Những bữa ăn '10k - 15k - 20k'
Trong thời điểm lạm phát có dấu hiệu tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bởi giá xăng, dầu, khí đốt và nhiều mặt hàng nhập khẩu biến thiên đã tác động trực tiếp đến đời sống của những người có thu nhập thấp, người lao động ngoại tỉnh, nhất là sinh viên, học sinh học xa nhà. Nhưng với cách 'thắt lưng buộc bụng', bản lĩnh, tinh thần vượt khó, học sinh, sinh viên các trường chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên tại thành phố Lào Cai đã lựa chọn lối sinh hoạt tiết kiệm nhất.
1. Trong vai ông bố từ vùng cao ngu ngơ đưa con xuống trường, tôi dò dẫm đến căng-tin một điểm trường chuyên nghiệp tại phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) để tìm hiểu cuộc sống sinh viên trên bàn ăn.
Ấn tượng đầu tiên của tôi với nơi này là rộng thênh thang như lễ đường, tươm tất, sạch sẽ, ngăn nắp và khá đầy đủ trang - thiết bị, chỉ thiếu dàn điều hòa nhiệt độ thì chắc hẳn đã tương đương với nhà hàng hạng sang của thành phố.
Đang kỳ nghỉ hè nên "thực khách" chỉ lác đác chưa đến chục người. Chủ căng-tin là một phụ nữ chừng ngoại 40 tuổi, nhác trông thấy người lạ vội đon đả: “Bác ăn gì nào? Trứng ốp-la, thịt rang cháy cạnh còn nóng hôi hổi nhé!”.
Tôi băn khoăn trước bàn bày thức ăn lúc này là một khay lớn bắp cải xào, khay đậu rán sốt hành, cà chua, đĩa lớn cá cơm rang, thịt ba chỉ tẩm kẹo đắng vàng sẫm, thịt cắt lát mỏng tẩm bột rán, trứng ốp-la, canh rau cải.
- Cô cho tôi 2 suất bình thường, mà bao nhiều tiền một suất nhỉ?
- 20 nghìn bác nhé!
- Tôi ăn 15 nghìn có được không?
- Bác thông cảm! Giá đó từ lâu rồi. Giờ giá xăng lên làm cho cái gì cũng tăng. Ngay như thịt lợn từ 90 nghìn đồng/kg, giờ là 120 nghìn đồng/kg rồi. 15 nghìn chỉ bán cho mấy cháu sinh viên nữ, các cháu ăn ít lắm.
Trong lúc lấy thức ăn vào hai đĩa cơm, chị chủ quán nhanh nhảu giới thiệu tên Bùi Thị Thảo, làm chủ căng-tin năm thứ 6 liên tiếp. Sinh viên nghỉ hè, chỉ còn vài khách ăn mỗi bữa nhưng chị vẫn duy trì hoạt động của căng-tin, không có lãi lờ gì nhưng coi đó là công việc hằng ngày. Với chị, công việc làm bếp ăn như là hơi thở vậy.
Chị Thảo kể rằng trước đây căng-tin chỉ bán cho sinh viên giá 15 nghìn đồng/suất cơm nhưng từ khi Covid-19 làm cho giá thực phẩm tăng, giờ thêm giá xăng kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng, buộc phải nâng mỗi suất ăn thêm 5k (5 nghìn đồng).
2. Đĩa cơm của tôi hoàn thành sau những lựa chọn thoăn thoắt của chị Thảo, giá 20k nhưng khá đầy đặn với khẩu phần ngoài cơm trắng còn thịt nạc tẩm bột, thịt rang cháy cạnh, một quả trứng ốp-la và mấy miếng đậu phụ sốt, đậu phụ rán, rau bắp cải xào.
Tôi lựa chọn bàn ăn có 2 bạn nam trẻ đang vừa ăn vừa lướt điện thoại để dễ bề làm quen, trò chuyện. Đó là Vũ Giang Đông, sinh năm 2002, sinh viên năm cuối Khoa Điện công nghiệp - K20A (sinh viên cao đẳng học 2 năm rưỡi), nhà ở phường Bắc Cường. Đông cùng bạn mở quán bi-a ở đường Châu Úy ngay gần trường nên hằng ngày vẫn vào căng-tin ăn cơm như lúc đang học.
Đông bảo, em không chọn các quán cơm bụi gần chỗ làm vì ở đó giá 40k/suất, tức là bằng cả ngày ăn của em rồi.
Ngồi đối diện với Đông là Nguyễn Minh Quang, sinh năm 2000, hộ khẩu ở tỉnh Thái Bình, đang theo học năm cuối ngành Công nghệ ô tô - K20C. Quang và Đông cùng góp vốn mở quán bi-a nên đi đâu cũng có nhau. Hôm nay quán bi-a đông khách nên cả hai tự thưởng cho mình 2 chai Coca trong bữa tối với giá 6k/chai.
Bữa chính 20k, bữa sáng thất thường nhưng cả Quang và Đông đều không chi tiêu quá 10k cho thực đơn là bánh mỳ, xôi hoặc bánh bao, bánh cuốn “không người lái” của hàng bán rong. Mới khởi nghiệp nên cả hai đang quyết tâm phấn đấu để không phải xin tiền gia đình sinh hoạt hằng ngày, đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu và dành dụm tiền để tái đầu tư.
