Những bước tiến của ngành nông nghiệp Vĩnh Linh

Xác định nông nghiệp là 'trụ đỡ' của nền kinh tế, thời gian qua, huyện Vĩnh Linh tiếp tục thực hiện cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi; cùng với đó là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đẩy mạnh liên kết từ canh tác đến tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, ngành nông nghiệp địa phương đạt được kết quả toàn diện.

Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại thôn Động Sỏi, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh -Ảnh: A.K

Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại thôn Động Sỏi, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh -Ảnh: A.K

Thuận lợi cơ bản trong sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Linh chính là sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành, sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung cho các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân. Nhiều chính sách trên lĩnh vực “tam nông” tiếp tục đi vào cuộc sống, tạo động lực cho sự phát triển. Huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp phát triển nông nghiệp toàn diện, nhất là chú trọng đến ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Từ năm 2012 đến nay, có trên 20 đề tài, dự án về nông, lâm, ngư nghiệp được huyện xét chọn với tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện hơn 600 triệu đồng và được ứng dụng thành công, nhân rộng vào thực tế sản xuất.

Tiêu biểu như các dự án: ứng dụng vi sinh vật trong chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ tại xã Vĩnh Chấp; nhân rộng mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ; ứng dụng công nghệ trồng ném trên lưới xăngtylen tại xã Kim Thạch; nuôi tôm 2 giai đoạn nhằm hạn chế dịch bệnh; nuôi cá nước ngọt - cá lóc đồng thuần chủng... Đặc biệt chú trọng khuyến khích các địa phương, hợp tác xã, hộ sản xuất áp dụng công nghệ sơ chế, chế biến sâu nông sản chủ lực. Hiện toàn huyện có khoảng 20 hợp tác xã, doanh nghiệp và nhiều cơ sở đã trang bị, nâng cấp cơ sở vật chất, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đã tác động đến quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tại Vĩnh Linh. Trên địa bàn hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, khai thác tiềm năng vùng, tạo ra sản phẩm chủ lực có khả năng cạnh tranh.

Trong đó, quy hoạch vùng sản xuất tiêu tập trung với diện tích 1.300 ha ở các xã vùng Đông; vùng sản xuất chuyên canh cây cao su tập trung tại vùng phía Tây với diện tích cây cao su đạt 6.570 ha; vùng trọng điểm lúa tại các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Long, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy có quy mô diện tích lớn trên 2.000 ha; vùng trồng cây ăn quả tập trung chủ yếu ở các xã Trung Nam, Vĩnh Tú, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thủy và thị trấn Bến Quan; huyện đã quy hoạch được vùng nuôi tôm thâm canh tập trung với tổng diện tích 315 ha thuộc các xã Vĩnh Sơn, Hiền Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Thái, Vĩnh Lâm.

Việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng được gắn liền sản xuất và liên kết bao tiêu sản phẩm. Nhiều mô hình tiêu biểu như: mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới hữu cơ của Công ty Cổ phần quỹ đầu tư ISRAEL tại thôn Động Sỏi, xã Kim Thạch; mô hình trồng rau, củ, quả sạch theo phương pháp thủy canh và mô hình trồng rau, củ, quả sạch trong nhà màng và hệ thống tưới tự động với tổng diện tích gần 3 ha tại xã Trung Nam và xã Vĩnh Tú; mô hình cánh đồng mẫu lớn 3.800 ha lúa triển khai tại 30 đơn vị hợp tác xã, trong đó có 400 ha thực hiện sản xuất lúa liên kết và 158 ha sản xuất theo hướng hữu cơ với các công ty trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra Vĩnh Linh có 17 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt VietGAP hoặc tương đương; 17 sản phẩm OCOP; 14 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Kết quả sản xuất hằng năm của huyện Vĩnh Linh đạt khá. Năm 2024, sản xuất lúa được mùa cả 2 vụ, diện tích gieo trồng cả năm đạt gần 7.000 ha, sản lượng đạt 39.927 tấn, tăng 648 tấn so với năm 2023. Diện tích cây công nghiệp lâu năm tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Diện tích hồ tiêu đạt 1.325 ha, diện tích đưa vào kinh doanh 1.293 ha, sản lượng 1.680 tấn. Diện tích cây cao su 6.454 ha, sản lượng ước đạt 9.503 tấn.

Phát triển chăn nuôi từng bước trở thành ngành sản xuất chính, chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 47 trang trại chăn nuôi gia cầm gồm: 12 trang trại chăn nuôi nhỏ và 35 trang trại chăn nuôi vừa. Các trang trại này có quy mô nuôi từ 5.000 con trở lên; 102 trang trại chăn nuôi lợn, gồm: 75 trang trại chăn nuôi nhỏ, 20 trang trại chăn nuôi vừa, 13 trang trại chăn nuôi lớn. Bên cạnh đó có 6 trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao có sự đầu tư của các doanh nghiệp với quy mô 2.400 - 3.600 lợn nái, 24.000 lợn thịt.

Huyện Vĩnh Linh cũng từng bước phát triển thủy sản theo hướng bền vững. Trong đó, lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục duy trì, phát triển các đối tượng nuôi truyền thống và đưa một số đối tượng mới vào nuôi như cá trắm, trê lai, trê phi, mè, rô phi đơn tính, cá chép, cá rô đầu vuông... Lĩnh vực khai thác chú trọng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, du nhập nghề mới phù hợp với ngư trường, khai thác gắn với bảo vệ môi trường và phát triển nguồn lợi thủy sản. Năm 2024, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 6.300 tấn. Trong đó, khai thác đạt sản lượng 4.000 tấn và nuôi trồng đạt trên 2.300 tấn.

Những kết quả đạt được trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỉ lệ hộ nghèo và đưa Vĩnh Linh trở thành huyện nông thôn mới. Đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt 63 triệu đồng/người/ năm; tỉ lệ hộ nghèo của huyện còn 1,57%.

Đây cũng là cơ sở để huyện Vĩnh Linh tiếp tục phát triển các mô hình tổ chức sản xuất, chuyển mạnh sang sản xuất sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao theo hướng liên kết sản xuất giữa người dân với tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp nhằm giải quyết hiệu quả từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Anh Khoa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nhung-buoc-tien-cua-nganh-nong-nghiep-vinh-linh-191213.htm