Những 'bông hoa' trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Tại hội nghị tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Bắc Giang lần thứ Nhất, năm 2023, nhiều tập thể, cá nhân chia sẻ cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Báo Bắc Giang trân trọng giới thiệu 3 cá nhân điển hình được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Anh Hoàng Văn Thiện, dân tộc Cao Lan, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thiện Lợi, xã Yên Định (Sơn Động)

Coi trọng phát triển kinh tế tập thể

Trước đây, điều kiện KT - XH ở thôn Trại Chùa, xã Yên Định nói riêng và huyện Sơn Động nói chung gặp nhiều khó khăn. Để thoát nghèo, phần lớn lao động trẻ rời quê hương đi đến các tỉnh tìm việc làm song cuộc sống vẫn bấp bênh.

Khi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phong trào mỗi xã một sản phẩm (OCOP) triển khai về huyện, anh Thiện nhận thấy đây là cơ hội để người dân phát huy thế mạnh sản phẩm nông nghiệp của địa phương, từ đó tự lực vươn lên.

Năm 2020, anh thuê 3 ha đất canh tác của người dân trong bản, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để trồng rau theo hướng hữu cơ, an toàn. Ngay trong năm đầu, sản phẩm làm ra bảo đảm chất lượng, tiêu thụ thuận lợi.

Anh Hoàng Văn Thiện, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiện Lợi.

Anh Hoàng Văn Thiện, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiện Lợi.

Để phát triển bền vững, anh vận động đoàn viên thanh niên, phụ nữ, hội viên cựu chiến binh trong xã chung tay xây dựng mô hình kinh tế tập thể.

Vậy là Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thiện Lợi ra đời với 15 thành viên. Hiện HTX có 2 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao là “Khau Nhục” và “Thịt Kho Tàu Xì Yên Định”; duy trì hoạt động sản xuất rau hữu cơ và cây con giống cung cấp cho thị trường các tỉnh.

Từ khi thay đổi phương thức sản xuất bằng mô hình kinh tế mới, 15 thành viên có việc làm, thu nhập ổn định với mức 7-8 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, Sơn Động vẫn là huyện nghèo của cả nước. Để người dân, nhất là lao động trẻ đổi mới tư duy phát triển kinh tế, tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, anh Thiện mong muốn UBND tỉnh tiếp tục quan tâm mở các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu; hỗ trợ nhân rộng các mô hình kinh tế tiêu biểu.

Thúc đẩy khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó, nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định, bền vững cho người dân địa phương, nhất là giải quyết việc làm cho lao động trung tuổi khó tìm việc trong các nhà máy, doanh nghiệp.

Đại úy Trương An Ninh, dân tộc Sán Dìu, Trưởng Công an xã Quý Sơn (Lục Ngạn)

“3 bám, 4 cùng” với nhân dân bảo vệ an ninh trật tự

Xã Quý Sơn có 6 dân tộc anh em (Kinh, Hoa, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí) cùng chung sống, trong đó người DTTS chiếm 48% tổng dân số toàn xã, sống thành cộng đồng ở 25 thôn. Những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, nhân dân các dân tộc đoàn kết, yên tâm phát triển KT-XH; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Đại úy Trương An Ninh, Trưởng Công an xã Quý Sơn (Lục Ngạn).

Đại úy Trương An Ninh, Trưởng Công an xã Quý Sơn (Lục Ngạn).

Để đạt những kết quả tích cực đó, lực lượng công an xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, tham mưu thành lập, xây dựng mới 38 mô hình, tổ chức quần chúng tham gia bảo đảm công tác an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.

Tiêu biểu như: Mô hình cụm an ninh giáp ranh; nhóm zalo giữa công an xã với các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân; cựu công an xã tham gia bảo đảm ANTT và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; camera giám sát an ninh; tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy…

Từ năm 2020 đến nay, Công an xã đã phối hợp với các ban, ngành trên địa bàn và trực tiếp tổ chức hơn 20 đợt phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng DTTS tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp nhằm nâng cao nhận thức của người dân trước những luận điệu xuyên tạc của các phần tử xấu; phòng, chống “diễn biến hòa bình”; phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Qua thực tiễn công tác, Đại úy Ninh luôn bám sát chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, định hướng chỉ đạo của cấp trên để vận dụng phù hợp với tình hình thực tế. Làm tốt công tác dân vận “3 bám, 4 cùng” với nhân dân (3 bám: Bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; 4 cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào). Thực hiện tốt phương châm “nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”. Trong tuyên truyền, hướng dẫn cần sâu sát, cụ thể; xác định trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên từng công việc, địa bàn. Gắn kết chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền vận động với hướng dẫn thực hiện những mô hình, phần việc cụ thể để người dân hiểu, tự giác chấp hành.

Chị Lý Thị Phin, dân tộc Nùng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đồng Vương (Yên Thế)

Giúp hội viên vươn lên thoát nghèo

Đồng Vương là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thế. Diện tích tự nhiên 2.344 ha, với 5,6 nghìn nhân khẩu. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 70%. Xã có 1.096 hội viên hội phụ nữ tham gia sinh hoạt ở 10/10 chi hội.

Chị Lý Thị Phin, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Vương (Yên Thế).

Chị Lý Thị Phin, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Vương (Yên Thế).

Trong quá trình công tác nhận thấy đời sống hội viên còn nhiều khó khăn, chị Phin đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội. Đơn cử như chương trình “90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã đã huy động các nguồn lực tặng 20 phần quà, 2 sổ tiết kiệm, 8 con bò nái sinh sản cho hội viên nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tổng trị giá các phần quà gần 70 triệu đồng.

Để chị em phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống, Hội LHPN xã phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ cây, con giống, giới thiệu việc làm và vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ vậy, từ năm 2020 đến nay, toàn xã đã có 70 hộ có phụ nữ làm chủ vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 của xã còn 6,95% (giảm 9,05% so với năm 2020).

Đặc thù địa bàn đông đồng bào DTTS, Chủ tịch Hội LHPN xã Lý Thị Phin đã tham mưu xã thành lập câu lạc bộ "Phụ nữ dân tộc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với bảo vệ môi trường" với 31 hội viên dân tộc tham gia. Các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, đợt vận động ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, đồng bào miền Trung bị lũ lụt cũng được các hội viên tích cực tham gia.

Nhóm PV Kinh tế

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/415684/nhung-bong-hoa-trong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui.html