Những bước hành trình
Nhìn lại hành trình hơn 15 năm tái cơ cấu toàn diện, hiện đại và bền vững, ngành Nông nghiệp thành phố Đà Lạt chuyển biến rõ nét về chuyển đổi cây trồng phù hợp, góp phần tạo bước phát triển những vùng sản xuất chuyên canh tập trung về cây công nghiệp, rau, hoa với quy mô lớn, đáp ứng nguyên liệu cho thị trường chế biến, từ đó phát huy lợi thế so sánh về tiềm năng, thế mạnh của địa phương…
• LIÊN TỤC CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG HIỆU QUẢ KINH TẾ THẤP
Theo UBND thành phố Đà Lạt, kết thúc năm 2021, giá trị sản xuất toàn thành phố Đà Lạt tăng 6,9% so với kế hoạch. Trong đó, ngành nông - lâm, thủy sản tăng 8,3%. So sánh trong cơ cấu giá trị sản xuất của các ngành kinh tế trong thành phố Đà Lạt thì tỷ trọng ngành nông - lâm thủy sản chiếm gần 16,4%. Riêng lĩnh vực trồng trọt chiếm đến 87% trong cơ cấu ngành nông nghiệp Đà Lạt. Cụ thể, diện tích nông nghiệp công nghệ cao đạt 6.950 ha, tăng 220 ha so với năm 2020 và chiếm 66,2% trên tổng diện tích đất nông nghiệp. Giá trị thu hoạch bình quân 1 ha diện tích đất canh tác 400 triệu đồng/ha/năm. Tiêu biểu thu nhập các loại cây trồng khá cao như: rau cao cấp 790 triệu đồng/ha/năm, hoa 960 triệu đồng/ha/năm, chè chất lượng cao 370 triệu đồng/ha/năm.
Những mô hình chuyển đổi cây trồng ứng dụng công nghệ cao được ngành Nông nghiệp Đà Lạt tiếp tục triển khai có hiệu quả, nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước và vốn đối ứng của hộ nông dân tham gia trong năm 2021 được ghi nhận gồm: 2 mô hình nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh với tổng diện tích 2,8 ha tại Phường 5 và xã Xuân Thọ; 1 mô hình trồng 28.570 cây dâu tây các giống Hana, Akihime, Samyong, Bạch tuyết má hồng, Newzealand… Đáng kể, trong năm 2021, toàn thành phố Đà Lạt đã thành lập mới 7 hợp tác xã (HTX) hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp là: HTX Sản xuất và kinh doanh atiso Thuận Phát, Phường 12; HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Sơn tại xã Trạm Hành; HTX Dịch vụ nông sản Anh Đào, Phường 9; HTX Lâm Hồng, Phường 10; HTX Sống Lành, Phường 7; HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại tổng hợp Vũ Hóa, Phường 9; HTX Nông nghiệp Rau Vườn Nhà RAVANA, Phường 9.
Trước đó, trong năm 2020, toàn thành phố Đà Lạt thống kê diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 18.560 ha, cây lâu năm 5.948,8 ha. Tính riêng trong 5 năm (2015- 2019), thành phố Đà Lạt liên tục chuyển đổi những diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang những chủng loại cây trồng ứng dụng canh tác công nghệ cao, đạt năng suất, chất lượng cao như: Năm 2015 (4.750 ha), năm 2016 (4.960 ha), năm 2017 (5.493 ha), năm 2018 (5.970 ha), năm 2019 (6.530 ha)…
• TĂNG VƯỢT TRỘI GIÁ TRỊ THU NHẬP TRÊN ĐƠN VỊ DIỆN TÍCH
Điển hình các loại cây trồng chủ lực áp dụng công nghệ cao được chuyển đổi tăng diện tích đáng kể trong 5 năm qua là: Cây hoa đạt 5.870 ha (tăng 43,1% so với năm 2015), sản lượng 2,7 tỷ cành; diện tích ứng dụng công nghệ cao 1.854 ha; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên một đơn vị diện tích đạt 950 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm; nhiều diện tích hoa lily, hoa địa lan có giá trị thu hoạch từ 2,5 - 3 tỷ đồng/ha/năm. Cây rau đạt 12.057 ha (tăng 23% so với năm 2015), sản lượng 450 ngàn tấn; diện tích ứng dụng công nghệ cao 3.115 ha; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên một đơn vị diện tích 780 triệu đồng/ha/năm; một số mô hình canh tác rau cao cấp có giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân từ 1 - 1,2 tỷ đồng/ha/năm (rau thủy canh, rau theo quy trình VietGAP, GlobalGAP). Cây chè đạt 275,8 ha, sản lượng đạt hơn 3.861 tấn; diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt 210 ha; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên một đơn vị diện tích đạt khoảng 370 triệu đồng/ha/năm. Cây cà phê đạt 5.150 ha, sản lượng 16.170 tấn; diện tích ứng dụng công nghệ cao 1.374 ha, giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân đạt 210 triệu đồng/ha/năm. Cây dâu tây đạt 140 ha, trong đó 102 ha áp dụng các giải pháp công nghệ sử dụng giống mới, canh tác trong nhà kính, tưới nước, bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân đạt 3 - 4 tỷ đồng/ha/năm. Nhiều mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ đạt hiệu quả cao như: Công ty Đà Lạt Hasfarm, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Rừng Hoa, Công ty Kim Bằng, HTX Anh Đào, HTX Tân Tiến, Công ty TNHH Đà Lạt GAP… đạt doanh thu từ 1 - 3 tỷ đồng/ha/năm...
Thống kê tổng sản lượng rau toàn thành phố Đà Lạt xuất khẩu bình quân hàng năm 1.500 tấn, tập trung tại các thị trường Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… Sản lượng hoa xuất khẩu đạt 114 triệu cành tập trung tại các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Diện tích cây hàng năm áp dụng mô hình tưới tự động, tưới nhỏ giọt đạt 90% trên tổng diện tích đất canh tác. Thành phố Đà Lạt cũng đã xây dựng 3 vùng sản xuất đạt tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 7 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao; 6 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
“Tính đến nay, sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là sau khi thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ; ngành Nông nghiệp của thành phố Đà Lạt đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo sự chuyển biến rõ nét với tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn bình quân chung của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp đã tạo bước phát triển những vùng sản xuất chuyên canh tập trung về cây công nghiệp, rau, hoa với quy mô lớn, từ đó nâng cao năng suất, giá trị, thu nhập cho người nông dân, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…”, theo đánh giá của UBND thành phố Đà Lạt.