Những 'cánh chim' không mỏi trên bầu trời biên giới (bài 2)

Từ nhiều năm qua, bên dãy núi Chư Pông thuộc địa bàn xã Ia Púch và Ia Mơ, huyện Chư Prông (Gia Lai), có hai nữ già làng vẫn miệt mài cống hiến cho đất rừng biên giới. Thủa thanh xuân, họ đều là những đóa hoa rừng xinh đẹp, dung dị mà cháy bỏng ngọn lửa cách mạng, với một người vào bộ đội, còn người kia làm giao liên, phục vụ chiến đấu trên mặt trận B3. Ngày hôm nay, ngọn lửa ấy vẫn bùng cháy dù cả hai nữ già làng đã bước qua tuổi 'thất thập cổ lai hy'…

Bài 2: Những "bóng hồng" bên dãy Chư Pông

Người giữ "hồn dân tộc" trên biên giới

Theo chế độ mẫu hệ của người Jrai, vai trò, tiếng nói của người phụ nữ trong gia đình thường mang tính quyết định. Tuy nhiên, ở “ngôi vị” của một già làng, thông thường, bà con hay suy tôn người đàn ông có uy tín, đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của họ trong cộng đồng. Chính vì lẽ đó, đối với những ngôi làng suy tôn phụ nữ làm già làng, chắc chắn “người mẹ tinh thần” ấy phải vô cùng đặc biệt cả trong ý chí lẫn hành động.

Hai “bóng hồng” một thời bên dãy Chư Pông, già làng Ksor Blăm (bên trái) và già làng Siu H’Phinh. Ảnh: Thái Kim Nga

Hai “bóng hồng” một thời bên dãy Chư Pông, già làng Ksor Blăm (bên trái) và già làng Siu H’Phinh. Ảnh: Thái Kim Nga

Bà Siu H’Phinh, già làng Goòng, xã biên giới Ia Púch, huyện Chư Prông là người đặc biệt như thế. Mặc dù chỉ mới được dân bầu làm già làng vào năm 2015, nhưng đóng góp cho cộng đồng và biên giới của người phụ nữ tuổi ngoài 70 này là không ngừng nghỉ suốt từ thủa thanh xuân cho đến ngày hôm nay. Bởi, như chúng tôi đã nói, để một người đàn bà gánh vác trọng trách của già làng trong đời sống cộng đồng của người Jrai là không hề đơn giản. Điều này không chỉ phụ thuộc vào năng lực, uy tín mà còn bị chi phối bởi quan điểm, phong tục tập quán mang tính truyền thống. “Lá phiếu” mà người làng Goòng bầu cho bà Siu H’Phinh vào năm 2015 chắc chắn phải là những lá phiếu của sự tín nhiệm tuyệt đối, lòng biết ơn và suy tôn sâu sắc thì mới vượt qua được cái tiền lệ đã mặc định từ xa xưa của các chủ nhân nơi đất làng.

Khi chưa được bầu làm già làng, bà Siu H’Phinh luôn là người dẫn đầu về “chỉ số tín nhiệm” trong cộng đồng suốt hàng chục năm trước đó với vô số những công việc của người “vác tù và hàng tổng” đúng nghĩa: Từ giúp đỡ người nghèo, người neo đơn, khuyết tật không nơi nương tựa, hòa giải những tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng, gia đình, “cởi bỏ” những ràng buộc do mê tín dị đoan, tập tục cũ kỹ lạc hậu, đến những phong trào có quy mô sâu rộng như xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phát động phong trào quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ biên giới, tự quản an ninh thôn làng, phòng chống dịch bệnh..., bất kể việc gì bà cũng sẵn sàng cống hiến bằng tình thương của người mẹ.

Đảm nhận cương vị của một già làng, việc đứng ra tổ chức lễ hội mang tính tâm linh trong cộng đồng là một trở ngại lớn đối với người phụ nữ, nhưng bù lại “người mẹ tinh thần” làng Goòng có lợi thế gần gũi, đồng hành với chị em - những người nắm giữ vai trò chủ hộ trong gia đình (theo chế độ mẫu hệ). Sự nhẹ nhàng, ân cần, thấu hiểu và lòng kiên trì của nữ già làng khi đứng ra hòa giải những mâu thuẫn, tranh chấp cũng dễ thuyết phục người nghe hơn.

Bà Siu H’Phinh, già làng Goòng (người đứng giữa) hướng dẫn phụ nữ trong làng dệt thổ cẩm. Ảnh: Thái Kim Nga

Bà Siu H’Phinh, già làng Goòng (người đứng giữa) hướng dẫn phụ nữ trong làng dệt thổ cẩm. Ảnh: Thái Kim Nga

Già làng Goòng chăm lo chu đáo từ việc nhỏ đến việc lớn, kể cả những vấn đề “gai góc” như bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong cộng đồng. Trong những năm gần đây, xã Ia Púch luôn là một trong những địa phương nổi bật của huyện Chư Prông về bảo tồn phát huy văn hóa cồng chiêng và nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Bằng sự hiểu biết của mình và chất văn nghệ của cô sơn nữ thời làm giao liên, dân công hỏa tuyến trên mặt trận B3, nữ già làng Siu H’Phinh đứng ra tổ chức các tổ, đội “dân vũ” múa xoan trong làng trong xã, để phục các hoạt động liên quan đến văn hóa cồng chiêng, cũng như “cầm tay chỉ việc” cho chị em phụ nữ dệt thổ cẩm tại hộ gia đình. Đây là những đóng góp thiết thực, góp phần duy trì, phát huy giá trị văn hóa truyền thống nên gọi già làng Siu H’Phinh là người “giữ hồn” dân tộc trên biên giới quả không sai.

