Những 'blouse trắng' đón giao thừa trong bệnh viện

Tết đến là dịp mọi người trong gia đình quây quần bên nhau để chào đón năm mới. Nhưng đối với những y, bác sĩ trực Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang đành phải gác lại niềm vui riêng vì công việc cứu người, chăm lo sức khỏe nhân dân trong dịp tết đến, xuân về.

Ngày 30 tết, những y, bác sĩ Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang vẫn làm việc bình thường. Trong khi mọi người sum họp bên gia đình thì các y, bác sĩ trong phòng cấp cứu, hồi sức hối hả giành giật sự sống cho bệnh nhân. Đêm giao thừa, lượng bệnh nhân tăng đột biến, nhiều lúc, các y, bác sĩ phải căng mình làm việc.

Các y, bác sĩ Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang nghiên cứu hồ sơ bệnh án.

Các y, bác sĩ Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang nghiên cứu hồ sơ bệnh án.

Bác sĩ Tô Văn Đà - Trưởng ca trực Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang chia sẻ: “Năm nay, tôi trực vào ngày 30 tết. 10 năm công tác gần như năm nào tôi cũng trực ngay đêm giao thừa. Khi ấy, số lượng bệnh nhân tăng gấp 2-3 lần, chủ yếu là các ca đa chấn thương vì tai nạn giao thông, ẩu đả và hầu hết đều xuất phát từ bia, rượu. Mọi năm, chỉ tính riêng đêm giao thừa, có tới 150 ca tai nạn giao thông”.

Bác sĩ Tô Văn Đà - Trưởng ca trực Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang khám cho bệnh nhân.

Với mong muốn được chia sẻ công việc với đồng nghiệp và phục vụ người bệnh tốt hơn nên các y, bác sĩ thay phiên trực vào ngày 30 tết hoặc mùng 1 tết. Các bệnh nhân điều trị trong dịp tết thường là những bệnh nhân nặng nên các y, bác sĩ không chỉ chăm sóc chu đáo mà còn chia sẻ khó khăn, động viên người bệnh để họ vơi đi nỗi đau bệnh tật, yên tâm điều trị trong những ngày tết.

Gần 9 năm gắn với với nghề, điều dưỡng Đặng Minh Châu - Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang chia sẻ: “Trong đêm giao thừa càng phải căng mình làm việc vì có thể bệnh nhân sẽ tăng lên. Có năm tập trung cao độ trong công việc thì đã qua thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Tôi chỉ mong ngày tết người dân đi xe cẩn thận và hạn chế tối đa các tai nạn. Nhiều khi cũng tủi thân bởi không được cùng chồng, con sum vầy bên nhau trong thời khắc thiêng liêng của năm mới. Nhưng làm nhiều thành quen, việc làm thật ý nghĩa và gia đình cũng chia sẻ, cảm thông, đó là động lực để tôi hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình”.

Điều dưỡng Nguyễn Ngọc Thúy Vy trực tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.

Là năm đầu tiên xung phong trực tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, điều dưỡng Nguyễn Ngọc Thúy Vy đã chuẩn bị tinh thần, trang bị các kỹ năng để có thể làm tốt nhiệm vụ được giao. “Những năm trước, tôi đều đón giao thừa cùng cha mẹ và anh chị trong nhà khi còn đi học. Năm nay đã đi làm nhưng vì chưa có gia đình nên tôi đăng ký trực thay những đồng nghiệp ở xa để họ về nhà”.

Bác sĩ Lê Thị Phương Mai - Phó Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết có 2 ca trực vào trong ngày 30 tết, ca ngày và ca đêm, đặc biệt bệnh viện tăng cường số bác sĩ và điều dưỡng để kịp thời tiếp ứng, có khoảng 4 bác sĩ và 12 điều dưỡng. Có những ca trực hầu như thức trắng đêm, dồn hết mọi lực lượng và cố gắng hết khả năng để cứu sống bệnh nhân.

Với các y, bác sĩ, việc trực tết, chuyện đón giao thừa tại bệnh viện không còn xa lạ. Dẫu nhớ người thân và chịu nhiều áp lực, nhưng họ vẫn vui vẻ làm việc. Khi cứu được những bệnh nhân qua cơn nguy kịch thì đó chính là niềm vui, hạnh phúc trọn vẹn trong những ngày trực tết của y, bác sĩ. Sự hy sinh thầm lặng của các “chiến sĩ áo trắng” đã làm vơi bớt khó khăn cho bệnh nhân trong những ngày tết đến, xuân về.

Bài và ảnh: LINH NHI

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//y-te/nhung-blouse-trang-don-giao-thua-trong-benh-vien-12471.html