Những biểu hiện của bệnh viêm gan 'bí ẩn'
Sở Y tế vừa có văn bản gửi các cơ sở y tế trong tỉnh, các đơn vị trực thuộc đề nghị tăng cường giám sát các trường hợp viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân. Qua đó kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong.
Theo đó, những biểu hiện ban đầu của bệnh viêm gan cấp cần chú ý gồm: đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt; hầu hết các bệnh nhân không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính như virus viêm gan A, B, C, D, E; các trường hợp mắc bệnh xảy ra tại những nơi lưu hành cao virus Adeno.
Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao năng lực trong công tác khám sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus viêm gan để điều trị, quản lý kịp thời, hạn chế biến chứng. Thực hiện tốt các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế trong việc dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân viêm gan virus. Chủ động thông báo các trường hợp bất thường, nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân; phối hợp với các đơn vị y tế dự phòng các cấp trên địa bàn tổ chức lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế các địa phương theo dõi chặt chẽ, điều tra dịch tễ và báo cáo các trường hợp viêm gan cấp tỉnh không rõ nguyên nhân trên địa bàn cho tuyến trên theo quy định. Chủ trì, phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường lấy mẫu bệnh phẩm, bao gồm máu toàn phần và huyết thanh, ngoáy họng, phân hoặc ngoáy trực tràng, nước tiểu, mô sinh thiết gan nếu có chỉ định đối với các trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân.
Tăng cường triển khai việc bao phủ vaccine viêm gan B cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng nhằm đạt tỷ lệ theo kế hoạch, đảm bảo an toàn tiêm chủng, đặc biệt với trẻ sơ sinh và các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng vaccine viêm gan B thấp.
Người dân trên địa bàn tỉnh nếu có các biểu hiện của bệnh viêm gan cấp tính cần khẩn trương đến các cơ sở y tế để được thăm khám, hướng dẫn điều trị.