Chia sẻ bí quyết thành công với chúng tôi, “người mẹ tinh thần” làng Goòng nói rất ngắn gọn: “Mình đến với bà con bằng tấm lòng của người phụ nữ và tình thương của người mẹ…”

“Nữ tướng" trên mọi mặt trận

Vùng biên bên dãy Chư Pông có 2 “bóng hồng” thời chiến, làm già làng trong thời bình. Ở người thứ nhất, sự cống hiến được được thể hiện nhẹ nhàng, ân cần như tình thương của mẹ. Còn người thứ hai sâu sắc, quyết đoán mà bao dung như một “nữ tướng”, mặc dù bà chỉ mang cấp hàm Thượng úy quân đội nghỉ hưu. Người “nữ tướng” mà chúng tôi nói đến là già làng Krông, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông - bà Ksor Blăm.

Năm nay nữ già làng Krông đã bước sang tuổi 77, sức khỏe cũng đã giảm sút nhiều nhưng vẫn là “chiếc cầu nối” vững chắc giữa ý Đảng, tình quân với lòng dân, là “chất keo” kết dính bền chặt tình đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân trên biên giới.

Nói đến “nữ tướng” Ksor Blăm, người dân xã Ia Mơ không bao giờ quên những chiến tích trên mặt trận văn hóa, an ninh nông thôn, chống “giặc” đói, diệt “giặc” dốt, xóa bỏ “giặc” mê tín, dị đoan trong suốt chặng đường dài xây dựng, kiến tạo xã Ia Mơ từ một địa bàn đặc biệt khó khăn, phát triển mạnh mẽ, tiệm cận với vóc dáng vùng nông thôn mới.

Là người đi tiên phong trong “trận đánh” lớn phá thế độc canh cây lúa nương một vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, hơn 20 năm về trước, nữ già làng Krông đã cùng với những người lính Đồn Biên phòng Ia Mơ, BĐBP Gia Lai đưa giống điều từ miền xuôi lên miền ngược, quyết tâm thay đổi cách nghĩ cách làm của các chủ nhân đất rừng biên giới. Từ vườn điều trồng trình diễn trên dưới 1 ha đã mở ra phong trào chuyển đổi cây trồng theo hướng đa dạng, với tư duy sản xuất mang tính hàng hóa cao.

Các già làng trên biên giới được BĐBP Gia Lai khám bệnh, chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Thái Kim Nga

Các già làng trên biên giới được BĐBP Gia Lai khám bệnh, chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Thái Kim Nga

Cùng với đó, nữ già làng mạnh dạn xuất đàn bò của gia đình mình cho các hộ nghèo trong xã mượn làm giống theo hình thức xoay vòng vốn: Khi bò giống sinh sản, hộ thứ nhất sẽ được giữ lại bê con để nuôi, bò mẹ tiếp tục “vi hành” sang hộ thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư... Cứ như thế, hàng chục năm sau, bò giống của nữ già làng Krông đã “có mặt” trên cả 4 làng trong xã, giúp người nghèo tạo ra được nguồn vốn ban đầu đã có thể phát triển chăn nuôi.

Chúng tôi không dám khẳng định già làng Ksor Blăm là người đầu tiên hỗ trợ nguồn vốn chăn nuôi cho người nghèo bằng cách xoay vòng bò giống, nhưng chắc chắn thời điểm bà bắt đầu triển khai, cách làm này vẫn còn rất mới mẻ. Điều này thể hiện sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm của “nữ tướng” và trên tất cả đó là tình yêu thương, trách nhiệm của của già làng đối với cộng đồng.

“Thừa thắng xông lên”, nữ già làng Krông tiếp tục đồng hành với chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Ia Mơ trong “cuộc cách mạng” đưa cây lúa từ sườn đồi xuống… ruộng, với mô hình trồng nước nằm ngay trung tâm xã. Đây có thể xem là một trong những thành quả ngọt ngào nhất trên lĩnh vực kinh tế của xã Ia Mơ. Bởi, bên cạnh bảo đảm nguồn cung cấp lương thực tại chỗ, việc cây lúa nước “bén rễ” nơi đất làng, với những cuộc chuyển giao kỹ thuật trực quan, sinh động, dễ hiểu đã giúp cho người dân “đi tắt đón đầu” khi công trình đại thủy nông Ia Mơ chính thức đi vào hoạt động. Và, thực tế cho thấy, chỉ sau vài năm được tiếp cận kỹ thuật, diện tích, năng suất lúa nước ở xã Ia Mơ không ngừng được nâng lên với tổng sản lượng đạt gần 1.700 tấn, năng xuất bình quân 4 tấn/ha (năm 2021).

Ở tuổi xế chiều, dẫu không được sống trong một mái ấm gia đình trọn vẹn (bà Ksor Blăm không lấy chồng) nhưng bên nữ già làng Krông là những người con, người cháu có cuộc sống no đủ đã mang đến cho bà những nụ cười.

Bài 3: "Chất lính" trong huyết mạch già làng

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-quotcanh-chimquot-khong-moi-tren-bau-troi-bien-gioi-bai-2-post445201.html