Những bước chạy xé bóng tối

Căn phòng trọ của vận động viên điền kinh khiếm thị Vũ Tiến Mạnh trong ngõ Hàng Bột (Hà Nội), cạnh sân vận động Hàng Đẫy. Khi tôi đến, Mạnh đang loay hoay tìm chìa khóa mở cửa.

"Chị nhìn quanh giúp em xem có thấy chùm chìa khóa ở đâu không. Có hẹn với chị mà bạn cùng phòng em để chìa khóa sai vị trí". Qua cánh cửa sắt, tôi ngó vào phòng, mọi thứ sắp xếp rất ngăn nắp, bởi với những người như Mạnh, chỉ cần đồ đạc để sai chỗ là sẽ vất vả mò mẫm cả ngày.

Tìm không thấy, Mạnh rờ tay vào cửa sắt nói với tôi: "Phiền chị ra đầu ngách, rẽ phải, đi thêm 40m nữa đến đầu ngõ, nhìn bên tay trái sẽ thấy một quán ăn. Chị hỏi anh Linh, đấy chính là người dẫn đường của em. Chị nói anh ấy vào đây giúp em vụ này với".

Sinh ra để đối đầu thử thách

Ồ, một người không nhìn thấy gì mà chỉ đường vanh vách như người tinh mắt, kể cũng lạ. Anh Linh sau khi nghe tôi trình bày là chạy đi ngay, một lát sau đã thấy hai anh em xuất hiện. Mạnh khoác vai anh Linh, vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ. Nếu không biết trước Mạnh là người khiếm thị, và anh Linh là người dẫn đường, thì tôi sẽ không thấy có một chút gợn nào...

Vận động viên Vũ Tiến Mạnh (phải) và người dẫn đường Dương Vũ Hoàng Linh trong một lần tham gia giải chạy.

Vận động viên Vũ Tiến Mạnh (phải) và người dẫn đường Dương Vũ Hoàng Linh trong một lần tham gia giải chạy.

Mạnh sinh năm 2000, quê ở huyện Phù Ninh, Phú Thọ. Cho đến tận bây giờ, đã 24 tuổi, chàng trai này chưa bao giờ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Đôi mắt bị rung giật nhãn cầu bẩm sinh đã khiến Mạnh chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn đồng trang lứa. Vào lớp 1, bố mẹ gửi Mạnh đi học ở trường dành cho trẻ khuyết tật, cách nhà 15km. Từ lúc đó, cậu bé phải tự lập mọi thứ. Hai tuần bố mẹ mới có thời gian đón Mạnh về nhà ngày cuối tuần.

Lên cấp 2, Mạnh vào học một trường chuyên biệt ở Thái Nguyên. Tuy không nhìn thấy, nhưng Mạnh là cậu bé hướng ngoại, luôn vui vẻ, lạc quan. Chính điều đó đã hối thúc cậu dám cất bước lên để dò dẫm... chạy, thay cho việc tự ti ngồi một chỗ. Đôi mắt không thấy, nhưng đôi chân Mạnh lại rành đường. Theo đà, cậu mạnh dạn tham gia các giải chạy dành cho học sinh khuyết tật. Năm 2015, Mạnh xuống Hà Nội vừa học THPT vừa luyện tập chuyên nghiệp từ đó đến nay.

Nhà Mạnh có 2 anh em trai, cậu là anh cả. Mạnh bảo, cậu phải luôn nỗ lực để không là gánh nặng cho gia đình, là chỗ dựa cho em trai, và để xứng đáng với cái tên Mạnh mà bố mẹ đặt cho. Tập chạy nhiều nhưng chủ yếu Mạnh chạy cự ly ngắn. Thời điểm dịch COVID-19 kéo dài, Mạnh ở nhà và bắt đầu tập chạy dài. Và giải chạy dài đầu tiên ở cự ly 21km Mạnh tham gia cùng những người sáng mắt. Được mọi người cổ vũ, Mạnh có thêm niềm tin để dấn thân.

Một người mắt sáng theo đuổi đam mê đã khó, huống chi người khiếm thị như Mạnh. Để trụ lại được ở Hà Nội mà không phiền đến bố mẹ, ngoài giờ tập luyện, cậu tham gia tẩm quất trong nhóm người khiếm thị để có tiền ăn, tiền nhà. Bây giờ Mạnh đã trở nên nổi tiếng trên đường chạy với 3 huy chương bạc tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á 2023 tổ chức tại Campuchia trong lần đầu tham gia; vô địch giải Vô địch quốc gia Thể thao người khuyết tật năm 2024 môn điền kinh. Đó không phải là thành tích từ trên trời rơi xuống, mà là cả một hành trình của ý chí, kỉ luật và đam mê. Mạnh giờ đã là vận động viên tại Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội, thành viên đội tuyển điền kinh khuyết tật quốc gia.

