Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ
Chuyện cuốc bộ, ngã xe, băng rừng, lội suối trong đêm để cứu giúp người bệnh trở thành chuyện thường ngày với những cán bộ y tế vùng biên ải thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Trạm Y tế xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đóng trên địa bàn biên giới ở vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Y bác sĩ tại trạm có nhiệm vụ chăm lo sức khỏe cho bà con nhân dân tại 18 bản với phần lớn cư dân là đồng bào Ma Coong (dân tộc Bru – Vân Kiều) và Arem (dân tộc Chứt).
Các bản làng nơi đây phân bố rải rác trên khắp dải biên giới. Bản xa nhất cách trung tâm xã hơn 30km. Hệ thống giao thông chưa được đầu tư toàn diện nên việc di chuyển gặp vô vàn khó khăn.
"Một số bản ở xa phải vượt qua nhiều đèo dốc, suối sâu, phải là người có kinh nghiệm mới điều khiển xe máy an toàn đi qua. Mùa nắng khó khăn lắm mới chạy xe vào bản được, mùa mưa đường trơn, nước suối dâng, toàn phải dừng xe ở xa bản rồi tìm triền núi cao cuốc bộ. Vậy nên mỗi lần vào ra bản rất vất vả và mất nhiều thời gian", BS. Phan Văn Huệ, Trưởng Trạm Y tế xã Thượng Trạch cho biết.
Hộ sinh Nguyễn Thị Hoa (SN 1973) vẫn nhớ một ngày tháng 4/2021. Từ tờ mờ sáng, khi những con đường của bản Cà Roòng 1 còn dày đặc sương mù, người nhà của sản phụ Y Din đến tìm cán bộ y tế với tâm trạng hớt hải, lo lắng. Hay tin sản phụ sau khi trở dạ tại nhà xuất hiện tình trạng suy kiệt, khó sinh, hộ sinh Hoa liền chuẩn bị thuốc, thiết bị rồi lên xe máy vào bản.
Người nhà chạy xe vội vàng trên con đường gồ ghề dốc đá. Mỗi lần bánh xe trúng ổ gà, nữ hộ sinh Hoa ngồi sau lại nẩy lên. Một tay ôm chặt túi y tế, tay kia cố giữ sao cho người không rơi khỏi xe. Khi đến đoạn đường dốc trơn trượt, nữ hộ sinh phải cuốc bộ vì không thể đi tiếp bằng xe máy.
"Đường dốc lại rất trơn, tôi không may dẫm vào chỗ đất ướt trơn trượt thế là ngã rồi lăn từ nửa dốc xuống. Người đau điếng nhưng cố gượng dậy rồi xuống bờ suối rửa tạm mặt mũi lại tiếp tục vào bản", hộ sinh Hoa nhớ lại.
Tiếp cận sản phụ Y Din, người này đang bị băng huyết, huyết áp không đo được, nguy cơ tử vong rất cao. Hộ sinh Hoa chỉ biết nỗ lực hết sức mình, nhanh chóng cắm dây truyền, tiêm giảm đau. Ở bản không có sóng, đường khó đi nên không thể liên lạc để tìm trợ giúp hay đưa sản phụ đến trạm. Thế là "cuộc chiến sinh tử" của mẹ con sản phụ phải dựa vào năng lực, kinh nghiệm của cán bộ y tế và động lực mạnh mẽ của người mẹ và thai nhi.
"Thật may là sau thời gian căng mình, chiến đấu với "tử thần" giành giật sự sống, cuối cùng 2 mẹ con Y Din đã qua cơn nguy kịch. Cũng không thể trách sản phụ không đến trạm sinh mà vì đường xa, rất khó khăn khi di chuyển nên khi trở dạ họ không kịp tới trạm, chúng tôi phải đến tận nhà đỡ đẻ", hộ sinh Hoa chia sẻ.
