Những cách chữa ung thư gan mới nhất bệnh nhân cần biết
Tỉ lệ mắc mới và tử vong do ung thư gan của Việt Nam xếp thứ 4 thế giới, đây cũng là sát thủ ung thư số 1 tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2018, ung thư gan là một trong 5 loại ung thư gây tử vong hàng đầu với gần 800.000 ca tử vong mỗi năm.
Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ung thư gan tăng rất nhanh trong vòng 20 năm qua. Năm 2000, số ca mắc mới ung thư gan tại nước ta chỉ có 5.700 ca, sau đó tăng lên 9.400 ca năm 2010.
Đến năm 2018, số ca mắc mới đã tăng lên trên 25.000 ca, xếp vị trí thứ 4/185 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó riêng nam giới chiếm hơn 19.500 ca.
Tại Việt Nam, sau nhiều năm đứng ở vị trí thứ 2, hiện ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi, vươn lên vị trí số 1 về tỉ lệ mắc mới.
Về tỉ lệ tử vong do ung thư gan, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 với tỉ lệ 23,2/100.000 dân, sau Mông Cổ, Ai Cập và Gambia.
Đáng lưu ý, số ca tử vong vì ung thư gan tại nước ta tương đương với ca mắc mới, cho thấy tỉ lệ chữa khỏi căn bệnh này rất thấp.
GS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K lý giải, sở dĩ tỉ lệ tỉ vong ung thư gan lớn do có tới 80-90% bệnh nhân đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, lúc này các biện pháp can thiệp, điều trị rất hạn chế. Trong khi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tiên lượng điều trị rất tốt.
Để điều trị ung thư gan, GS Thuấn cho biết ngoài các phương pháp truyền thống như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, dùng thuốc nhắm trúng đích, hiện có thêm các phương pháp nút mạch, đốt sóng cao tần, đốt u bằng vi sóng, điện đông, tiêm cồn tuyệt đối qua da, ghép gan...
Việc lựa chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào vị trí, kích thước, giai đoạn của bệnh cũng như các bệnh lý kèm theo. Với ung thư biểu mô tế bào gan, phẫu thuật là ưu tiên lựa chọn hàng đầu vì giúp lấy bỏ được khối u, tuy nhiên chỉ có khoảng 1/3 số bệnh nhân tại thời điểm chẩn đoán ban đầu có thể phẫu thuật.
Triệt khối u bằng sóng
GS Thuấn cho biết, vài năm trở lại đây, một số cơ sở y tế lớn áp dụng phương pháp đốt u gan bằng vi sóng (sóng viba). Các sóng được sử dụng đốt u có phổ năng lượng từ 300 MHz đến 300 GHz. Tại BV K, cũng bắt đầu triển khai phương pháp này từ đầu tháng 3/2019.
Đây là kĩ thuật tiên tiến, an toàn cho người bệnh, xâm lấn tối thiểu. Theo đó, bác sĩ sẽ dùng năng lượng vi sóng truyền qua kim điện cực để phá hủy khối u tại chỗ do nhiệt độ vùng đốt cao, ít bị tản nhiệt, không hóa than quanh kim đốt, bác sĩ có thể tiên đoán được vùng đốt, cho hiệu quả tương đương phẫu thuật mở cắt u.
Do không phải phẫu thuật nên bệnh nhân hồi phục rất nhanh, thường chỉ phải nằm viện 1 ngày thay vì phải nằm viện ít nhất 1 tuần như mổ mở trước đây. Chi phí cũng rất rẻ, chỉ khoảng 10 triệu đồng. Khác với mổ mở, khi đốt bằng sóng viba, bệnh nhân có thể thực hiện nhiều lần.
Phương pháp này có hiệu quả với những trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan (chiếm 80% các ca ung thư gan) hoặc các khối u di căn tại gan. Tất cả những trường hợp có khối u gan dưới 6 cm hoặc 3 khối u có đường kính dưới 3 cm hay các tổn thương gần mạch máu đều có thể áp dụng.
Tương tự, nhiều nơi cũng đang áp dụng phương pháp đốt khối u tại chỗ bằng sóng cao tần RFA (Radio Frequency Ablation), áp dụng với những khối u dưới 5 cm hoặc 3 khối u có kích thước nhỏ hơn 3 cm.
