Những bông hồng thép tìm lại màu xanh cho vùng đất chết
Gắn bó 14 năm trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom, mìn, chị Nguyễn Thị Diệu Linh và đồng nghiệp đã xử lý hàng tấn vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Công việc của họ âm thầm với tâm nguyện làm sống lại mảnh đất quê hương từng một thời bom đạn.
Đối mặt với hiểm nguy
Một ngày như thường lệ, nhận được thông tin về mảnh rừng cao su của người dân tại thôn Hải An (xã Hải Thái, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) phát hiện có vật liệu nổ, bom mìn còn sót lại từ thời chiến, Đội rà phá bom mìn nữ BAC2 thuộc Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị - Tổ chức Quỹ Viện trợ nhân dân Na Uy, có mặt tại hiện trường.
Dù thời tiết se lạnh nhưng trên gương mặt của chị Nguyễn Thị Diệu Linh (40 tuổi) - Quản lý Chương trình tại tỉnh Quảng Trị vẫn lấm tấm những giọt mồ hôi khi Đội liên tục phát hiện ra nhiều vật liệu nổ khác nhau.
Trên mảnh rừng cao su đó, trong những bộ đồng phục ít ai biết rằng toàn bộ họ đều là nữ đang đảm nhiệm công việc nguy hiểm. Những đôi bàn tay nhỏ nhắn tìm kiếm và đưa những quả bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh đang vùi dưới lớp đất sâu lên xử lý.
Những thiết bị chuyên dụng được cẩn thận rà qua từng cm đất. Chỉ trong buổi sáng, đã có hàng chục điểm cắm cờ đỏ báo hiệu có vật liệu nổ cùng 2 quả đạn cối 60mm và 40mm còn sót lại dưới lòng đất dù trước đây mảnh đất này đã được cày xới. Ai cũng biết rằng những quả đạn pháo, đạn chùm đó chỉ cần một tác động vật lý nhỏ sẽ gây ra vụ nổ thảm khốc.
Bên quả đạn pháo lớp ngoài đã rỉ rét, người phụ nữ có nụ cười hiền lành, dáng người nhỏ nhắn đó bỗng trở nên cứng rắn, đôi mắt cương nghị khi chỉ đạo từng nhân viên Đội rà phá bom mìn nữ BAC2 triển khai công tác rà phá cũng như phương hướng xử lý các vật liệu nổ được tìm thấy.
“Bởi tính chất nguy hiểm nên đòi hỏi các thành viên có kỷ luật cao nhất cũng như tuân thủ quy trình hoạt động của tổ chức một cách nghiêm ngặt” - Diệu Linh cười bẽn lẽn nói khi thấy chúng tôi nhìn chị.
Với tính kỷ luật cao và các quy trình cụ thể, từng quả đạn, vật liệu nổ lần lượt được xử lý tỉ mỉ. Đến cuối ngày, tiếng hủy vật liệu nổ vang lên là lúc chị Linh và những đồng nghiệp nở nụ cười nhẹ nhõm khi trả lại màu xanh sự sống cho mảnh đất từng “nhiễm” vật liệu nổ.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng năm 2017, Quảng Trị là tỉnh bị ô nhiễm bom mìn nặng nhất toàn quốc sau chiến tranh với 81,36% diện tích bị ô nhiễm, 141/141 xã, phường thị trấn bị ô nhiễm.
Lớn lên trên mảnh đất Quảng Trị, trong ký ức của chị Linh chứng kiến không ít người bị nạn vì bom, mìn còn sót lại. Có lúc, những quả lựu đạn tròn tròn đó lại là đồ chơi của những đứa trẻ nhặt được ở khoảnh vườn, ở đồng ruộng hay trường học. Và đã không ít những đứa trẻ không may mắn khi lựu đạn phát nổ. Tính từ năm 1975 đến nay, mảnh đất Quảng Trị có gần 3.500 người chết và hơn 5.000 người bị thương bởi vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Trả lại sự sống cho từng tấc đất
Hiểu rõ những nỗi đau mà người dân quê mình phải gánh chịu, tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ Huế ngành Tiếng Anh, năm 2009, chị Linh đã xin làm phiên dịch kiêm cán bộ hoạt động của Dự án Renew (Dự án Phục hồi môi trường và Khắc phục hậu quả chiến tranh). Từ đó, chị bắt đầu dấn thân rồi trở thành một trong những nữ “kiện tướng” đầu tiên hoạt động trên lĩnh vực rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả sau chiến tranh.
Đến năm 2015, chị được cử làm Quản lý hoạt động chương trình NPA và đến năm 2020 được giao Quản lý chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của 300 nhân viên. 14 năm qua, chị không nhớ hết bao nhiêu lần tìm thấy, hủy các loại vật liệu nổ trả lại sự sống cho từng tấc đất.
Nhiệm vụ chính mỗi ngày của chị là làm việc với chính quyền địa phương để dự án triển khai thuận lợi, cũng như tạo điều kiện đầy đủ về trang thiết bị, công cụ triển khai các hoạt động. Đồng thời, phối hợp với đội ngũ quản lý, các đội trưởng đội rà phá bom mìn để đảm bảo hoạt động triển khai diễn ra an toàn, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ.
Chị Diệu Linh cho biết, từ năm 2001 đến nay, Dự án RENEW/NPA tại tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả khả quan khi khoanh vùng được 600 triệu km2 khu vực khẳng định ô nhiễm bom mìn trên địa bàn, rà phá được 22 triệu m2, xử lý được 123.400 vật liệu nổ khác nhau.
Điều đặc biệt, chị Diệu Linh đã sáng lập đội nữ rà phá mìn đầu tiên ở Việt Nam. Toàn bộ những nhân viên đều là nữ. Có lẽ sự tỉ mỉ và kiên cường của người phụ nữ Việt đã mang lại hiệu quả cao trong việc làm sạch những mảnh đất “nhiễm” vật liệu nổ.
Hiện nay, mô hình khắc phục hậu quả bom mìn của Quảng Trị đang được quốc tế đánh giá thành công với nhiều bài học kinh nghiệm được chia sẻ ra nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.
Tháng 5/2021, chị Nguyễn Thị Diệu Linh được Bộ Ngoại giao Việt Nam mời báo cáo trong phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” tổ chức trực tuyến tại Hà Nội.
Người phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn nhưng đầy cương nghị đó đã trở thành cầu nối để cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn nỗi đau do bom mìn sót lại sau chiến tranh gây ra đối với người dân Quảng Trị nói riêng, Việt Nam nói chung. Cùng với đó là sự nỗ lực của chính quyền, quân đội, các dự án, tổ chức phi chính phủ trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn. Đồng thời, góp phần truyền tải thông điệp hòa bình trên thế giới.
Mỗi ngày, trên mảnh đất Quảng Trị, chị Diệu Linh cùng những đồng nghiệp vẫn âm thầm cống hiến. Với bộ đồng phục trên mình xuất hiện ở những nơi còn sót lại bom mìn, vật liệu nổ, người dân nơi đó an tâm sản xuất, trồng trọt. Mỗi bước chân của Đội rà phá bom mìn đi qua, nơi đó đang cựa mình những mầm xanh của sự sống.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhung-bong-hong-thep-tim-lai-mau-xanh-cho-vung-dat-chet.html