Nội dung thi đấu dành cho người khiếm thị có các cự ly chạy ngắn nhưng Mạnh chưa thỏa đôi chân. "Người thường chạy được bao nhiêu thì mình cũng chạy được bấy nhiêu. Hãy lấy mốc của người bình thường để làm mục tiêu cho mình", Mạnh chia sẻ. Và Mạnh đã trở thành người khiếm thị đầu tiên ở Việt Nam chinh phục thành công cự li chạy dài vô cùng khắc nghiệt 42,195 km với thành tích xuất sắc 3 giờ 41 phút. "Khoảnh khắc chạm đích sau quãng đường dài, em bật khóc. Vậy là em đã thỏa ước mơ. Để sau em sẽ có những người khác dám xé bóng tối để bước ra ánh sáng bằng những sải chân mạnh mẽ", Mạnh xúc động nhớ lại.

Trước Mạnh thuê trọ ở xa, ngày nào cũng phải đi xe ôm đến sân tập luyện. Giờ ở gần sân nên việc đi lại thuận lợi hơn. Hằng ngày, với cây gậy dẫn đường, Mạnh có thể tự đi bộ từ nhà trọ đến sân vận động Hàng Đẫy để tập chạy. Tuy rằng quá trình dò đường ấy cũng để lại những vết sẹo trên cơ thể sau những lần va, ngã.

Mạnh kể về "chiến tích" gần đây nhất: "Cuối năm 2023, em tập chạy với người dẫn đường vào buổi sáng trong sân Hàng Đẫy. Tập xong thì huấn luyện viên rời tay em ra, cho em chạy thả lỏng một mình. Đường chạy trong sân em đã quá quen. Nhưng bỗng em đâm sầm vào chướng ngại vật và ngã lăn ra. Mọi người chạy tới, cuống quýt định đưa em đi bệnh viện. Lúc ấy em sờ tay lên mặt thấy máu chảy, mới biết mình bị một vết rách khá sâu ở đuôi mắt. Em đã đâm vào hàng ghế đặt giữa đường chạy. Bình thường đường chạy rất thoáng. Nhưng hôm đó buổi chiều có trận bóng đá nên ban tổ chức xếp hàng ghế của cầu thủ hai đội giữa đường chạy. Em va chạm quen rồi, vẫn chịu được, nên nhất định không đi bệnh viện. Bây giờ thì vết rách đã thành sẹo rồi".

Pacer nhiều duyên nợ

Có một điều đặc biệt, những vận động viên khiếm thị như Mạnh sẽ không thể tự luyện tập, tự thi đấu, mà luôn cần có pacer - người dẫn đường. Đó cũng là những vận động viên điền kinh có thể lực và kĩ thuật tốt. Người dẫn đường cho Mạnh trong những giải chạy gần đây là anh Dương Vũ Hoàng Linh. Là dân điền kinh chuyên nghiệp, có kinh nghiệm thi đấu và thường xuyên hỗ trợ cho các đội tuyển điền kinh Hà Nội, anh Linh là một trong những người dẫn đường đầu tiên ở Việt Nam dắt các vận động viên khiếm thị chạy từ năm 2002 để tham gia Para Games.

"Những ngày đầu hỗ trợ các bạn khiếm thị, mình tò mò lắm. Mình nhắm mắt lại còn chả đi được, thì các bạn ấy chạy thế nào. Ở bên những chân chạy đặc biệt, mình không những được chạy, mà còn được truyền nội lực, sự quyết tâm", anh Linh chia sẻ.

Họ đặc biệt gắn bó với nhau trên đường chạy và trong cuộc sống đời thường.

Họ đặc biệt gắn bó với nhau trên đường chạy và trong cuộc sống đời thường.

Gắn bó với những bước chân của Mạnh vài năm nay, anh Linh kể lại kỷ niệm dở khóc dở cười: "Thời gian đầu, hai thầy trò luyện tập với nhau ngoài đường. Nhiều người xì xèo, hai thằng con trai chạy cùng nhau, lại còn nắm tay nhau, gắn với nhau bởi một sợi dây, rồi cứ hô xin đường, đúng là có vấn đề. Nhưng mặc kệ, hai em vẫn chạy. Có lẽ chính từ hình ảnh chúng tôi sóng đôi ngoài đường, mọi người mới nhận diện được đó chính là người chạy khiếm thị và người dẫn đường. Đã có ánh nhìn chia sẻ, câu động viên thay vì ngờ vực dành cho chúng tôi".