Để thực hiện, bác sĩ sử dụng máy siêu âm đầu dò cong để siêu âm gan, mật, xác định vị trí khối u rồi dùng kim đặc trị để đốt hủy u. Thời gian thực hiện từ 15 - 40 phút tùy từng trường hợp cụ thể.
Với phương pháp này, ở mức nhiệt khoảng 50 độ C, mô biến đối không thể phục hồi, nhiệt độ từ 50-60 độ C sẽ đông vón protein và chết tế bào ung thư trong vài phút, nhiệt độ trên 60 độ C sẽ khiến tế bào chết ngay lập tức.
Nút mạch khối u gan bằng hóa chất (TACE)
Đây là phương pháp đã được nhiều nơi sử dụng, thường áp dụng cho các trường hợp khối u lớn không thể phẫu thuật, các vị trí mổ khó hoặc trường hợp bệnh nhân có bệnh lý nặng kèm theo.
Để thực hiện, bác sĩ đặt ống thông từ động mạch đùi luồn vào các nhánh động mạch nuôi khối u, bơm dung dịch Lipiodol và hóa chất, gây tắc các mạch máu nuôi khối u.
Toàn bộ quá trình này mất khoảng 2-3 giờ, được thực hiện trong phòng chụp mạch nên bác sĩ sẽ nhìn rõ các nhánh mạch máu đi vào khối u để can thiệp chính xác.
Phương pháp này sẽ khiến khối u gan bị tiêu diệt bởi 2 cơ chế: Do tác động trực tiếp của hóa chất và do thiếu máu nuôi dưỡng, từ đó giảm kích cỡ, giúp người bệnh cải thiện sức khỏe.
Sau khi khối u thu nhỏ, bệnh nhân có thể được thực hiện đốt sóng cao tần, sóng viba để diệt khối u.
Tuy nhiên phương pháp này cũng có nhược điểm là không hoàn toàn triệt để và thường làm nhiều lần, có thể gây suy giảm chức năng gan và cũng có nguy cơ tác dụng phụ toàn thân do hóa chất.
Điều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ
Phương pháp này còn có tên gọi khác là hóa tắc mạch vi cầu. Bác sĩ sẽ đưa trực tiếp hạt vi cầu phóng xạ YTTRIUM-90 (Y-90) vào động mạch nuôi khối u gan của bệnh nhân. Các hạt vi cầu phóng xạ sẽ đi theo các nhánh động mạch nhỏ và phân bố khắp trong khối u, làm tắc các mạch máu nuôi khối u gan.
Ngoài ra, bức xạ với mức năng lượng thấp do Y-90 phát ra có quãng chạy trong tổ chức ngắn sẽ tiêu diệt chọn lọc các tế bào ung thư, làm xơ hóa các mạch máu nuôi khối u.
Phương pháp này về bản chất là phương pháp hóa tắc mạch cải tiến, vừa mang hóa chất vào khối u gan, vừa gây tắc mạch máu nuôi khối u. Kết quả, làm giảm thể tích khối u hoặc tiêu diệt khối u trong gan mà ảnh hưởng rất ít đến tổ chức lành xung quanh. Hiện BV Bạch Mai, BV 108 đang triển khai kĩ thuật này.
Ghép gan
Ghép gan là phương pháp mang lại hiệu quả cao đối với những bệnh nhân mắc ung thư gan. Tuy nhiên điểm khó khăn của phương pháp này là hạn chế về nguồn hiến và chi phí rất cao, khoảng 1,2 tỉ đồng/ca ghép gan.
Tại Việt Nam, các BV lớn như Việt Đức, Chợ Rẫy đã thực hiện thường quy các ca ghép gan. Trong đó BV Việt Đức mới ghép được hơn 60 ca (chiếm 50% các ca ghép gan cả nước) do khan hiếm nguồn tạng hiến. Con số này mới chỉ chiếm 10-15% nhu cầu ghép gan.
Ghép gan cũng có thể gặp một số biến chứng liên quan đến thải ghép, nhiễm trùng do dùng thuốc ức chế miễn dịch sau ghép, tăng huyết áp, cholesterol máu cao, đái tháo đường, suy thận…