Kết thúc bữa tối vui vẻ, tôi ngỏ lời được trả tiền 2 suất ăn, hai vị khách rối rít cảm ơn “ông già vùng cao” ngày đầu xuống phố. Thấy quán vẫn vắng khách, tôi tiếp tục lân la trò chuyện với chị Thảo - người có khuôn mặt phúc hậu, dễ ưa và có những việc làm hướng thiện như chính tên của chị vậy.
3. Câu chuyện của tôi bắt đầu bằng thắc mắc là làm cách nào để chị Thảo duy trì định mức suất cơm chỉ 20k trong khi giá cả leo thang, các hàng “cơm bụi phổ thông” cũng đều có giá 40k. “Được lời như cởi tấm lòng”, chị Thảo cười ngất ngư bảo, sinh viên thời nào cũng thế, chỉ mua những thứ với giá thấp hơn bình thường, nhất là giá các bữa ăn.
Để đảm bảo điều đó, chị Thảo dậy từ rất sớm để đi chợ đêm mua các loại thực phẩm với giá “bán buôn”, thấp hơn nhiều so với giá mua tại các sạp hàng ở chợ vào ban ngày. Chất lượng thực phẩm chế biến các bữa ăn sinh viên cũng ở mức thông thường, miễn là đảm bảo an toàn. Để tiết kiệm đầu vào, chị rất hạn chế thuê người, dường như đảm nhiệm tất cả hoạt động của căng-tin.
Giá cơm bụi dưới mức bình dân nhưng chuyện sinh viên “ghi nợ”, “ghi sổ” là việc khá phổ biến. Nói rồi, chị Thảo mở cho tôi xem những cuốn sổ dày cộp chi chít những cọc ghi nợ bữa sáng, bữa trưa, bữa tối với những con số 10k, 15k, 20k.
Chị Thảo kể nhiều bạn đến căng-tin ăn chịu, có phụ huynh đứng ra nhận bảo lãnh nhưng vẫn “chạc nợ” như thường (cười). Số tiền chị bị “bùng” thông thường chỉ vài trăm nghìn, hơn 1 triệu đồng hoặc cao nhất cũng khoảng 2 triệu đồng cho mỗi sinh viên. Nhiều người bảo phải tìm tới tận nơi ở để đòi nợ hoặc ít nhất cũng là để “giáo dục nhân cách” nhưng chị chỉ gọi điện, vài lần mà không nghe máy là thôi luôn.
Chị luôn nghĩ rằng các bạn ấy khó khăn quá, chứ không có cớ nào phải trốn số nợ không đáng như thế. Rồi chị kể trường hợp một bạn ra trường cách đây 2 năm, nợ căng-tin tiền ăn gần 2 triệu đồng rồi lặn “mất tăm”, cho đến một ngày kia bạn ấy gọi điện thoại với những lời xin lỗi rối rít. Bạn ấy kể thời điểm tốt nghiệp ra trường quá khó khăn, bất đắc dĩ phải cắt liên lạc với chị Thảo. Đến khi xin được việc làm ổn định, với số tiền dành dụm được, việc đầu tiên là liên lạc để trả món nợ căng-tin đã nuôi sống mình những năm là sinh viên.
Chứng kiến nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn nỗ lực theo đuổi học tập nên chị Thảo cũng thường xuyên mủi lòng. Không ít lần chị khéo léo giảm giá bán các suất cơm cho những trường hợp gia đình nghèo và việc thuê người làm công theo giờ cao điểm chủ yếu lựa chọn những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Bằng các suất ăn, trong nhiều tháng qua, mỗi tháng chị Bùi Thị Thảo dành 500 nghìn đồng hỗ trợ sinh viên Khoa Điện tử - Điện lạnh Trần Văn Thi, xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng). Thi có hoàn cảnh đặc biệt, bố mẹ mất sớm, hiện Thi phải nương tựa vào anh trai mới đi làm có thu nhập còn thấp.
4. Số sinh viên năng động hoặc mối quan hệ xã hội, phương tiện giao thông để tìm được việc làm thêm như em Quang, em Đông không nhiều, hầu hết vẫn phụ thuộc vào gia đình.
Với nhiều gia đình ở vùng cao, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vì khó khăn nên việc cho con đi học chuyên nghiệp là “chuyện xa xỉ”, khi đó sự hỗ trợ của Nhà nước là cứu cánh số một.
Chị Thảo cho biết, nhiều sinh viên vùng cao được hỗ trợ của tỉnh ở mức 1.490.000 đồng/tháng đã chuyển trực tiếp cho căng-tin làm phí sinh hoạt, nếu ăn đủ các bữa chính, bữa sáng trong 30 ngày thì số tiền trên vừa đủ, hầu hết các bạn không ăn sáng thất thường nên vẫn dư dả một khoản tiền nhỏ làm phụ phí sinh hoạt.
1.490.000 đồng chỉ đủ cho một mâm tiệc hạng xoàng ở các nhà hàng bình dân tại thành phố mà các em đang theo học nhưng đủ nuôi 1 sinh viên trong vòng 1 tháng. Những bữa ăn chỉ 10k, 15k đến 20k nhưng vẫn đủ cho các sinh viên nghèo tại Lào Cai nuôi dưỡng khát khao được học tập để rồi tự tin lập thân, lập nghiệp.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/359211-nhung-bua-an-10k--15k--20k