Mười năm qua, biểu tình, bạo loạn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và có những khoảnh khắc mà nhiếp ảnh gia ghi lại khiến người xem nổi giận, day dứt, thở dài.
Một cặp đôi hôn nhau trên phố sau khi bạo loạn nổ ra ở thành phố Vancouver, tỉnh British Columbia của Canada hồi tháng 6/2011. Những cổ động viên hockey giận dữ sau khi đội nhà thua trong trận chung kết Stanley Cup đã tràn ra đường đập phá ở trung tâm Vancouver. Ảnh: Rich Lam.
Các binh sĩ Ai Cập bắt một người biểu tình trong các vụ xung đột chết người ở Quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo của Ai Cập hồi tháng 12/2011. Hình ảnh người biểu tình bị giậm chân lên người hiến những người biểu tình ủng hộ dân chủ thêm sục sôi chống lại lực lượng an ninh. Quảng trường Tahrir là trung tâm biểu tượng của cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak hồi tháng 2/2011. Ảnh: Stringer.
Một người biểu tình tỏ thái độ khi Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi của Libya bị đốt hồi tháng 9/2012. Bốn công dân Mỹ, trong đó có Đại sứ Mỹ tại Libya bị sát hại trong cuộc tấn công. Ban đầu, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama nghĩ vụ tấn công được thực hiện bởi một đám đông giận dữ phản đối một video sản xuất tại Mỹ có nội dung nhạo báng đạo Hồi và Nhà tiên tri Mohammed. Sau đó, vụ việc được xác định là tấn công khủng bố. Ảnh: Esam Al-Fetori.
Một sĩ quan cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ xịt hơi cay hồi tháng 5/2013 khi người dân biểu tình phản đối kế hoạch phá bỏ Công viên Gezi ở thủ đô Istanbul. Các vụ biểu tình sau đó biến thành các hoạt động chống chính phủ diễn ra trên khắp cả nước. Ảnh: Osman Orsai.
Người biểu tình chống chính phủ xung đột với cảnh sát ở thủ đo Kiev của Ukraine hồi tháng 2/2014. Quảng trường Độc lập ở Kiev là trung tâm của các vụ biểu tình chống chính phủ kể từ tháng 11/2013 khi Tổng thống Viktor Yanukovych đảo ngược quyết định về thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu. Ảnh: Jeff Mitchell.
Edward Crawford ném trả lại quả lựu đạn cay mà cảnh sát bắn ra để giải tán đám đông biểu tình ở thành phố Ferguson, bang Missouri của Mỹ hồi tháng 8/2014. Một số vụ biểu tình ở thành phố này đã biến thành đụng độ giữa người dân giận dữ và cảnh sát sau khi một thiếu niên da màu không vũ trang tên là Michael Brown bị một sĩ quan cảnh sát da trắng tên là Darren Wilson bắn chết. Ảnh: Robert Cohen.
Nhà hoạt động Ieshia Evans đứng giữa phố hồi tháng 7/2016 trong khi 2 sĩ quan cảnh sát tiến tới để bắt cô gần trụ sở chính của Sở Cảnh sát thành phố Baton Rouge, bang Louisiana, Mỹ. Cô là một trong hàng trăm người biểu tình phong tỏa một con đường ở Baton Rouge để phản đối cảnh sát lạm dụng bạo lực. Alton Sterling, một người đàn ông da màu 37 tuổi bị bắn chết bởi một trong 2 sĩ quan cảnh sát da trắng đối đầu với Sterling bên ngoài một cửa hàng tiện lợi ở Baton Rouge. Video cho thấy 2 cảnh sát ghì Sterling trên mặt đất rồi bắn người đàn ông này. Cảnh sát nói rằng, Sterling bị bắn vì đối tượng này đang với tay lấy súng. Ảnh: Jonathan Bachman.
Một người biểu tình bị bắt lửa trong một cuộc biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Caracas của Venezuela hồi tháng 5/2017. Vụ việc xảy ra khi đám đông biểu tình xung đột với cảnh sát và bình xăng của một xe mô tô cảnh sát phát nổ. Các bức ảnh khác cho thấy người đàn ông sau đó được chăm sóc các vết bỏng trên người. Ảnh: Ronaldo Schemidt.
Một chiếc xe hơi lao vào đám đông biểu tình phản đối cuộc tụ tập của các nhóm cực hữu – những người chủ trương thượng đẳng da trắng ở thành phố Charlottesville, bang Virginia, Mỹ hồi tháng 8/2017, khiến 1 người chết và 19 người bị thương. Lái xe James Alex Fields, 20 tuổi, bị kết án tù chung thân về tội giết người cấp độ 1 và một số tội danh khác. Ảnh: Ryan Kelly.
Người biểu tình Palestine hét to trong khi xung đột với binh sĩ Israel gần biên giới Gaza-Israel hồi tháng 4/2018. Quân đội Israel nói rằng, binh lính của họ bắn đạn thật về phía những người Palestine đang cố vượt qua hàng rào biên giới. Ảnh: Mohammed Salem.