Hành trình vào đỡ đẻ đã khó, để trở về trạm cũng là chuyện đáng nhớ. Đỡ đẻ xong, người nhà sản phụ bận việc nên chẳng có ai đưa hộ sinh Hoa trở ra, đợi chờ mãi nên chị quyết định cuốc bộ xuyên rừng trở về. Nữ cán bộ y tế từ vùng xuôi lên bản hiểu cảm giác sợ hãi khi một mình ở con đường vắng giữa rừng. Đi được một đoạn xa, may mắn có dân bản ngược trở ra nên chị được đi nhờ.
"Ca hỗ trợ sinh đó tôi mất gần một ngày di chuyển. Khi về trạm cái áo blouse từ màu trắng hóa màu đất đỏ. Người cũng ê ẩm vì những lần xóc xe, ngã dốc dúi dụi và phải đi bộ đoạn đường dài. Nhưng tôi rất vui mừng khi cứu sống được 2 sinh mạng", hộ sinh Hoa chi sẻ.
Là người đồng hành cùng hộ sinh Hoa trong nhiều ca đỡ đẻ, viên chức dân số Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1985) có nhiều kỷ niệm khó quên: "Vào đêm muộn, lúc đó lại đang mùa mưa lũ, có sản phụ "vượt cạn" khó, chúng tôi phải lên đường ngay cho kịp. Nhưng con đường duy nhất là băng qua suối, nơi mực nước đang dâng cao. Nguy hiểm lắm nhưng thời gian gấp rút, chúng tôi đã lội suối, bám theo đá để nhanh đến nhà người dân. Cảm giác vừa đi vừa sợ, đến giờ nhớ lại vẫn còn gai người".
Nhiều lần cán bộ y tế của trạm bỏ bữa để vội vào bản Cồn Roàng, A Ki, Cù Tồn... trong đêm cứu giúp sản phụ khó sinh, dân bản đi rừng bị ngã... Trên con đường rừng tối hun hút, hai chị vừa đi vừa động viên nhau. Mỗi khi nghe thấy tiếng động của những con thú rừng trong đêm tối, các chị cảm thấy sợ thắt lại.
"Sợ lắm, những lần băng rừng giữa đêm, đàn ông mạnh mẽ chứ chúng tôi phụ nữ cứ vừa đi vừa run. Đường thì khó đi, trời thì tối, vừa sợ ngã vừa sợ bóng tối. Nhưng vì tính mạng người bệnh nên cũng phải cố gắng", chị Hà chia sẻ.
Lại nói về những lần cứu chữa bệnh nhân giữa đêm, BS. Huệ - Trạm trưởng vẫn nhớ ngày đầu năm 2022, một thầy giáo đang vào bản đón học trò thì bị ngã xe, vết thương hở ở chân cần được xử lý gấp. Không may hệ thống máy phát điện ở trạm trục trặc, thế là cán bộ y tế phải khởi động xe máy, dùng đèn pha chiếu sáng để khâu vết thương.
Chia sẻ về những khó khăn của y bác sĩ công tác vùng cao, BS. Huệ không nói nhiều đến nỗi vất vả khi phải bám bản, vượt đường xa. Vị bác sĩ này nhắc nhiều đến những nữ nhân viên y tế. Họ phải xa gia đình, con cái để nỗ lực vì sức khỏe dân bản.
"Chúng tôi những người đàn ông hễ xa người thân, con cái là thấy nhớ huống gì chị em có thiên chức của người mẹ phải nhờ chồng, cha, mẹ chăm con để lên với dân bản. Như cô Hà, giờ 2 con nhỏ phải nhờ cậy vào chồng chăm sóc, lâu lâu mới về thăm. Vậy nên ở nơi đây chúng tôi luôn yêu thương, giúp đỡ động viên nhau để mọi người cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ", BS Huệ tâm sự.
Miền biên ải có những bông hồng của ngành y tế đang hằng ngày nỗ lực vì sức khỏe của dân bản. Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống càng cảm phục những người phụ nữ ấy hơn khi được lắng nghe những tâm tư, nhìn thấy những giọt nước mắt của họ.