Những cánh bay tiên phong, vươn tầm cao mới
Ngày 23-4, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân tổ chức Chương trình giao lưu ấm áp, thắm đượm ân tình mang chủ đề: 'Hành trình chinh phục bầu trời'.
Ngay từ sớm, hội trường tòa soạn Báo Quân đội nhân dân đã tề tựu rất đông tiếp viên, đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là những phi công của Đoàn bay 919 mang trên mình sắc phục đặc trưng của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Cuộc giao lưu này là hoạt động đầy ý nghĩa trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Đoàn bay 919, cánh chim đầu đàn của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam.
Tham dự chương trình có Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không-Không quân; Thiếu tướng Bùi Tố Việt, Phó chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân; đồng chí Tô Ngọc Giang, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, Đoàn trưởng Đoàn bay 919; đồng chí Đặng Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines cùng các cựu phi công, các phi công của Đoàn bay 919, các tiếp viên, đoàn viên, thanh niên của Vietnam Airlines. Về phía Báo Quân đội nhân dân có Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập; Đại tá Ngô Anh Thu, Phó bí thư Đảng ủy, Phó tổng biên tập và đại diện chỉ huy các phòng, ban.
Trung đoàn không quân vận tải đầu tiên của Việt Nam
Phát biểu mở đầu chương trình giao lưu, Đại tá Ngô Anh Thu nhắc lại lịch sử cách đây 65 năm, vào Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1959, tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, Trung đoàn Không quân vận tải 919 (tiền thân của Đoàn bay 919), đơn vị bay vận tải quân sự-hàng không dân dụng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) được thành lập.
Không chỉ thực hiện nhiệm vụ vận tải quân sự kết hợp phục vụ dân dụng, Trung đoàn Không quân vận tải 919 còn trực tiếp tham gia chiến đấu. Những chiến công của Trung đoàn đã ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử của bộ đội không quân và của ngành hàng không Việt Nam. Năm 1993, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam được thành lập. Đoàn bay 919 là đơn vị thành viên trực thuộc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam và ngày nay là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Từ khi thành lập đến nay, Vietnam Airlines đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong những thành tích nổi bật của Vietnam Airlines có dấu ấn tiên phong, đậm nét của Đoàn bay 919 với việc thiết lập được tính chuyên nghiệp, thực hiện các nhiệm vụ bay an toàn tuyệt đối. Vietnam Airlines đã hoàn toàn làm chủ công nghệ hàng đầu thế giới với việc khai thác thành công cùng lúc 2 dòng máy bay chở khách hiện đại nhất thế giới Boeing 787, Airbus A350, chất lượng dịch vụ không ngừng được nâng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt có khả năng tự chủ huấn luyện, đào tạo phi công, giáo viên hướng dẫn bay ngay tại Việt Nam.
"Những phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ vẫn được các cán bộ, phi công, nhân viên Đoàn bay 919 ngày nay trân trọng, gìn giữ, để từ đó luôn phát huy tinh thần không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc giao", Đại tá Ngô Anh Thu nhấn mạnh.
Những ký ức không quên
Nhắc đến những kỷ niệm sâu sắc với Trung đoàn Không quân vận tải 919, giọng nhiều lần nghẹn lại vì cố cầm giọt nước mắt, ông Trần Hữu Thọ, nguyên Phi công Đoàn bay 919 nhớ về sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.
“Đơn vị chúng tôi được lệnh xuất kích, trực tiếp vào đánh bom đồn Mang Cá, chi viện chiến trường Thừa Thiên. Khi bay qua Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị, thật xót xa khi nhìn thấy cảnh đất nước bị tàn phá. Nhìn xuống quê hương, nước mắt tôi ứa ra, lòng tôi thầm nhủ: “Mẹ ơi bay trên đầu mẹ, không phải máy bay địch đâu, mà là người con trai của mẹ...”, ông Trần Hữu Thọ bồi hồi nói.
Bay trong điều kiện không có định vị, dẫn đường, bay đêm không có đèn sân bay và thực hiện các nhiệm vụ chưa từng được huấn luyện như thả hàng tiếp tế, cứu trợ đồng bào bị lũ lụt... với những thế hệ phi công đầu tiên của Đoàn bay 919 là những ký ức không thể nào quên. “Trong trận lũ ở Đồng bằng sông Hồng năm 1971, máy bay của Trung đoàn 919 được huy động để bay thả hàng tiếp tế, cứu trợ đồng bào. Nhiệm vụ này được thực hiện trong điều kiện khí tượng phức tạp, rất khó quan sát, rất nguy hiểm.
Đặc biệt để tiếp tế được cho đồng bào, máy bay phải bay sát mặt nước. Trong dòng nước lũ, nhìn hình ảnh những cụ già, em nhỏ vẫy tay cầu cứu, chúng tôi rất đau xót”, nguyên phi công Trần Hữu Thọ xúc động nhớ lại. Để hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân, các phi công đã khéo léo, dũng cảm mở những đường bay thả hàng chính xác...
