Những bước tiến của phẫu thuật cột sống trong điều trị các bệnh lý cột sống
Trong 3 ngày (25, 26 và 27-7), tại TP Đà Nẵng đã diễn ra hội nghị quốc tế về phẫu thuật cột sống ít xâm lấn khu vực Đông Nam Á lần thứ 9 – năm 2024. Đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức tại Việt Nam với sự phối hợp đăng cai tổ chức của Bệnh viện Đà Nẵng, Hội phẫu thuật cột sống ít xâm lấn khu vực Đông Nam Á và Hội Phẫu thuật thần kinh Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS Đồng Văn Hệ - Chủ tịch Hội phẫu thuật Thần kinh Việt Nam cho biết, phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu đại diện cho một bước tiến quan trọng trong khả năng điều trị các bệnh lý cột sống với độ chính xác cao và giảm thiểu tối đa sự xâm lấn đến cuộc sống của bệnh nhân. Bằng cách sử dụng các kỹ thuật và công nghệ đổi mới, bệnh nhân có thể đạt được những kết quả mà trước đây tưởng chừng không thể. Hội nghị này là một nền tảng để chia sẻ kiến thức, trao đổi ý tưởng, và thúc đẩy sự hợp tác giữa các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới.
Với chủ đề: “Ứng dụng nội soi và các phẫu thuật ít xâm lấn trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý cột sống”, hội nghị thu hút hơn 500 đại biểu trong nước và quốc tế. Trong số này có hơn 120 đại biểu quốc tế là các chuyên gia đầu ngành, GS, PGS, bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh, cột sống và chấn thương chỉnh hình đến từ 18 quốc gia trên thế giới như: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines…
Hội nghị gồm 1 phiên toàn thể và 21 phiên chuyên đề với gần 120 bài báo cáo của 100 báo cáo viên, chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự. Các đại biểu tham dự đã được nghe chuyên gia phân tích, chia sẻ kinh nghiệm về phẫu thuật ít xâm lấn trong lĩnh vực thần kinh, cột sống như: Phẫu thuật nội soi cột sống cổ, bệnh lý u cột sống, phẫu thuật nội soi cột sống 1 cổng, các phương pháp xâm lấn tối thiểu điều trị chấn thương cột sống, phẫu thuật nội soi 1 cổng trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, điều trị trượt đốt sống thắt lưng, các kỹ thuật mổ cột sống ít xâm lấn và công nghệ hỗ trợ.
Chia sẻ về sự kiện đặc biệt này tại phiên khai mạc, Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Thanh Thủy - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng khẳng định, ngành Y tế thành phố và Bệnh viện Đà Nẵng rất vinh dự được Hội Phẫu thuật cột sống ít xâm lấn khu vực ASEAN, Hội Thần kinh Việt Nam chọn là địa điểm và cùng phối hợp tổ chức.
Với mục tiêu phát triển TP Đà Nẵng thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu đảm nhiệm chức năng vùng và phát triển y tế du lịch đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu theo chỉ đạo của Trung ương và định hướng quy hoạch ngành y tế của thành phố, Đà Nẵng đã tập trung đầu tư cho các cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối của thành phố về cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực. Trên cơ sở đó, các đơn vị y tế luôn nỗ lực học tập, trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao kỹ thuật với tổ chức, đơn vị tuyến trên trong nước và nước ngoài nhằm tiếp cận nhanh với nền y học tiên tiến trong nước, khu vực và quốc tế, đặc biệt là các kỹ thuật y tế chuyên sâu. Qua đó, các bệnh viện tuyến cuối từng bước tiếp nhận, triển khai và làm chủ các kỹ thuật chuyên sâu, giúp người dân được sử dụng dịch vụ y tế chuyên sâu, chất lượng cao ngay tại quê nhà.
Là bệnh viện đa khoa hạng 1 tuyến cuối thành phố, Bệnh viện Đà Nẵng không chỉ thực hiện nhiệm vụ thu dung điều trị cho người dân của thành phố mà còn là địa chỉ khám chữa bệnh uy tín cho nhân dân các tỉnh lân cận, với 40% người bệnh khám chữa bệnh tại đây là người dân ngoại tỉnh. Bệnh viện đã, đang trên con đường định hướng phát triển thành Bệnh viện đa trung tâm chuyên sâu, hướng đến hội nhập khu vực.
Cũng theo bà Trần Thanh Thủy, với quy mô, sự lan tỏa, tính hấp dẫn của hội nghị, đây không chỉ là diễn đàn khoa học, có giá trị để trao đổi, thảo luận về chuyên môn kỹ thuật, cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán, chăm sóc, điều trị các bệnh lý cột sống mà còn là cơ hội quý báu kết nối các chuyên gia trong nước với quốc tế, thiết lập mối quan hệ hợp tác sâu sắc giữa các cá nhân, tổ chức trong chuyên ngành; qua đó góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe người bệnh.