Những cái chết oan khiên

Hết nắp cống hở, cần cẩu bê tông đứt cáp, gạch đá cát sỏi giàn giáo rơi xuống từ các công trình xây dựng, giờ người tham gia giao thông lại có thêm một nỗi lo, đó là khi đứng chờ sang đường hay dừng đèn đỏ.

Sáng ngày 23/7/2019, trên quốc lộ 5 đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Cụ thể, vào khoảng 6h05 ngày 23/7/2019, Hà Văn Hoàng (26 tuổi, ngụ xóm 9, xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển xe tải mang biển số 29H-150.97, chở nước đóng chai, chạy theo hướng Hà Nội - Hải Phòng. Khi đến Km63, quốc lộ 5, đoạn qua xã Cộng Hòa (Kim Thành, Hải Dương), bất ngờ thấy một xe 16 chỗ đang bật đèn cảnh báo nên Hoàng giật mình và đánh lái gấp. Do chuyển hướng đột ngột, chiếc xe bị mất thăng bằng và lật vào đoàn người gần đó. Vụ tai nạn khiến 5 người chết, 2 người bị thương.

Trong số các nạn nhân, có hai người là vợ chồng. Đó là chị Hoàng Thị Em (34 tuổi) và chồng là Lường Văn May (35 tuổi).

Vợ chồng chị Em là người dân tộc Thái, quê xã Tả Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Do cuộc sống khó khăn nên hai vợ chồng xuống xã Cộng Hòa làm công nhân.

Sáng 23/7, khi anh May đèo chị đến công ty thì không may gặp nạn. Chị tử vong tại chỗ, còn anh hiện vẫn đang được cấp cứu trong bệnh viện.

Điều đáng nói là vợ chồng chị Em cùng những nạn nhân khác gặp nạn khi đứng ở vạch dừng, chờ để sang đường.

Vụ tai nạn kinh hoàng do xe container gây ra ở Bến Lức, Long An

Vụ tai nạn kinh hoàng do xe container gây ra ở Bến Lức, Long An

Vậy là sau nắp cống hở, cần cẩu bê tông đứt cáp, gạch đá cát sỏi giàn giáo rơi xuống từ các công trình xây dựng, giờ người tham gia giao thông lại có thêm một nỗi lo, đó là khi đứng chờ sang đường hay dừng đèn đỏ. Bởi đã có quá nhiều người thiệt mạng oan uổng ngay dưới cái cột đèn và vạch sơn tưởng chừng như hết sức an toàn ấy.

Còn nhớ ngay vào những ngày đầu tiên của năm 2019, dư luận cả nước bàng hoàng khi biết được thông tin về vụ tai nạn thảm khốc làm hơn 20 người chết và bị thương ở Bến Lức, Long An.

Cả mấy chục nạn nhân đáng thương đó, có thể đến tận khi trút hơi thở cuối cùng, họ vẫn không hiểu và lý giải tại sao mình chấp hành đúng luật giao thông, dừng đèn đỏ nghiêm túc mà vẫn bị “thần chết” gọi tên.

Trước đó, một vụ tai nạn tương tự cũng xảy ra tại ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Chiếc ô tô 4 chỗ hiệu BMW, biển số 51F - 279.10 do bà Nguyễn Thị Nga điều khiển đã đâm vào hàng loạt người đang dừng đèn đỏ. Vụ tai nạn đã khiến một phụ nữ tử vong, 5 người bị thương, 5 xe máy và 2 ô tô hư hỏng nặng.

Sau đó ít lâu, Nguyễn Thị Nga bị HĐXX của TAND quận Bình Thạnh tuyên phạt 42 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hoặc mới đây, vào khoảng 21h ngày 13/6/2019, tại ngã tư đường Nguyễn Xiển - cầu Dậu (phường Kim Giang, Hoàng Mai, Hà Nội), một chiếc xe tải đã đâm vào hai chị em đang dừng đèn đỏ. Vụ tai nạn làm người chị tử vong, còn cô em bị thương nặng.