Để có thể dắt người khiếm thị chạy, mà là chạy thi đấu, là một điều không hề đơn giản. Người dẫn đường thường chạy bên phải vận động viên và sử dụng một sợi dây kết nối với khoảng cách tối đa là 20cm. Để có thể điều hướng cho Mạnh, thì những ám hiệu đã trở nên quen thuộc, khi thì huých vai, giật dây, hoặc hô "trái", "phải". Trong quá trình thi đấu, người dẫn đường có nhiệm vụ điều hướng chạy, nhưng tuyệt đối không kéo hoặc ghìm người chạy để thay đổi vận tốc của họ. Người dẫn đường phải kiên trì và có tinh thần vì người khác. Để có những bước chạy đồng điệu và nhịp nhàng, họ không chỉ hiểu nhau trên đường chạy nhọc nhằn, mà còn chia sẻ, đồng cảm cùng nhau trong cuộc sống.

Tham gia giải chạy 21km ở Quảng Bình tháng 3/2023 là một kỉ niệm đáng nhớ của cặp chạy này. Anh Linh kể: "Ở nhà chúng tôi chỉ nghĩ là đường chạy bình thường, không ngờ lại chạy xuyên khu Phong Nha - Kẻ Bàng với địa hình phức tạp. Khi xuất phát được 200m thì trước mặt chúng tôi là đoạn dốc cắm thẳng xuống khoảng 2km. Chạy một mình xuống dốc đã khó, nhưng chạy dẫn đường thì vận tốc phải phụ thuộc vào người chạy nên rất khó khăn. Chạy chùn cả chân, nhưng cả hai đều tự nhủ phải cố gắng, sắp hết con dốc rồi, phía trước chắc là đường bằng. Nhưng khi hết con dốc xuống, trước mặt lại là một con dốc lên tầm 2km nữa. Cảm giác hụt hơi. Và quãng đường cứ lên dốc xuống dốc như thế. Đến khi cách đích khoảng 3km thì chạy qua khu vực nhà dân. Tôi bất ngờ phát hiện có mấy chú chó ven đường nên cảnh báo cho Mạnh. Ai ngờ Mạnh vừa chạy vừa cố ý huýt sáo. Vậy là chó đuổi theo. Đoạn cuối đã mệt muốn đứt hơi, nhưng vẫn phải dắt nhau chạy thục mạng. Nhưng cũng chính vì thế nên chúng tôi cũng rút ngắn được một khoảng thời gian đáng kể để về đích".

Với Mạnh, anh Linh luôn là người anh cho cậu ánh sáng, đường đi, kĩ thuật thi đấu và cả động lực vươn lên. Có lúc mệt quá, Mạnh không chạy nổi, anh Linh phải động viên, thậm chí gào thét để sốc tinh thần cho cậu. Và khi đã vững đôi chân, chính Mạnh lại muốn kéo những người bạn khiếm thị mạnh mẽ đứng dậy, xỏ giày ra sân và rảo bước lên. Năm 2021, Mạnh thành lập Câu lạc bộ Người khiếm thị yêu chạy Việt Nam. Lúc ấy không ít người bảo Mạnh là viển vông, là "ốc không mang nổi mình ốc lại còn mang cọc cho rêu".

Nhưng Mạnh vẫn quyết tâm, bởi có rất nhiều người kém may mắn cần đến những đường chạy để trở nên mạnh mẽ. Câu lạc bộ hiện tại có 20 thành viên ở nhiều độ tuổi, hoàn cảnh, công việc kiếm sống khác nhau. Sáng chủ nhật hàng tuần, họ hẹn nhau cùng chạy ở công viên Bách Thảo. Thật tuyệt vời khi có nhiều người sáng mắt đã tình nguyện làm người dẫn đường cho họ. Là chủ nhiệm câu lạc bộ, Mạnh kiên trì nhen nhóm tinh thần chạy bộ, là huấn luyện viên hướng dẫn người chạy, hướng dẫn cả cho người dẫn đường.

Thời gian đầu, có những bạn không chạy nổi 100m, nhưng đến nay hầu hết các thành viên đều chạy được quãng đường tối thiểu 5km. Ở câu lạc bộ của Mạnh, những bước chạy không đơn thuần chỉ là hoạt động, mà là hành trình vượt qua chính mình, là con đường để những người kém may mắn bước ra ánh sáng, hòa nhập cuộc sống. Có bao nhiêu niềm vui, sự sẻ chia ấm áp được lan đi.

Huyền Châm

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/nhung-buoc-chay-xe-bong-toi-i733872/