Những cảnh ngộ khác thường
Anh vẫn thường hay ra sân chơi golf với tôi và nhóm bạn già, anh đi bộ năm bảy cây số dưới nắng đỏ, mà chân cẳng anh chẳng cho thấy một sự mệt mỏi nào tuy anh vẫn nguyên dáng đi khập khiễng.
Mỗi người, mỗi sinh vật, là một phiên bản duy nhất
‣ Khi sinh ra bạn đã là một phiên bản thực tế bằng da bằng thịt chứ không là một mẫu khuôn hoàn hảo nào. Bạn hãy nhận thức mình là mình, bạn không sống thay ai khác.
Ralph Marston
Khi còn nhỏ, tôi vẫn luôn tưởng rằng mỗi con người đều được sinh ra hoàn hảo. Thế giới của tôi hồi đó nhỏ lắm, chỉ trong vòng hàng xóm, bạn học nhà trường, hay anh chị em trong nhà trong họ, và ai sinh ra cũng bình thường trước con mắt còn non nớt của tôi.
Và trong tiềm thức, tuy chưa đến tuổi để nhận thức, tôi vui vẻ bay nhảy hồn nhiên trong một thế giới mà tôi nghĩ rằng ai cũng được hưởng nguyên lý bình đẳng công bằng của trời đất, tức là người nào cũng bình thường. Vào lứa tuổi đó, chỉ ở nhà, không đi đâu, tôi chỉ biết sống với những gì mình có, vì chưa bao giờ được chạm trán với Vũ trụ bao la và đa dạng, mà sau này tôi mới hiểu là nó còn đa dạng và phong phú hơn mình tưởng rất nhiều.
“Chân thì phải cứng, nhưng đá vẫn không quá mềm”!

Mỗi người đều mang trong mình một sứ mệnh khi tới với vũ trụ bao la này. Ảnh: Pngtree.
Rồi sau những năm tuổi nhỏ đó, tôi đã bắt đầu được trông thấy nhiều cảnh ngộ khác thường. Tôi khám phá ra ngay trong xã hội chung quanh mình cũng có một số ít người khuyết tật, đôi khi tàn tật. Đây là những khuyết tật dễ trông thấy, như người cụt chân tay, khá phổ biến do hậu quả của những thời kỳ chiến tranh, rồi những người cầm gậy trắng vừa đi vừa gõ đầu gậy để lần mò hướng đi, đó là những người khuyết thị, chữ khuyết thị là một chữ phong nhã được sử dụng để chỉ những người mất một con mắt, hay cả hai, đôi khi họ sinh ra đã là như thế, đôi khi do một tai nạn nào đó đã làm cho họ không còn khả năng nhìn rõ.
Rồi đến khi lên lớp 7, thì ngay trong lớp có một người bạn chân đi khập khiễng, đi đứng khó khăn. Anh bạn này, mới sinh ra đã bị bệnh bại liệt (poliomyélite), một căn bệnh khá đe dọa vào thời đó.
Cứ đến giờ tan học, anh ấy có gia đình đón ở ngay cổng trường và luôn luôn có người nhà đỡ tay. Còn đến giờ thể thao thì ít ai để ý là anh ấy luôn luôn vắng mặt, còn ai có để ý cũng cho rằng sự vắng mặt của anh là một chuyện bình thường. Anh bạn quý đó vẫn còn sống vui vẻ khi tôi viết những dòng chữ này, tức 65 năm sau khi gặp nhau lần đầu.
Anh đã có gia đình rất bình thường, bốn đứa con cao lớn và đẹp đẽ. Anh đã trở thành bạn thân của tôi, cả hai chúng tôi năm nay đều 77 tuổi (năm 2023), và anh vẫn thường hay ra sân chơi golf với tôi và nhóm bạn già, anh đi bộ năm bảy cây số dưới nắng đỏ, mà chân cẳng anh chẳng cho thấy một sự mệt mỏi nào tuy anh vẫn nguyên dáng đi khập khiễng. Có vẻ, anh còn thanh thoát đi nhanh hơn tất cả chúng tôi, cho dù đôi giày của anh có độ cao và hình thù riêng biệt.
Thú thật, khi tôi gặp trường hợp khuyết tật lần đầu trong lớp học nói trên, tôi quả có cảm nhận một sự ngượng ngùng nào đó, các bạn học khác có lẽ cũng có một cảm nhận tương tự. Cuộc sống của tôi bỗng ngộ ra một sự khác lạ đầu tiên, một thế giới không đơn thuần đồng bộ như mình vẫn tưởng. Mãi đến khi cao tuổi rồi, tôi mới vỡ ra rằng những cảm nhận về sự khác thường đó là hoàn toàn bình thường.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-canh-ngo-khac-thuong-post1570809.html