Đó chỉ là 3 trong số rất nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra, mà nạn nhân đều là những người đang dừng đèn đỏ.

Những nạn nhân ấy, mỗi người mỗi cảnh, song họ giống nhau ở chỗ chưa ai chuẩn bị cho mình trước một chuyến đi xa. Nhưng tất cả đều bị “đâm lén” từ phía sau lưng. Cái chết đến với họ bất ngờ, oan ức và cũng tức tưởi vô cùng.

Và những nạn nhân ấy, phần lớn đều còn rất trẻ. Cuộc đời, tương lai của họ còn rộng dài phía trước. Họ cũng còn có rất nhiều người thân, nhất là những đứa con để chăm sóc, yêu thương.

Rồi đây chồng, cha mẹ của họ sẽ ra sao? Đặc biệt là những đứa trẻ vô tội kia, tương lai của chúng sẽ thế nào? Cuộc đời nhiều lắm những chông chênh, rồi chúng biết bấu víu, chịn tựa vào đâu?

Hiện trường vụ tai nạn ở Hải Dương

Hiện trường vụ tai nạn ở Hải Dương

Thực tế đã chứng minh rằng, trong các vụ TNGT như đã kể ở trên, do nạn nhân hoàn toàn bị động, nên hậu quả hết sức nặng nề. Người bị đâm, người bị kéo lê, cuốn quấn, sống hay chết đều trông chờ vào may rủi.

Sự bất an luôn rình rập khiến người ta giờ “ra đường như ra trận”. Sáng bước ra khỏi nhà, thay cho lời chúc “ngày mới vui vẻ”, vợ chồng, con cái thường dặn nhau “đi đường cẩn thận”.

Thế nhưng, ai sẽ cẩn thận hơn một bà mẹ chở con đi nhà trẻ? Người tham gia giao thông nào nghiêm ngắn hơn một ông chồng đèo vợ đến công ty? Thế mà tai nạn thương tâm vẫn cứ xảy ra.

Vượt đèn đỏ cũng chết, dừng đèn đỏ cũng chết, và thậm chí ngồi trên vỉa hè cũng chết. Vậy người ta phải làm thế nào để an toàn?

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một thanh niên sau khi dừng đèn đỏ vội vã vứt bỏ xe, rồi cuống cuồng lao lên vỉa hè ngồi chờ tín hiệu xanh. Hài hước và chua chát vô cùng.

Và cũng phải chả phải ngẫu nhiên mà giờ đây khi dừng lại ở mỗi ngã tư đèn xanh đèn đỏ, không ít người nháo nhác liếc gương hoặc ngoái lại phía sau. Cũng chỉ vì họ sợ. Sợ một ông lái xe “ngáo đá” nào đó mơ màng lao vào mình như thể “ôm bom 3 càng lao vào bốt địch”. Sợ một cô chân dài “loạn xị phanh, ga” rồi biến vạch dừng thành điểm xuất phát cho một cuộc đua.

Họ sợ mình trở thành nạn nhân của “xe điên”, và vĩnh viễn không thể về nhà.

Cứ mỗi lần tai nạn xảy ra, sớm hay muộn các cơ quan chức năng đều phân tích, đánh giá, chỉ ra được nguyên nhân và đưa ra lời cảnh báo. Song người ta cũng chỉ hoảng hốt, sốt sắng một thời gian, rồi mọi thứ lại nhanh chóng trôi vào quên lãng. Và sau đó những tai nạn khác lại tiếp tục xảy ra, những cuộc đời bị đánh cắp cứ nối dài ra mãi.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì trong hoàn cảnh hiện nay, khi nhận thức của người tham gia giao thông còn thấp, tính tự giác chưa cao thì việc sử dụng những biện pháp đặc biệt nghiêm khắc là cần thiết.

Chỉ khi có chế tài nghiêm khắc và được thực thi nghiêm túc, không nể nang, thông cảm thì mới ngăn được lỗi lầm và thức tỉnh đạo đức của những người ngồi sau tay lái.

N.Hoàng

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/doi-song/nhung-cai-chet-oan-khien-23190.html