'Những bông hoa' của thời hoa lửa
Đi qua chiến tranh, khi đã dốc hết sức trẻ của tuổi 18, đôi mươi – một thời thanh xuân tươi đẹp nhất cho Tổ quốc, trở về cuộc sống thời bình những nữ thanh niên xung phong (TNXP) bước ra từ lửa đạn không chỉ mang trong mình nỗi đau về thể xác mà còn chịu nhiều thiệt thòi về tinh thần, nhiều người trong số họ dù đã quá nửa đời người vẫn chưa tìm được mảnh ghép hạnh phúc, có những người phải xin con nuôi để mong có chỗ nương tựa lúc về già, có người tưởng như đã yên bề gia thất thì 'giữa đường đứt gánh', số đông lại chọn sống cô đơn một mình...
Những cựu nữ TNXP mỗi ghi có dịp gặp lại đều ôn lại kỉ niệm xưa và vui vẻ chia sẻ với nhau về cuộc sống.
Một thời hoa lửa!
Trong công cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Phú Thọ có hơn 13 nghìn nam, nữ thanh niên tham gia các đơn vị TNXP, những thanh niên ngày ấy đã hăng hái viết đơn tình nguyện lên đường, thậm chí có những lá đơn được viết, được ký bằng máu với lòng yêu nước, lý tưởng cao đẹp quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và lập nên những chiến công huyền thoại.
Tháng 7/1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt, yêu cầu chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến đòi hỏi khẩn trương, cấp bách, để tạo điều kiện thuận lợi cho quân tình nguyện Việt Nam và quân đội Pa Thét Lào mở các chiến dịch tấn công vào sào huyệt quân Mỹ. Trung ương Đảng và Chính phủ giao cho Trung ương ĐTN thành lập các đội TNXP chống Mỹ cứu nước. Bà Nguyễn Thị Điểm (phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì) khi đó tròn 18 tuổi đã tình nguyện viết đơn xung phong tham gia phục vụ chiến đấu. Bà Điểm được phân công vào Đội TNXP 253, thuộc Tổng đội TNXP 572 được giao nhiệm vụ phục vụ vận tải trên tuyến 217B từ cửa khẩu Na Mèo tới Sầm Nưa dài 82km, trong đó 15km từ đỉnh đèo Pa Pông có độ cao trên 1.000m đến Mường Hiền là đoạn khó khăn ác liệt nhất của toàn tuyến và có nhiệm vụ cung cấp đá rải đường cho toàn tổng đội, mở tuyến, thông đường, nâng cấp và đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống.
Bà Điểm nhớ lại một thời sôi nổi, nhiệt huyết của những TNXP tham gia phục vụ chiến đấu.
Bà Điểm nhớ lại: “Quân địch lúc đó chiếm đóng chặn chốt dọc tuyến 217B chỉ chờ lợi dụng lúc ta sơ hở là đột nhập tập kích, máy bay địch thám thính, dò tìm đơn vị và bắn phá suốt ngày đêm. Vất vả, gian khó vì phải đào đắp nền đường, hàng ngàn mét khối đất đá, hạ đèo, xây dựng cầu cống, đập tràn nhưng ngày đó không một ai sợ hãi, nản lòng”.
Cũng như bà Điểm, bà Hoàng Thị Thơm, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao tham gia TNXP năm 1978 trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong ngôi nhà nhỏ gọn gàng, ngăn nắp, bao năm nay bà Thơm vẫn một thân một mình, những ký ức về một thời sôi nổi tình nguyện tham gia chiến đấu của cô TNXP tuổi 18 vẫn rạng ngời trong ánh mắt, nụ cười. Bà Thơm nói: “Công việc lúc bấy giờ là phát rừng, trồng cây, đào giao thông hào, khó khăn, thiếu thốn là điều không tránh khỏi, phải chung nhau từng ít nước uống, từng quả bồ kết gội đầu, phải đi 18km mới có chỗ tắm, khi đó mục đích quan trọng nhất là ăn để sống, phải ăn mới có sức lực để tham gia phục vụ chiến đấu và để chờ ngày được đoàn tụ với gia đình, đó là quãng thời gian ý nghĩa nhất, tất cả đều hồn hậu, nhiệt huyết và dũng mãnh trước bom đạn ”. Bà Thơm cũng như đồng đội đã phải chịu nộp nhiều “thuế máu” cho vắt, chịu đựng những cơn sốt rét đến run người, môi tím ngắt. Những ngày mưa trắng trời, trắng đất mỗi người lại chia nhau từng củ khoai, củ sắn, từng miếng rau rừng và vui vẻ động viên nhau ăn để tiếp tục chiến đấu cho ngày mai.
