Những bước tiến vững chắc và tầm nhìn đến năm 2030 của Giáo dục Điện Biên
Điện Biên đạt nhiều thành tựu về trường lớp, phổ cập giáo dục và đặt mục tiêu phát triển toàn diện đến năm 2030.

Giờ ngoại khóa của cô trò trường Mầm non Thanh Hưng.
Toàn cảnh giáo dục Điện Biên giai đoạn 2021–2025
Trong 5 năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã không ngừng nỗ lực để vượt qua những khó khăn đặc thù của một tỉnh miền núi, địa bàn rộng, dân cư phân tán, kinh tế còn nhiều hạn chế. Việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực giáo dục được thực hiện đồng bộ từ cơ sở đến cấp tỉnh, mang lại nhiều kết quả tích cực. Toàn ngành hiện có 486 trường, trung tâm, vượt 9 đơn vị so với kế hoạch giao. Với 7.334 lớp và 207.265 học sinh, sinh viên, ngành giáo dục đã vượt 323 học sinh so với mục tiêu đề ra.
Quy mô giáo dục trải đều trên các cấp học. Bậc mầm non có 168 trường với 2.372 lớp/nhóm trẻ và hơn 54.500 trẻ. Cấp tiểu học duy trì 140 trường với gần 75.300 học sinh, trung học cơ sở có 123 trường với hơn 54.400 học sinh, trong khi bậc trung học phổ thông giữ vững quy mô 33 trường với hơn 20.700 học sinh. Ngoài ra, hệ thống giáo dục thường xuyên và trung tâm ngoại ngữ - tin học vẫn hoạt động hiệu quả, góp phần mở rộng cơ hội học tập cho người dân, đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Học sinh trường THCS Pá Mỳ thể dục giữa giờ.
Tỷ lệ huy động học sinh ở nhiều độ tuổi đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 99,94%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,96%, học sinh từ 11 đến 14 tuổi học THCS đạt 98,04%, trong khi tỷ lệ học sinh 15 đến 18 tuổi đến trường đạt 80,47%, vượt hơn 10% so với kế hoạch tỉnh giao. Đây là kết quả đáng ghi nhận cho thấy những nỗ lực lớn trong công tác huy động học sinh, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa.
Cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục được nâng cao
Theo Sở GD&ĐT Điện Biên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn vừa qua. Toàn ngành hiện có 7.438 phòng học, trong đó có tới 5.724 phòng kiên cố, chiếm hơn 77%. Tuy nhiên, cơ sở vật chất ở một số phân khu vẫn còn hạn chế, nhất là các phòng nội trú và phòng công vụ cho giáo viên, nơi mà tỷ lệ kiên cố chỉ đạt khoảng 55% và 39% tương ứng. Đây vẫn là vấn đề cần được tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Học sinh trường PTDTBT Tiểu học Phì Nhừ, tỉnh Điện Biên xếp hàng, điểm danh chuẩn bị ăn tối tại trường.
Việc bổ sung thiết bị dạy học được triển khai trên toàn hệ thống, với tổng số hơn 1,6 triệu thiết bị cơ bản đáp ứng 51% định mức tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT. Ngành đã chủ động rà soát, mua sắm thêm thiết bị từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu, ưu tiên cho các khối lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Song song với đầu tư vật chất, công tác nâng cao chất lượng giáo dục cũng được chú trọng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 382/464 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm hơn 82%, và 391 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng. Tỉnh Điện Biên giữ vững phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tiểu học và THCS ở mức độ 3. Năm 2024, đã có 61 lớp xóa mù chữ được mở cho gần 1.400 học viên, và trong năm 2025 sẽ tổ chức tiếp 30 lớp cho hơn 700 người, nâng cao tỷ lệ người biết chữ mức độ 2.
Ông Ngô Xuân Chiến, nguyên Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ (cũ) từng chia sẻ: “10 năm qua, địa phương này đã quan tâm, chỉ đạo mở được hơn 130 lớp xóa mù chữ cho hơn 2.200 người dân. Cùng với phát triển trường lớp học, đưa học sinh tới trường thì các lớp xóa mù chữ đã góp phần quan trọng nâng tỷ lệ người biết chữ tại địa phương”.

