Những căn bệnh của đám đông

Bệnh truyền nhiễm dưới dạng đại dịch thường có một số đặc tính chung như phát tán nhanh chóng, là bệnh 'cấp tính', ai may mắn hồi phục sẽ có kháng thể giúp miễn dịch.

Giả sử, ta tính số trường hợp một căn bệnh truyền nhiễm cụ thể xảy ra ở khu vực địa lý nhất định, rồi quan sát con số đó thay đổi thế nào qua thời gian. Chúng ta sẽ thấy mẫu hình thay đổi này khác nhau rất nhiều tùy từng căn bệnh.

Đối với một số bệnh như sốt rét hay giun kim, tháng nào và năm nào cũng xuất hiện thêm những ca mới trong cùng một khu vực bị nhiễm. Tuy nhiên, những căn bệnh được gọi là truyền nhiễm thì không gây ra ca nào trong suốt một thời gian dài, sau đó thì gây ra ồ ạt hàng loạt ca, rồi lại không ca nào trong suốt một thời gian.

 Trranh Tiêm chủng do Victor Tardieu vẽ năm 1923. Ảnh: Christies.

Trranh Tiêm chủng do Victor Tardieu vẽ năm 1923. Ảnh: Christies.

Trong số các bệnh truyền nhiễm này, cúm là căn bệnh đặc biệt quen thuộc với hầu hết người Mỹ, từng có một số năm đặc biệt tồi tệ với người Mỹ (nhưng lại là những năm tuyệt vời đối với vi trùng cúm).

Bệnh dịch tả xảy ra cách quãng dài hơn, trong đó dịch năm 1991 ở Peru là trận đầu tiên xảy ra ở Tân thế giới trong suốt thế kỷ XX.

Mặc dù các trận dịch cúm và dịch ngày nay đều là sự kiện được báo chí đăng lên trang nhất, song ngày xưa, khi y học hiện đại chưa xuất hiện, các bệnh truyền nhiễm từng đáng sợ hơn thế rất nhiều.

Trận dịch lớn nhất trong lịch sử loài người là cúm, đã giết chết 21 triệu người vào cuối Thế chiến I. "Cái chết Đen" - dịch đậu mùa - đã giết chết một phần tư dân số châu Âu từ năm 1342 đến năm 1352, ở một số thành phố tỷ lệ người chết lên đến 70%.

Hồi tuyến đường sắt Thái Bình Dương của Canada đang được xây dựng ngang qua vùng Saskatchewan vào đầu thập niên 1880, những người châu Mỹ bản địa sống ở vùng đó - vốn trước kia chưa từng gặp người da trắng và các vi trùng của họ - đã chết như rạ vì bệnh lao với tỷ lệ không tin nổi là 9% một năm.

Các bệnh truyền nhiễm xảy ra với con người dưới dạng đại dịch chứ không phải đều đặn từng ít một thường đều có một số đặc tính chung.

Trước hết, chúng phát tán nhanh chóng và hữu hiệu từ một người bị nhiễm sang những người khỏe mạnh xung quanh, hậu quả là toàn bộ quần thể đều bị nhiễm trong một thời gian ngắn.

Thứ hai, chúng là những bệnh “cấp tính”, nghĩa là, trong một thời gian ngắn, bệnh nhân hoặc chết hoặc bình phục hoàn toàn.

Thứ ba, những ai may mắn trong chúng ta hồi phục được sẽ có kháng thể giúp miễn dịch với bệnh đó trong một thời gian dài, có thể là trong suốt phần đời còn lại của ta.

Cuối cùng, các bệnh này có xu hướng chỉ xảy ra cho người. Vi trùng gây những bệnh này có xu hướng không sống trong đất hoặc trong các con vật khác. Cả bốn đặc tính này đều đúng với những căn bệnh truyền nhiễm quen thuộc thời thơ ấu đối với người Mỹ như sởi, rubella, quai bị, ho và đậu mùa.

Cũng dễ hiểu tại sao bốn đặc tính này hợp lại làm cho một căn bệnh nào đó có xu hướng xảy ra thành dịch. Vi trùng phát tán và triệu chứng diễn ra nhanh khiến mọi người trong một quần thể người cục bộ nhanh chóng bị lây nhiễm và chẳng bao lâu sau hoặc sẽ chết hoặc sẽ phục hồi và trở nên miễn dịch.

Chẳng ai còn sống sót mà lại có thể bị tái nhiễm cả. Nhưng bởi vi trùng không thể sống ở đâu khác ngoài cơ thể người sống nên căn bệnh biến đi, cho đến khi một lứa con cái mới của loài người đạt tới độ tuổi có thể nhiễm bệnh và một người bị lây nhiễm đến từ bên ngoài mang theo mầm bệnh để khởi đầu một trận dịch mới.

Một ví dụ minh họa kinh điển cho những căn bệnh xảy ra thành dịch là lịch sử bệnh sởi trên các đảo biệt lập ở Đại Tây Dương gọi là quần đảo Faeroes. Một trận dịch sởi nghiêm trọng đã lan sang quần đảo Faeroes năm 1781 rồi biến mất dần. Sau đó, quần đảo này không bị dịch sởi lại lần nào nữa cho đến khi một tay thợ làm thảm bị nhiễm bệnh trên một con tàu từ Đan Mạch đặt chân lên quần đảo năm 1846.

Chỉ trong vòng ba tháng, hầu như toàn bộ cư dân Faeroes (7.782 người) đã mắc bệnh sởi, người chết, kẻ hồi phục, sau đó vi trùng sởi lại biến mất cho đến khi trận dịch kế tiếp bùng ra.

Nghiên cứu cho thấy sởi có xu hướng biến mất dần ở bất cứ quần thể đông hơn, bệnh mới có thể chuyển từ khu vực này sang khu vực khác, nhờ vậy mà tồn tại dai dẳng cho đến khi có đủ trẻ con ra đời ở khu vực bị nhiễm đầu tiên để bệnh có thể lại quay về khu vực đó.

Những gì đúng đối với bệnh sởi ở Faeroes thì cũng đúng với bất cứ căn bệnh truyền nhiễm cấp tính quen thuộc nào ở bất cứ đâu trên thế giới. Để có thể tồn tại được, chúng cần một quần thể người đủ đông và mật độ đủ cao để ngay tại thời điểm lẽ ra bệnh đã bắt đầu suy yếu thì đã có sẵn một lứa trẻ em dễ lây nhiễm mới. Vì vậy, bệnh sởi và các bệnh tương tự còn được gọi là những căn bệnh của đám đông.

Jared Diamond / Omega Plus và NXB Thế Giới

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-can-benh-cua-dam-dong-post1287612.html