Những bữa cơm cữ đầy yêu thương và hạnh phúc của bà ngoại
Những bữa cơm cữ thuần Việt không chỉ là món ăn mà sâu xa hơn là biểu hiện của sự yêu thương, sự thấu hiểu của các bà mẹ, các ông chồng dành cho sản phụ.
Sau khi sinh con, người mẹ cần một khoảng thời gian để hồi phục sức khỏe và làm quen với cuộc sống có thêm thành viên mới. Lúc này, sự quan tâm của gia đình có vai trò vô cùng quan trọng, giúp mẹ bỉm dễ dàng vượt qua những stress, mệt mỏi trong quá trình ở cữ.
Hiểu được điều này, chị Vĩnh Quyên (58 tuổi, Nguyên Phó Tổng Giám đốc Truyền hình QHVN, hiện đang sống tại Hà Nội) đã luôn lo lắng, chăm sóc chu đáo cho con gái mới sinh. Đã từng có kinh nghiệm trong 2 lần chăm con dâu nên việc lên thực đơn và hoàn thiện các món ăn trong quá trình ở cữ với chị Quyên không quá khó khăn.
Là một người thích nấu ăn và hiểu rõ khẩu vị của con gái, chị Quyên đã nấu rất nhiều món ngon, đầy đủ dinh dưỡng. Con gái chị cũng rất thích và thường ăn hết suất của mình. Nhờ được mẹ quan tâm, chiều chuộng, con gái chị Quyên sau khi sinh không tăng cân, vóc dáng sau một tháng đã thon gọn trở lại khi giảm được 4kg.
"Phụ nữ sau sinh mất máu và sức khỏe suy yếu rất nhiều. Nhất là tháng đầu tiên vừa sinh xong đã phải chăm con, lo có sữa cho con bú. Thế nên các cụ mới gọi là cữ, cữ dài là 3 tháng, cữ ngắn là một tháng. Trong thời gian ở cữ, người mẹ cần có chế độ ăn đặc biệt để vừa bồi bổ sức khỏe cho mẹ vừa đảm bảo nguồn sữa tốt cho con.
Mặc dù quan điểm hiện đại nhiều mẹ cho rằng bà đẻ ăn không cần kiêng khem gì nhưng trước đây con dâu và bây giờ là con gái khi ở cữ mình luôn chú trọng nấu các món ăn bổ dưỡng, đủ chất cho các cháu. Vì hay nấu nên mình nấu nhanh, không mất quá nhiều thời gian. Yếu tố quan trọng nhất khi làm cơm cữ là phải đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, thức ăn đủ dinh dưỡng", chị Quyên tâm sự.
Theo chị Quyên, ngày xưa ở cữ thường chỉ có mấy món như canh rau ngót thịt nạc, thịt thăn rim, trứng luộc, ruốc, cháo móng giò đu đủ xanh. Tuy nhiên, bây giờ điều kiện và kinh tế tốt hơn nên chị làm các món phong phú hơn, đa dạng hơn nhưng vẫn dựa trên kinh nghiệm của các cụ như:
- Tránh đồ uống có cồn, cafein, có ga.
- Tránh đồ ăn có vị hàn như trâu, cải xanh, bắp cải, dưa hấu, cam.
- Tránh đồ ăn có hàm lượng thủy ngân cao thường có nhiều trong cá biển.
- Tránh đồ ăn lạnh, đồ ăn chưa chín.
- Tránh các loại đồ ăn, uống có vị chua, cay.
- Tránh các loại đồ uống có ga.
- Tránh các loại gia vị nồng như tỏi, tiêu, mù tạt.
- Tránh các loại thủy sản nhất là cá mè, cua, lươn, trai, hến, nhộng, rươi...
"Điều quan trọng nhất là mẹ khỏe, đủ sữa, không tăng cân, thậm chí còn giảm cân từ từ. Từ những món này, các mẹ có thể phối thành các bữa ăn cho phù hợp sở thích, điều kiện và thể trạng của mình. Lưu ý mâm cơm nên hài hòa: Rau, thịt, tôm, cá. Món ăn có món khô, món nước, chú trọng món nước, món hầm vì ăn đồ nước ra sữa nhanh và nhiều hơn. Các bữa ăn đổi món không nấu một món quá nhiều ăn trong mấy ngày không tốt cho bà đẻ.
Người phụ nữ khi sinh con là đã vượt qua cửa tử, chẳng thế các cụ đã nói "chửa là cửa mả". Phụ nữ sinh mổ thì ảnh hưởng sức khỏe sau này, phụ nữ sinh thường trải qua những cơn đau đẻ khủng khiếp ai đã trải qua mới thấu hiểu. Sau sinh cơ thể họ yếu đi nhiều và tâm sinh lý cũng thay đổi. Nên những ngày tháng sau sinh họ cần được những người thân quan tâm, chăm sóc.
Những bữa cơm cữ thuần Việt không chỉ là món ăn mà sâu xa hơn là biểu hiện của sự yêu thương, sự thấu hiểu của các bà mẹ, các ông chồng dành cho sản phụ. Khi họ nhận được sự quan tâm họ sẽ hồi sức nhanh chóng, có đủ sữa cho con bú, thấy vui vẻ thay vì stress hay trầm cảm. Và mình nghĩ rằng những em bé lớn lên bằng những bầu sữa hạnh phúc sẽ là các em bé khỏe mạnh và thông minh. Mong các bà mẹ bỉm sữa có những món ăn bổ dưỡng, ngon miệng, đẹp mắt nhé", chị Quyên gửi gắm.