Những bóng 'sa mộc' miền biên ải

Am hiểu phong tục, tập quán, nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân trong cộng đồng và gần 2.000 người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số thực sự trở thành cánh tay nối dài giúp cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động bà con đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Họ như những cây sa mộc vươn lên nơi núi đá cheo leo, rắn rỏi và vững chãi, tỏa bóng trên miền biên giới, trở thành điểm tựa để nhân dân các dân tộc đoàn kết, vượt khó vươn lên.

Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì cùng nhân dân làm đường bê tông Nông thôn mới.

Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì cùng nhân dân làm đường bê tông Nông thôn mới.

Gần 20 năm là Trưởng thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên), bà Nông Thị Hợp luôn nhận được sự tin yêu, quý mến của bà con dân bản. Năm 2001, khi bà mới được bầu làm Trưởng thôn; thôn Giang Nam có trên 60% hộ nghèo và cận nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Là người dân tộc Tày, sinh sống lâu năm ở vùng biên giới Thanh Thủy, bà thấu hiểu những vất vả của người dân cũng như nhìn thấu những hủ tục kìm giữ sự phát triển kinh tế của địa phương. Trước đây, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên thu nhập thấp. Là thôn nằm ở trung tâm xã, có nhiều lợi thế trong việc phát triển kinh doanh, dịch vụ, vì vậy bà đã tích cực vận động bà con chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ. Hiện, thôn có trên 100 hộ làm dịch vụ kinh doanh từ nhỏ đến vừa, với mức thu nhập trung bình từ 5 – 20 triệu đồng/tháng. Với các hộ làm nông nghiệp, bà vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng những giống mới, năng suất cao vào sản xuất; khuyến khích các hộ mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa... Nhờ đó, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm xuống dưới 20%.

Không chỉ vận động nhân dân phát triển kinh tế, bà Hợp còn tuyên truyền bà con tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bài trừ hủ tục phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp. Với những đóng góp tích cực và hiệu quả, năm 2018, Trưởng thôn Nông Thị Hợp vinh dự được tuyên dương là một trong những “Điểm tựa buôn làng” xuất sắc của cả nước. Hiện, bà đã thôi giữ chức Trưởng thôn; nhưng với sự hiểu biết và uy tín của mình, bà vẫn không ngừng tuyên truyền, vận động con cháu và người dân phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng cuộc sống ấm no nơi biên cương Thanh Thủy.

Như “cây cao, bóng cả” giữa đại ngàn, những năm qua ông Vàng Chỉn Tờ, NCUT thôn Giáp Trung, xã Thàng Tín (Hoàng Su Phì) không ngừng tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững biên cương. Thôn Giáp Trung có 47 hộ, chủ yếu là đồng bào Mông. Với nhiều phong tục tập quán lạc hậu còn tồn tại như tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, ông Tờ đã cùng lãnh đạo xã tuyên truyền, vận động bà con bài trừ các hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh; vận động người dân không vượt biên lao động trái phép, tích cực tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới. Với sự tham gia tích cực của người dân, tình hình an ninh, trật tự trên tuyến biên giới luôn được đảm bảo, bà con yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng Nông thôn mới. Những NCUT như ông Tờ đã góp phần không nhỏ trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.

Trong giai đoạn 2018 – 2020, toàn tỉnh có 1.978 NCUT, thuộc 16 dân tộc. NCUT được cộng đồng bầu chọn gồm các già làng, trưởng thôn, trưởng dòng họ, nghệ nhân dân gian, chức sắc tôn giáo, cán bộ nghỉ hưu, người sản xuất, kinh doanh giỏi… Những NCUT đã trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo và vận động con cháu, cộng đồng dân cư đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh đã giảm được 25.498 hộ nghèo, có 19 thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Trong xây dựng Nông thôn mới, những NCUT đã vận động nhân dân hiến hàng chục nghìn m2 đất, đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi. Đến nay, toàn tỉnh có 38 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, đời sống của nhân dân được nâng lên.

Trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đội ngũ NCUT đã tích cực vận động đồng bào chấp hành các quy ước, hương ước của thôn bản; ăn ở hợp vệ sinh, di chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà. Vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Đồng thời, phát huy vai trò trong việc khôi phục lễ hội truyền thống, truyền dạy các nghề, làn điệu dân ca, trò chơi dân gian cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, những NCUT còn tích cực phát huy vai trò trên lĩnh vực giữ gìn an ninh, trật tự; bảo vệ an ninh biên giới; tham gia hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Trên vùng cao nguyên bạt ngàn đá núi, nơi khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn, những cây sa mộc với thân cao thẳng tắp vẫn vươn lên đầy rắn rỏi và mạnh mẽ. Những NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang như những cây sa mộc vững chãi, trở thành điểm tựa để nhân dân các dân tộc tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, vượt khó, xây dựng vùng đất biên cương ngày càng giàu đẹp, ấm no.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202011/nhung-bong-sa-moc-mien-bien-ai-768260/