'Mong tiếng nói của núi rừng không bị lu mờ trong dòng chảy của đổi thay'

Đó là tâm sự của bà Hồ Thị Chi, cá nhân tiêu biểu tỉnh Quảng Ngãi, khi nói về những khó khăn của người dân ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập xã.

Bà Hồ Thị Chi (tỉnh Quảng Ngãi) là cá nhân tiêu biểu duy nhất có tham luận trực tiếp tại Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ tư khóa 10 diễn ra sáng 10/7.

Bà Hồ Thị Chi là cá nhân tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Bình Minh

Bà Hồ Thị Chi là cá nhân tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Bình Minh

“Tôi là người dân tộc Cor, sinh ra và lớn lên tại miền núi hẻo lánh của tỉnh Quảng Ngãi, nơi núi cao, suối sâu, quanh năm mây phủ. Vì vậy, tôi thấu hiểu nỗi vất vả, gian truân mà người dân vùng cao đang phải gánh chịu”, bà Chi bày tỏ.

Theo bà Chi, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã đã được triển khai rộng khắp cả nước theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tại đồng bằng, đô thị, việc này mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhưng ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, sau khi sáp nhập, người dân đang gặp khó khăn trong cuộc sống thường ngày.

Nhiều bản làng nằm sâu trong núi, muốn ra trung tâm xã phải đi mất hơn một giờ đồng hồ. Ảnh: Thạch Thảo

Nhiều bản làng nằm sâu trong núi, muốn ra trung tâm xã phải đi mất hơn một giờ đồng hồ. Ảnh: Thạch Thảo

Chẳng hạn, về địa hình và giao thông, xã sau sáp nhập trở nên rộng lớn hơn nhiều, nhưng hạ tầng lại chưa được cải thiện tương ứng. Nhiều bản làng nằm sâu trong núi, muốn ra trung tâm xã phải đi mất hơn một giờ đồng hồ. Mùa mưa đến, đường trơn trượt, đất đá sạt lở, có những bản bị cô lập hoàn toàn. Nhiều đoạn đường đã xuống cấp trầm trọng.

“Có những người dân phải đi từ sáng sớm để làm giấy khai sinh, giấy xác nhận nhập học cho con cháu. Chưa kể trường hợp người già, phụ nữ mang thai, người có hoàn cảnh khó khăn, phải đi bộ vì không có phương tiện, thì việc di chuyển càng vất vả hơn”, bà Chi kể.

Trong khi đó, hiện nay, tại nhiều xã miền núi, ủy ban nhân dân xã, công an, trạm y tế, trường học… không nằm tập trung mà phân tán ở nhiều khu vực, cách xa nhau hàng chục cây số.

Những khó khăn của địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, đặc khu là có thật. Vẫn còn hàng trăm thôn, bản nằm trong vùng lõm sóng, người dân phải ra ủy ban thì mới làm được các thủ tục hành chính. Để tháo gỡ khó khăn, 3.321 đội xung kích tình nguyện của thanh niên được cử xuống tất cả 3.321 xã để hỗ trợ cho bà con thực hiện dịch vụ công và thủ tục hành chính trên mạng. Cùng với đó, chương trình “Bình dân học vụ số” cũng đang được triển khai rộng khắp. Cứ tiếp cận dần thì chúng ta sẽ làm được. Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Chẳng hạn, muốn lấy giấy xác nhận thông tin về cư trú (mẫu TC07), người dân phải đi làm thủ tục tại cơ quan công an, sau đó đến trụ sở ủy ban nhân dân xã để xin chữ ký lãnh đạo và đóng dấu, rồi lại đến nơi khác để hoàn tất. Có hôm lên đến nơi, cán bộ đi họp, không có người ký, lại phải chờ thêm nhiều ngày sau mới giải quyết được.

“Bà con luôn tin tưởng và chấp hành nghiêm túc các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Vùng núi, vùng sâu, vùng xa cần có những chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế”, bà Chi phản ánh.

Những tâm sự của bà Chi cũng chính là tâm tư, nguyện vọng, tiếng lòng của người dân các xã miền núi Quảng Ngãi.

“Bà con vùng cao chúng tôi không mong gì nhiều, chỉ mong cuộc sống ổn định, tiện lợi hơn và được Nhà nước tiếp tục quan tâm bằng hành động cụ thể, thiết thực. Chúng tôi mong tiếng gọi của núi rừng sẽ không bị lu mờ trong dòng chảy của đổi thay”, bà Chi giãi bày.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dung-de-tieng-noi-cua-nui-rung-bi-lu-mo-trong-dong-chay-cua-doi-thay-2420296.html