Bình tĩnh xử lý khi động cơ máy bay chết giữa trời
Sau các phi công, hoa tiêu, kỹ sư đầu tiên được cử đi học ở nước ngoài, Trung đoàn Không quân vận tải 919 nhanh chóng triển khai các khóa đào tạo trong nước. Khó khăn lúc này là chương trình huấn luyện và giáo án không đầy đủ.
Nhưng với tinh thần “lớp anh trước, lớp em sau” những thế hệ phi công tài hoa, quả cảm của Trung đoàn Không quân vận tải 919 cứ thế hình thành. Lật lại ký ức, ông Phạm Huy Vận nhớ lại, giai đoạn ấy, Mỹ đánh bom vào Hải Phòng rất ác liệt, nên lớp học phi công diễn ra tại nhà dân hoặc đình, chùa. Vì thế, cảnh vừa học vừa sơ tán và tìm chỗ trú ẩn tránh bom là cơm bữa. Dụng cụ học tập, mô hình học về bay không có, nhưng với ý chí, quyết tâm cao độ của cả thầy và trò, khóa học hoàn thành, đủ để các học viên nhanh chóng về đơn vị nhận nhiệm vụ.
Kể về những thử thách không tưởng, ông Phạm Huy Vận cho biết, phi công quân sự giai đoạn đó phải gặp rất nhiều tình huống bất ngờ, có trường hợp máy bay đang bay trên bầu trời mà động cơ bị dừng hoạt động. “Hồi đó, dòng máy bay của Liên Xô chế tạo còn đơn sơ, không có điều hòa, càng lên cao càng lạnh. Có lần đang bay, không nghe thấy tiếng động cơ, nhìn ra ngoài mới thấy cánh quạt đứng yên, động cơ ngừng hoạt động. Lúc đó, chúng tôi bình tĩnh xử lý, bằng cách cầm vào tay ga lắc đi lắc lại, động cơ đã chạy lại”, ông Phạm Huy Vận chia sẻ.
Khi ngành hàng không dân dụng Việt Nam có sự chuyển đổi cơ chế, tách khỏi Quân đội, chuyển sang trực thuộc Chính phủ vào năm 1989, Đoàn bay 919 trực thuộc Vietnam Airlines. Những phi công quân sự cũng chuyển ngành tại chỗ, những người lính không quân vào sinh ra tử năm nào tiếp tục cống hiến cho công cuộc xây dựng đất nước.
“Chúng tôi rất vinh dự trong cuộc đời vì giai đoạn đầu tiên được mặc bộ quân phục của không quân nhân dân Việt Nam. Giai đoạn 2 khi chuyển sang hàng không dân dụng lại được mặc bộ sắc phục của hàng không Việt Nam. Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi được phục vụ cho hàng không non trẻ nhưng là hình ảnh của đất nước”, ông Phạm Huy Vận tự hào nói.
Thiếu tướng Bùi Tố Việt sau khi khái quát những chiến công đặc biệt của đơn vị vận tải không quân đã từng lập công, bắn rơi máy bay, đánh sập ra-đa chỉ huy và bắn chìm tàu hải quân địch (đối không, đối đất, đối hải)... và sau này là những cánh bay tỏa đi muôn phương, thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, đã khẳng định Đoàn bay 919 là lực lượng dự bị hùng hậu, sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao. Cùng với đó, Đoàn bay 919 là bộ phận không thể tách rời, không thể thiếu trong hội nhập, đối ngoại quốc tế, cầu nối quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Hiện thực hóa giấc mơ thành phi công
Vừa kết thúc hành trình bay 9 tiếng từ Pháp về Việt Nam, hạ cánh lúc 6 giờ sáng, phi công trẻ Vũ Mai Khanh hiện là Phi công lái phụ bay bằng của máy bay A350 (Đoàn bay 919) đã kịp có mặt dự chương trình giao lưu. Trên gương mặt thoảng nụ cười tươi rói, Vũ Mai Khanh chia sẻ trong phần giao lưu của chương trình về những cơ duyên đưa mình đến nghề phi công.
Nhìn dáng người có phần mảnh khảnh, mới gặp Vũ Mai Khanh chắc hẳn ít người nghĩ chị lại lựa chọn gắn bó với "cánh chim sắt" bởi nghề phi công vẫn được nhìn nhận là phù hợp hơn với nam giới. "Tôi rất may mắn khi có bố là phi công Quân đội, ngay từ nhỏ tôi đã được nghe bố kể về những lần bay trên bầu trời và rất ngưỡng mộ, tự hào với công việc của người phi công. Được sự động viên của gia đình, tôi quyết tâm học tập để trở thành phi công và Đoàn bay 919 đã trao cho tôi cơ hội hiện thực hóa giấc mơ đó", Vũ Mai Khanh tâm sự.
