (nhiệt độ, áp suất, rung động) và làm sạch quạt gió.

Anh Nguyễn Văn Tâm, nhân viên kỹ thuật cho biết, một lá cánh quạt này khi thay thế có giá hơn 100 triệu đồng. Như vậy với 20 cánh một bên, tổng chi phí đã lên tới hơn 2 tỷ đồng.

Tần suất bảo dưỡng với một chiếc máy bay là hàng ngày hoặc theo giờ bay, thậm chí 6–12 tháng/lần. Ngoài ra còn có cách tính theo chu kỳ hoặc cứ mỗi 5.000–20.000 giờ bay, tùy loại động cơ.

Công nhân tại xưởng mỗi nhóm thao tác một bộ phận để bảo dưỡng sửa chữa, sử dụng borescope (camera nội soi) để kiểm tra bên trong và thay thế các bộ phận hao mòn như cảm biến, bộ lọc, bugi đánh lửa (nếu có).

Trong ảnh, công nhân đang lắp slat của tàu Airbus A350. Slat là cánh tà trước nằm ở dẫn đầu cánh chính (leading edge). Nó có chức năng giúp tăng lực nâng khi cất cánh/hạ cánh bằng cách điều chỉnh luồng không khí qua cánh.

A350 sử dụng nhiều vật liệu composite, nên công nhân phải dùng loại dụng cụ để không gây xước cho thân.

Mỗi một tàu có dung tích khoang hàng khác nhau. Nếu như Airbus A321 có diện tích khoảng 51-59m³, khối lượng từ 4-5,5 tấn (bao gồm hành lý ký gửi, hàng hóa, bưu phẩm)thì A350 rộng khoảng 150-170m³, khối lượng tối đa từ 25-30 tấn (phụ thuộc cấu hình và tải trọng còn lại sau khi chở hành khách, nhiên liệu). Còn Boeing 787 có dung tích khoang hàng khoảng 140-160m³, khối lượng chứa được từ 20-25 tấn.

Một chiếc máy bay thân rộng A350 có tải trọng tối đa khoảng 68 tấn, nếu đã dành 38-40 tấn cho hành khách và hành lý thì chỉ còn khoảng 25-30 tấn cho hàng hóa. Trong ảnh, khóa container để hành lý. Trong quá trình bay, nhờ chiếc khóa này mà hệ thống hành lý được giữ chặt một chỗ.

Hệ thống toilet trên máy bay hiện đại (như Airbus A350, A321, Boeing 787...) sử dụng công nghệ chân không (vacuum system) để xử lý chất thải. Đây là một hệ thống khép kín, an toàn và không xả thải ra ngoài trong chuyến bay. Khi máy bay hạ cánh, nhân viên mặt đất sẽ nối ống hút chuyên dụng vào cửa thoát chất thải bên ngoài máy bay. Chất thải được hút vào xe hút chuyên dụng, mang đến nơi xử lý theo quy định môi trường. Sau đó, bể chứa được rửa sạch và đổ đầy dung dịch khử mùi mới. Được biết dung tích bể chứa nước trên một tàu bay từ 200-1.500 lít (tùy máy bay).

Không chỉ bảo dưỡng, sửa chữa động cơ, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu máy bay còn làm các công việc về nội thất. Việc bảo dưỡng và sửa chữa ghế máy bay là một phần quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn, tiện nghi và đúng quy định hàng không.

Ghế máy bay có nhiều loại: Economy class: cơ bản, có bàn ăn gập, gối đầu, dây an toàn; Business có thể ngả phẳng, tích hợp màn hình, sạc, động cơ chỉnh điện...

Tại đây, các công nhân tháo đệm ghế để giặt hoặc thay mới; dùng hóa chất chuyên dụng không ăn mòn hoặc cháy; làm sạch bảng điều khiển giải trí, khử trùng tay vịn.

Không chỉ bảo dưỡng ghế hành khách, ghế của phi công cũng phải thường xuyên được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ. Trong ảnh, ghế của một chiếc máy bay Airbus A321 sản xuất từ năm 1999 vẫn đang được sử dụng tốt.

Đơn vị này đang triển khai kế hoạch phát triển thành trung tâm bảo dưỡng máy bay cấp khu vực (ASEAN).

Nam Khánh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-bi-mat-ben-trong-may-bay-o-xuong-bao-duong-tai-noi-bai-2394273.html