Những cảnh báo về tác động của bầu cử Mỹ đến kinh tế Thái Lan
Các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ trong tương lai có thể trở nên chặt chẽ hơn và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sẽ ngày càng gay gắt, gây ảnh hưởng tới các nền kinh tế khác.
Trong một phát biểu mới đây, Giám đốc Văn phòng chiến lược và Chính sách thương mại Thái Lan, ông Poonpong Naiyanapakorn đã lên tiếng kêu gọi các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Thái Lan cần theo dõi sát cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ để sẵn sàng chuẩn bị cho những tác động tiềm tàng đối với nền kinh tế và thương mại khi cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11/2024.
Ông Poonpong chỉ ra rằng các chính sách thương mại quốc tế của Mỹ đã ảnh hưởng đáng kể đến thị trường toàn cầu trong 7-8 năm qua. Ông giải thích chính sách của ứng cử viên đảng Cộng hòa ông Donald Trump là nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Trung Quốc đã ảnh hưởng đến kinh tế Thái Lan nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung.
Ông cũng lưu ý thêm rằng cuộc chiến công nghệ nhằm vào Trung Quốc của ứng cử viên đảng Dân chủ, ông Joe Biden và chính sách thu hút các nhà đầu tư quay trở lại Mỹ cũng đã gây ra sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo người đứng đầu Văn phòng chiến lược và Chính sách thương mại Thái Lan, nếu ông Trump đắc cử, Mỹ có thể sẽ giảm viện trợ cho các nước trong vùng xung đột, đặc biệt là Ukraine. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ giảm hỗ trợ để duy trì an ninh toàn cầu, điều này có thể dẫn đến xung đột ở các lĩnh vực khác.
Đánh giá về tác động đối với kinh tế toàn cầu, ông Poonpong cho rằng các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ sẽ trở nên chặt chẽ hơn và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sẽ ngày càng gay gắt. Thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ sẽ tăng 10% và có thể lên tới 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Biden đã tuyên bố tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm chiến lược của Trung Quốc như xe điện, pin, chất bán dẫn, pin Mặt trời, thép và nhôm. Để đối phó với tác động đến kinh tế Thái Lan, ông Poonpong khuyến cáo các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ để đánh giá các chính sách của ứng cử viên về kinh tế và đối ngoại, đặc biệt là những chính sách có thể ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng của Thái Lan.
Bên cạnh đó, Thái Lan cần triển khai các biện pháp bảo hộ thương mại phù hợp để bảo vệ các ngành công nghiệp khỏi làn sóng sản phẩm của Mỹ tràn ra thị trường toàn cầu; thúc đẩy tiềm năng của các doanh nghiệp Thái Lan cùng với việc nâng cao khả năng cạnh tranh của đất nước bằng cách thu hút đầu tư vào các ngành mục tiêu, phát triển hệ sinh thái hỗ trợ hoạt động kinh doanh và đàm phán các hiệp định thương mại tự do.
Ông Poonpong cũng khuyến nghị Chính phủ Thái Lan cần tăng cường mối quan hệ với các đối tác thương mại, bao gồm hợp tác trong các lĩnh vực đổi mới, công nghệ và sản xuất; đồng thời cần chú ý đến tình hình kinh tế của đất nước, cũng như thúc đẩy tiềm năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ vào năm 2023 đạt 27.360 tỷ USD, chiếm 25,95% GDP toàn cầu. Đây là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của Thái Lan, sau Trung Quốc và đứng thứ năm về đầu tư trực tiếp nước ngoài, sau Nhật Bản, Singapore, Đặc khu Hành chính Hong Kong và Hà Lan.