Khi nói về nghề nghiệp của mình, đối với nữ phi công trẻ Vũ Mai Khanh, quan trọng nhất là đáp ứng được các yêu cầu công việc. Một trong những điều ấn tượng nhất chị cảm nhận khi ngồi trong khoang lái là không gian bao la mở ra phía trước, nghề phi công không thiếu nét lãng mạn và luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan.
Nhắc đến những đặc thù công việc của phi công, Cơ trưởng Nguyễn Hải Anh, Phó đoàn trưởng Đoàn bay 919 nhìn nhận, phi công làm việc trên bầu trời, độ cao lớn nên tính cách rất cởi mở, lạc quan. Bên cạnh đó, trong môi trường trên không, vốn khắc nghiệt, áp suất thấp nên cần sức khỏe tốt. Vì vậy, khi tuyển dụng, người ứng tuyển làm phi công được khám sức khỏe rất kỹ.
Trong quá trình công tác, bản thân Cơ trưởng Nguyễn Hải Anh và các đồng nghiệp thường xuyên rèn luyện sức khỏe, trau dồi chuyên môn nghề nghiệp và thể lực để bảo đảm các điều kiện hoàn thành nhiệm vụ. Có những trường hợp gặp thời tiết xấu, dông bão hay tình huống bất thường, phi công cần phản ứng kịp thời, quyết đoán, chuẩn xác để bảo đảm an toàn cho chuyến bay.
Khẳng định vai trò nòng cốt, then chốt với hàng không quốc gia
Nhấn mạnh vai trò của Đoàn bay 919 là đơn vị nòng cốt, then chốt của Vietnam Airlines, chia sẻ tại chương trình giao lưu, đồng chí Tô Ngọc Giang cho biết, Đoàn bay 919 luôn giữ vững mục tiêu an toàn là số 1 cùng với bảo đảm chỉ số đúng giờ cao đã góp phần lớn vào nâng cao chất lượng dịch vụ của Vietnam Airlines.
Đoàn bay cũng chủ động thực hiện tiết kiệm trong khai thác bằng rất nhiều sáng kiến, việc này không chỉ giúp tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty mà còn góp phần vào chương trình phát triển bền vững của Vietnam Airlines nói riêng cũng như cả nước nói chung. Bên cạnh khai thác các chuyến bay thương mại, phi công Đoàn bay 919 cũng tham gia các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, dân sinh.
Theo Phó tổng giám đốc Tô Ngọc Giang, Đoàn bay 919 luôn xác định ngoài trang thiết bị, kỹ thuật, công nghệ thì con người luôn là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh của tổ chức. Vì thế, đoàn rất chú trọng huấn luyện, đào tạo phi công. Ngoài huấn luyện, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, nội dung giáo dục truyền thống để thế hệ sau hiểu rõ, nắm chắc về lịch sử, chiến công của thế hệ cha ông đi trước, qua đó bồi đắp niềm tự hào, trách nhiệm noi theo của lớp lớp kế cận.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu với các thế hệ phi công của đoàn bay, tạo cơ hội rất tốt để phi công trẻ được học hỏi, giao lưu với thế hệ đi trước, qua đó lan truyền, lan tỏa giá trị truyền thống. "Những hoạt động thiết thực giúp cho truyền thống, lịch sử Đoàn bay 919 được lưu giữ, nuôi dưỡng và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phi công đoàn bay hiện nay luôn có ý thức giữ gìn, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ", đồng chí Tô Ngọc Giang khẳng định.
Đối với định hướng phát triển của Đoàn bay 919 trong thời gian tới, Đoàn trưởng Tô Ngọc Giang chia sẻ, Vietnam Airlines luôn hướng tới sử dụng các dòng máy bay mới, hiện đại, có tính năng tốt hơn, hiệu quả khai thác cao hơn, thân thiện với môi trường hơn và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao hơn của khách hàng. Bên cạnh đó, đội ngũ phi công luôn được đưa đi huấn luyện, đào tạo thường xuyên, cập nhật kiến thức mới, công nghệ mới để đảm đương nhiệm vụ và tiếp nhận các dòng máy bay mới.
Truyền thống, lịch sử hào hùng của Đoàn bay 919 là điểm tựa để mỗi phi công đoàn bay luôn tự hào và xác định rõ vị trí của mình. "Trên mỗi chuyến bay, khi phi công Đoàn bay 919 gửi lời đến hành khách với câu nói "thay mặt Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam", điều đó với chúng tôi là niềm tự hào to lớn".
Qua chương trình giao lưu, truyền thống của Đoàn bay 919, những câu chuyện, lời chia sẻ tâm huyết đã góp phần thổi bùng ngọn lửa tự hào, trách nhiệm để mỗi phi hành đoàn của Vietnam Airlines thêm quyết tâm tiếp nối trọng trách mang hình ảnh của Tổ quốc vươn ra thế giới.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/nhung-canh-bay-tien-phong-vuon-tam-cao-moi-774052