“Hoàng hôn” không hơi ấm...
Trở về thời bình, nhiều nữ TNXP ngày ấy cũng đã kịp tìm cho mình một bến đỗ bình yên nhưng có những người lại lựa chọn sống một mình phần vì tự ti với nhan sắc sau những năm tháng khốc liệt nơi chiến trường, phần vì muôn nỗi lo: Lo lấy chồng mà không thể sinh con, sinh con lại sợ bị dị tật... Theo thống kê của Hội Cựu TNXP, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 80 cựu nữ TNXP không lập gia đình, sống cô đơn, không nơi nương tựa.
Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi về huyện Lâm Thao, nơi có hơn 800 cựu TNXP, không khỏi chạnh lòng khi nghe Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện chia sẻ có tới 20 người là nữ chung một nỗi niềm “chăn đơn gối chiếc” tuổi xế chiều trong đó có bà Thơm. Không công việc ổn định, lúc còn sức khỏe thì làm ruộng lấy lúa ăn, đi làm thuê lấy công, giờ sức khỏe không đảm bảo để dãi nắng dầm mưa, bà Thơm ở nhà nhận trông trẻ thuê để có tiền chi tiêu trong cuộc sống. Bà Thơm chia sẻ: “Thời chiến tranh, khi cả nước hừng hực khí thế chiến đấu, chị em phụ nữ cũng xông pha vào lửa đạn mà không tính toán thiệt hơn, công việc nặng nhọc, nắng gió, lại làm việc nơi rừng thiêng nước độc nên phần lớn khi trở về trông ai cũng đều “cũ kĩ”, “héo tàn”, lại quá tuổi xuân thì nên nhiều người lỡ dở tình duyên. Không chồng con, giờ tôi chỉ còn biết dựa dẫm vào anh chị ruột và các cháu họ”.
Bà Thơm nhận trông trẻ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Cũng như bà Thơm, trong căn phòng nhỏ khoảng chừng 20m2 tại khu tập thể Hòa Phong, với bức tường cũ kỹ, bạc màu, nhìn quanh thấy đủ loại thuốc đau đầu, xương khớp... Như đoán được ý tôi, bà Điểm bảo: “Nhiều bệnh quá nên phòng không có gì ngoài thuốc”. Nói về việc không xây dựng gia đình, bà Điểm lắng lại, giọng ngậm ngùi: “Con gái có thì, những năm tháng tươi đẹp nhất của đời người con gái thì cũng đã dành cho đất nước. Sau ba năm tham gia TNXP, Tổng đội TNXP 572 chuyển thành Xí nghiệp xây dựng giao thông 572, tôi về và xin vào làm việc tại nhà máy Dệt, đến tuổi về nghỉ hưu, lại bán vé số để có thêm thu nhập, cũng là để có chút của để dành sau này lỡ ốm đau còn nhờ anh em, hàng xóm lo giúp”.
Những tưởng may mắn hơn một chút so với những người đồng đội khác, sau khi thực hiện nhiệm vụ trở về, bà Chu Thị Sáu, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba đã nên duyên vợ chồng với người cùng cơ quan nhưng cả ba lần mang thai đều thất bại, bà biết thiên chức làm mẹ không thể đến với mình, trong khi chồng bà là con trai duy nhất trong gia đình cần có người con nối dõi nên bà Sáu đã quyết định rời đi để chồng có thể tìm được người phụ nữ khác trọn đạo làm mẹ, làm vợ, làm dâu con trong gia đình. Trở về nhà bố mẹ đẻ sau thất bại của cuộc hôn nhân, bà ở vậy tận tình chăm sóc cho đến khi bố mẹ nhắm mắt xuôi tay, giờ đây lại một mình sống trên mảnh đất, trong căn nhà nhỏ mà bố mẹ để lại với bao nỗi tủi hờn.
Ra về khi chiều muộn, nhìn lại căn nhà của bà Sáu, bà Điểm với bóng dáng của những người phụ nữ cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Cuộc sống của họ cứ từng ngày, từng giờ trôi đi lặng lẽ, không biết rồi một mai khi tuổi càng cao, sức yếu ai sẽ ở bên trông nom, chăm sóc, họ đã một thời bất khuất trước bom đạn quân thù, nay lại một lần nữa kiên cường trước cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả.
Thu Hương
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/nhung-bong-hoa-cua-thoi-hoa-lua/185788.htm