Những 'bóng hồng' vượt qua định kiến giới, tích cực sáng kiến nâng cao chất lượng lao động
Trong 167 cá nhân được trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2023, có 19 nữ công nhân. Các chị đã có những sáng kiến góp phần vào việc nâng cao chất lượng lao động, tiết kiệm chi phí, làm lợi cho đơn vị công tác.
Chị Đỗ Thị Nga Ly - Trưởng nhóm chất lượng, Công ty TNHH Fushan Technology, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, luôn đi đầu trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, có nhiều sáng kiến mang lại giá trị làm lợi lớn cho đơn vị
Vinh dự khi được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV, năm 2023 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng sáng 24/7, chị Đặng Thị Mỹ Loan (công nhân Công ty TNHH Sailun Việt Nam, tỉnh Tây Ninh), chia sẻ: Chị rất vui khi nhận được Giải thưởng. Sáng kiến cải thiện những mối nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn của chị Loan đã mang lại giá trị làm lợi tiết kiệm được 460 triệu đồng/năm cho công ty.
Trong công việc, với nhiệm vụ được giao là kiểm tra an toàn, chất lượng trong ca để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn cho nhân viên, chị Loan luôn có những đề xuất sáng kiến cải tiến. Tất cả nhằm đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt , ổn định qua từng giai đoạn, đảm bảo năng suất để giảm chi phí sản xuất và giảm nguồn phế liệu tránh gây ảnh hưởng đến môi trường làm việc.
Trong các hoạt động của Công đoàn, chị Loan luôn tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua của đơn vị, tham gia tốt các hội thi do Công đoàn và Công ty phát động như: Cập nhật sáng kiến lên phần mềm "75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển", chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19", tham gia hội thi cắm hoa, bóng chuyền, tiếng hát công nhân…
Chị Loan tâm sự, gia đình chính là đòn bẩy để chị tiếp tục cố gắng hơn với công việc: "Gia đình và công việc đều quan trọng như nhau, gia đình luôn ủng hộ giúp tôi phát triển năng lực của mình để hoàn thành tốt công việc được giao, và kinh tế gia đình cũng được ổn định hơn".
Công việc của chị Đặng Hồng Thêm (Tổ trưởng tổ vệ sinh Ngõ Xóm, Xí nghiệp Môi trường đô thị, Công ty CP Môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La) là trực tiếp tuyên truyền đến tổ trưởng các tổ dân phố, từ đó tuyên truyền nhân rộng đến mỗi người dân có ý thức trong công tác giữ gìn vệ sinh chung: Không vứt rác bừa bãi, quét dọn trước khu vực mình sinh sống, cho gọn rác vào túi bóng, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.
Để tăng năng suất hiệu quả công việc cũng như giảm bớt những vất vả cho mình và đồng nghiệp, chị Thêm luôn tìm cách cải tiến, tìm ra dụng cụ làm việc phù hợp nhất với công việc của mình.
Với 19 năm trong nghề, làm việc bằng cái tâm và với tinh thần chăm chỉ, không ngừng nỗ lực học hỏi, sáng tạo, rèn luyện cùng với sự chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện của ban lãnh đạo, sự giúp đỡ của đồng nghiệp, chị Thêm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, tiên phong gương mẫu và đi đầu trong các phong trào đoàn thể, đóng góp những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao tối đa hiệu quả sản xuất.
Trước đó, vào giữa tháng 5/2023, chị Thêm vinh dự nằm trong 133 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cấp Công đoàn, công chức, viên chức, người lao động cả nước.
Điều đáng chú ý, mỗi chị em nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm nay có hoạt động trong các ngành nghề khác nhau, nhưng họ đã không ngừng cố gắng khắc phục khó khăn, kiên trì vượt qua những định kiến về giới trong nghiên cứu, ứng dụng, cải tiến kỹ thuật – lĩnh vực tưởng chừng không phải là thế mạnh của "phái yếu". Tiêu biểu như chị Huỳnh Thị Nữ (kỹ sư, chuyên viên phụ trách bộ phận an toàn sức khỏe môi trường, Công ty TNHH MTV Massan Brewery PY, thuộc Công đoàn Khu Kinh tế Phú Yên, Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên) đã có 13 sáng kiến cải tiến được công ty công nhận và áp dụng vào sản xuất hiệu quả với tổng giá trị làm lợi hơn 3 tỷ đồng.
Hay như chị Phạm Thị Phượng (Công ty CP sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam, Khu Công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Với vai trò là nhóm trưởng phòng thí nghiệm của phân xưởng sơn, chị đã không ngừng học hỏi và nâng cao chuyên môn.
Chị Phượng có nhiều đóng góp trong việc đào tạo, bồi dưỡng giúp đỡ lao động mới tuyển dụng vào công ty cũng như cùng chia sẻ, hướng dẫn, trao đổi giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ, tay nghề, chuyên môn. Chị có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả góp phần làm cho môi trường lao động trong xưởng an toàn, đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ trong sản xuất công nghiệp, trong đó có 5 sáng kiến tiêu biểu đang áp dụng tại doanh nghiệp mang lại giá trị làm lợi gần 3 tỷ đồng/năm.
Với những đóng góp tốt của mình trong công việc và trong các hoạt động của công đoàn, chị Phượng vinh dự được đăng trong cuốn Làm theo lời Bác của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình phát hành năm 2022 và được Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình lựa chọn là công nhân lao động tiêu biểu dự Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Không chỉ làm tốt trong công việc chuyên môn, chị Phượng còn luôn biết cách chăm lo gia đình. Đối với chị, gia đình và công việc đều quan trọng, song phải biết cách hài hòa cân bằng cả hai. Gia đình chị được UBND tỉnh tặng bằng khen tại Hội nghị biểu dương "Gia đình công nhân viên chức lao động tiêu biểu" giai đoạn 2018 - 2022 do Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình tổ chức.
Dù khác nhau về lĩnh vực công tác, tuổi đời, tuổi nghề, điều kiện làm việc, hoàn cảnh gia đình..., nhưng các nữ cá nhân được tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2023 đều có một điểm chung, đó là ý chí kiên trì, tinh thần lao động hăng say, sáng tạo, khát vọng cống hiến, say mê nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong công việc.
Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh được trao tặng 5 năm một lần vào năm diễn ra Đại hội Công đoàn Việt Nam. Giải thưởng lần đầu tiên được trao tặng năm 2008. Sau 3 lần tổ chức đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao tặng Giải thưởng cho 309 công nhân lao động trực tiếp sản xuất có thành tích xuất sắc tiêu biểu.