Những cạm bẫy ẩn sau giấc mơ du học
Du học - trong suy nghĩ của nhiều người là cánh cửa mở ra tương lai rạng rỡ, một hành trình khám phá tri thức toàn cầu, một cơ hội đổi đời... Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang của những tấm bằng danh giá, những bức ảnh check-in nơi trời Tây lộng lẫy, lại là vô vàn câu chuyện không trọn vẹn, thậm chí đầy nước mắt.

Áp lực xã hội và cuộc đua du học
Trong những năm gần đây, số lượng học sinh Việt Nam đi du học ngày càng tăng. Trong báo cáo “Xu hướng chính tại Đông Nam Á năm 2024”, Acumen - tổ chức tư vấn giáo dục quốc tế trích dẫn số liệu từ UNESCO cho biết, trong giai đoạn 2021-2022, Việt Nam có hơn 132.000 sinh viên theo học tại các trường đại học và cao đẳng nước ngoài, dẫn đầu toàn khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, xu hướng này đang có dấu hiệu mất kiểm soát. Không ít phụ huynh, dù kinh tế không vững vàng, vẫn tìm mọi cách để cho con du học - vay mượn, bán đất, thế chấp tài sản. Họ coi du học như một lối thoát, một “tấm vé vàng” bảo đảm thành công trong tương lai. Trong khi đó, nhiều học sinh - dù chưa sẵn sàng về tâm lý, ngoại ngữ, kỹ năng sống - vẫn được gửi đi vì “nhìn bạn bè ai cũng du học”.

Việc chạy đua theo trào lưu không xuất phát từ thực lực hay nhu cầu thực sự, đã dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực. Một trong những thách thức lớn nhất với du học sinh là cú sốc văn hóa và tâm lý. Khi rời xa gia đình, sống trong môi trường xa lạ, khác biệt hoàn toàn về ngôn ngữ, lối sống, tư duy - nhiều bạn trẻ bị rơi vào trạng thái trầm cảm, lạc lõng, thậm chí suy sụp tinh thần. Không ít trường hợp du học sinh không thể hòa nhập, dẫn đến bỏ học, trốn học, hay bị buộc thôi học vì không đủ điểm.
Du học “rác” và sự thật phía sau những lời quảng cáo hào nhoáng
Không thể không nhắc đến tình trạng “du học rác” - cụm từ được dùng để chỉ những chương trình học kém chất lượng, những trường không được kiểm định, hoặc chỉ mang tính hình thức để cấp visa. Vì nhu cầu du học tăng cao, trung tâm du học mọc lên như nấm, bất chấp đạo đức nghề nghiệp để dụ dỗ phụ huynh, học sinh bằng những viễn cảnh màu hồng. Có không ít trường hợp du học sinh sang đến nơi mới phát hiện trường học chỉ hoạt động tạm bợ, thậm chí đóng cửa sau vài tháng. Nhiều bạn phải chuyển trường, chuyển ngành học liên tục hoặc vất vả kiếm việc làm thêm trái pháp luật để tự nuôi sống bản thân. Thậm chí, không ít người bị lừa tiền, mất cả cơ hội lẫn danh dự.
Một phần du học sinh không trụ lại được lâu, phải bỏ học về nước sớm trong tâm trạng ê chề. Một số khác chọn cách ở lại bất hợp pháp, trở thành lao động chui, sống chật vật nơi đất khách quê người, không bảo hiểm, không quyền lợi, bị bóc lột và đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ, trục xuất.
Điều đáng nói là sau tất cả, nhiều người trở về không có bằng cấp, không có kỹ năng, thậm chí còn mắc nợ. Họ không tìm được công việc như kỳ vọng và trở thành gánh nặng cho chính gia đình đã từng kỳ vọng quá nhiều.
Du học không phải là con đường duy nhất
Tất nhiên, không thể phủ nhận những giá trị mà du học mang lại nếu học sinh có đủ năng lực, định hướng rõ ràng và được chuẩn bị kỹ càng. Nhưng nó không thể - và không nên - là lựa chọn chạy theo phong trào, là mục tiêu “phải đạt” chỉ vì áp lực bạn bè hay danh tiếng. Cần thay đổi tư duy rằng, chỉ có học ở nước ngoài mới thành công. Ngay tại Việt Nam, rất nhiều sinh viên đã và đang tạo dựng sự nghiệp đáng ngưỡng mộ nhờ kiên trì học tập, rèn luyện và biết phát huy lợi thế bản thân. Mặt khác, nếu gia đình có điều kiện, đầu tư vào môi trường học tập chất lượng trong nước cũng là một lựa chọn hợp lý, an toàn và tiết kiệm.
Trước khi quyết định du học, cả phụ huynh lẫn học sinh cần tự hỏi: Liệu mình đã sẵn sàng? Liệu đây có phải là con đường phù hợp với con, với hoàn cảnh tài chính của gia đình? Đừng để cảm xúc, sĩ diện hay kỳ vọng che lấp lý trí. Hãy cân nhắc cẩn thận các yếu tố: năng lực học tập, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng sống, tài chính và đặc biệt là tâm lý. Bên cạnh đó, cần kiểm tra kỹ lưỡng thông tin trường học, chương trình học, độ uy tín của các trung tâm tư vấn du học. Cẩn trọng với các lời quảng cáo “trọn gói visa”, “du học không cần tiếng Anh”, “việc làm có thu nhập cao tại nước ngoài”... bởi sau mỗi lời đường mật, có thể là một cái bẫy.
Du học không sai, mơ ước được vươn ra biển lớn không sai. Nhưng đừng biến nó thành ảo tưởng. Một quyết định sai lầm trong giai đoạn quan trọng của tuổi trẻ có thể kéo theo nhiều năm hệ lụy. Điều quan trọng là chọn đúng con đường phù hợp - không cần phải đi xa mới gọi là thành công. Chỉ cần đi đúng, đi vững - dù gần, cũng có thể đi lâu và đi xa hơn bất cứ ai.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nhung-cam-bay-an-sau-giac-mo-du-hoc-37282.htm