Những bình yên bên hiên nhà
Ngày mùa đông thảnh thơi ngồi bên bếp lửa hồng, thong dong ngắm nhìn mưa bay và gió lạnh chầm chậm dừng chân bên thềm nhà. Chỉ có sự an yên tràn trong chái bếp nhỏ. Bữa cơm thanh lành giữa chiều bình dị đầy tiếng chim lích chích trong khu vườn xanh bóng lá. Những bức tranh yên ấm ấy, luôn trở đi trở lại trong tập thơ, tản văn 'Tiếng mưa' (NXB Dân Trí, 2023) của Lê Bích Nguyệt như nỗi khát khao về một nhịp sống đầy tự tại bên cây cỏ, hoa lá, để năm tháng cứ thế bình lặng đi qua hết dâu bể cuộc đời.
Tác giả Lê Bích Nguyệt (bút danh là Mưa) sinh năm 1991, quê ở xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trước tập thơ, tản văn “Tiếng mưa” vừa được NXB Dân Trí ấn hành đầu năm nay, chị còn có tập thơ “Chúng mình về dưới hiên nhà đợi trăng” (NXB Đại học Huế) ra mắt bạn đọc năm 2020 và nhiều đầu sách in chung như: “Mong em một đời bình yên” (thơ, tản văn, NXB Phụ nữ, 2022); “Ở đây có bán tình yêu” (thơ, tản văn, NXB Hội nhà văn, 2021)… Bích Nguyệt cũng có thơ đăng ở các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh.
Sinh ra và lớn lên ở làng quê An Hà phía thượng nguồn sông Truồi, nhà kề vai vào lưng núi, dõi mắt là thấy màu xanh ngút ngàn của cây và rừng trải dài tít tắp. Xa xa là hồ Truồi xanh thẳm bốn mùa ăp ắp nước. Sống gần gũi cùng thiên nhiên, lúc nào cũng kề cận bên cỏ cây hoa lá nên hồn thơ của Bích Nguyệt cũng hồn nhiên, nhẹ nhàng như tiếng gió lướt qua hiên nhà, là tiếng gà chiêm chiếp quẩn quanh hè lúc chiều hôm hay tiếng chim véo ríu ran bậu cửa ngày nắng mới.
Thơ chị không có nhiều triết lý hay những thẳm sâu trăn trở về phận người, chỉ có sự suy tư nhẹ nhàng, những cảm nghiệm trong veo về cuộc sống. Cái hồn thơ ấy tuy khoan thai, điềm đạm nhưng lại luôn mang theo một nỗi buồn man mác khiến người ta dễ nghĩ đến sau những câu chữ ấy là một trái tim đầy mẫn cảm giữa đời, một trái tim khao khát yêu và được yêu. Và sau tất cả, sau những hội ngộ, chia ly, đổ vỡ; sau những nỗi niềm rời xa quê xứ, nỗi cô đơn côi cút giữa chốn thị thành là mong ước được sống những tháng ngày an yên bình dị nơi quê nghèo.
Nguyệt có những năm tháng rời xa quê nhà, vào thành phố Hồ Chí Minh sống và làm việc, nhưng rồi cái nhộn nhịp, ồn ào của phố thị có vẻ không phù hợp với chị cùng nỗi nhớ quê, nhớ nhà da diết, nên chị lại trở về căn nhà nhỏ của mình nơi xóm Mít. Cuộc sống trôi qua bình lặng an ổn. Nguyệt nói “Nơi mình ở, đôi khi không nghe cả tiếng người, yên tĩnh quá, đôi khi cũng thoang thoảng buồn”. Có lẽ vậy mà thơ chị luôn mang hơi thở của nỗi buồn dìu dịu, mang mang tựa như sợi khói mỏng vút lên nơi chái bếp nhà ai lúc chiều xuống.
Ở tập thơ “Tiếng mưa” của Bích Nguyệt, người đọc thường bắt gặp những lời tâm tình rất đỗi dịu dàng. Bước chân rong ruổi khắp xứ cũng đến ngày mệt nhoài, chỉ muốn lặng yên về bên mái nhà ấu thơ, úp mặt vào lòng mẹ để hít hà hương quê ngọt dịu, sống lại những tháng ngày an yên, bình dị “Con đi qua mấy cuộc bể dâu/ Bỗng thèm nghe một tiếng chim vang trong khu vườn cũ/ Thèm nằm trong ngôi nhà bé thơ lặng yên giấc ngủ/ Đàn gà mái mơ cục tác sau hè/ Hương hoa khế và cả tiếng ve/ Ba vác cuốc lên nương một buổi chiều sương xuống/ Mẹ nhóm bếp lửa nấu bữa cơm canh rau muống/ Con mèo mướp lim dim nằm dưới chân bàn (Lối về nhà mẹ).
Đọc thơ của chị, người đọc như nghe thấy một dòng nước mát lành cứ nhè nhẹ thấm vào tâm khảm một cách dịu dàng. Thơ chị mở ra một cuộc sống của vùng quê yên bình, nếp sinh hoạt dung dị dưới mái nhà đơn sơ. “Một tách trà thơm một bếp hồng”, mình ngồi bên nhau tỉ tê những vui buồn cuộc sống, có khi chỉ là ngồi ngắm mưa bay, hay nhìn mây xám về qua núi. Chỉ vậy thôi mà thấy đời an yên qua đỗi.