Giáo viên "đi từng ngõ, gõ từng nhà" điều tra phổ cập.
Những thách thức và khoảng trống cần lấp đầy
Bên cạnh những kết quả nổi bật, ngành giáo dục tỉnh Điện Biên vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Với đặc thù là tỉnh miền núi, giao thông chia cắt, nhiều bản làng nằm cách xa trung tâm xã, việc huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số và giảm thiểu học sinh bỏ học luôn là bài toán nan giải. Ở nhiều nơi, tình trạng học sinh nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, hoặc kết hôn sớm, hoặc đi theo người thân di cư tự do vẫn diễn ra. Đặc biệt, học sinh không chuyên cần vẫn là một thực trạng cần giải pháp căn cơ.

Học sinh các điểm bản khó đến lớp cùng chiếc cặp lồng cơm.
Một trong những vấn đề đáng lo ngại là tình trạng thiếu giáo viên, nhất là ở bậc mầm non. Năm học 2024–2025, toàn tỉnh thiếu 2.076 giáo viên, trong đó có 915 giáo viên mầm non, 522 tiểu học, 406 THCS và 233 THPT. Các môn học tích hợp, môn chuyên biệt như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật cũng rơi vào tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng.
Bà Hoàng Tuyết Ban, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: “Việc thiếu giáo viên gây áp lực rất lớn, đặc biệt ở cấp học mầm non, cá biệt có đơn vị chỉ bố trí được 1 giáo viên/lớp. Thiếu giáo viên còn ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, hoạt động ngoại khóa, hỗ trợ cá nhân học sinh vùng khó, đồng thời cản trở việc triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Không chỉ thiếu người dạy, việc tuyển dụng giáo viên cũng gặp nhiều trở ngại như: khó khăn trong nguồn tuyển một số môn chuyên biệt, chính sách đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn… Tình trạng biến động đội ngũ, đặc biệt là tại vùng sâu vùng xa ngày càng phổ biến.

Học sinh trường PTDTBT THCS Pu Nhi ăn trưa tại trường.
Mục tiêu đến năm 2030: Phát triển bền vững và toàn diện
Bước vào giai đoạn 2026–2030, ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên xác định tiếp tục bám sát mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung vào phát triển bền vững, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo công bằng trong tiếp cận học tập.
Một trong những mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, 100% phòng học và phòng nội trú sẽ được kiên cố hóa. Tất cả các xã nông thôn trên địa bàn sẽ đạt tiêu chí số 5 (về trường học) và tiêu chí số 14 (về giáo dục và đào tạo). Tỉnh cũng đặt mục tiêu đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi, duy trì phổ cập các cấp tiểu học, THCS và xóa mù chữ mức độ 2.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ triển khai các dự án lớn như thành lập Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Điện Biên, sáp nhập các trường cao đẳng thành Trường Cao đẳng Điện Biên, tổ chức lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên (áo trắng) cùng ông Cù Huy Hoàn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
"Trong công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, tỉnh Điện Biên thể hiện quyết tâm cao với tinh thần chỉ đạo từ cấp tỉnh. Không có việc gì là nhỏ trong kỳ thi. Mỗi cán bộ làm thi phải là người có tâm, tầm, thực hiện nhiệm vụ bằng sự nghiêm túc, trách nhiệm cao nhất”, ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tỉnh cũng định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích tổ chức thành lập tổ hợp giáo dục như FPT, đẩy mạnh hợp tác đào tạo với các tỉnh Bắc Lào, Thái Lan, Vân Nam – Trung Quốc nhằm nâng cao tính hội nhập.
Những bước tiến trong giai đoạn 2021–2025 là tiền đề quan trọng để Điện Biên hiện thực hóa mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện đến năm 2030. Với quyết tâm của ngành, sự vào cuộc của toàn xã hội và định hướng đúng đắn từ cấp ủy, chính quyền, Điện Biên hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng vào một hệ thống giáo dục phát triển bền vững, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương.
Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên tính đến 10/7/2025
Giám đốc: bà Hoàng Tuyết Ban.
Các Phó Giám đốc gồm các ông: Cù Huy Hoàn, Lê Quang Vinh, Trần Đăng Ninh và bà Lò Thị Thời.
Văn phòng Sở: Số 867, đường Võ Nguyên Giáp, Phường Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.